.

Bứt phá từ dịch vụ giá trị gia tăng cao

.

Sáng 8-4, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương có buổi làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên làm Trưởng đoàn, về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố nhằm chuẩn bị nội dung báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch năm 2015 tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XIII.

Chính sách chưa phù hợp với thực tế địa phương

Sau khi trình bày kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết HĐND thành phố về nhiệm vụ 2014, thành tựu đạt được trên các lĩnh vực, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương và đại diện các sở, ban, ngành nêu lên những bất cập trong chính sách của Trung ương với thực tế tại thành phố Đà Nẵng.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thanh Sang bày tỏ băn khoăn: Chính phủ xây dựng mô hình liên kết vùng giữa các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên. Tuy nhiên, đầu tư xây dựng cơ bản, các công trình quan trọng như sân bay, cảng biển… lại dàn trải, manh mún ở mỗi địa phương thay vì tập trung đầu tư vào địa phương có lợi thế, có tác dụng làm “đầu tàu” thúc đẩy phát triển kinh tế cho toàn khu vực.

Có thể nêu ví dụ trong phạm vi 100km đã có 2 sân bay quốc tế và nhiều cảng biển, trong khi nhu cầu vận tải chuyên chở hàng hóa, hành khách trong khu vực còn thấp, không mang lại hiệu quả trong khai thác vận tải và sử dụng vốn đầu tư. Ông Nguyễn Thanh Sang hy vọng Chính phủ sẽ sớm rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, chi tiết về địa bàn, sản phẩm và quy hoạch ngành cụ thể phù hợp với tiềm năng, đặc thù của từng địa phương.

Có đến 76% doanh nghiệp tại Đà Nẵng là doanh nghiệp nhỏ - bộ phận dễ “tổn thương” trong khủng hoảng kinh tế, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương hy vọng, Trung ương sẽ sớm sử dụng một phần ngân sách chuyển vào quỹ đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các địa phương để nâng cao năng lực cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Bởi, nếu thiếu kiểm soát chặt chẽ thì quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, biến địa phương nhận đầu tư thành bãi thải công nghệ.

Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa phương nhưng chỉ mang theo lượng vốn rất nhỏ. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài thực hiện biện pháp “chuyển giá” thông qua đẩy giá nguyên vật liệu, linh kiện… lên cao, kéo theo giá thành sản phẩm cao, giảm lợi nhuận, gây ra “lỗ giả, lãi thật”, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và giảm thu ngân sách của nước chủ nhà.

Trong những năm qua, Đà Nẵng luôn thuộc nhóm địa phương có kết quả tốt về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Đà Nẵng đang sút giảm dần. Điều này xuất phát từ nguyên nhân Đà Nẵng kiên quyết nói “không” với những dự án làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người... Ông Võ Duy Khương khẳng định: “Nếu không làm tốt khâu kiểm soát ban đầu thì việc giải quyết hậu quả của những việc đã rồi bao giờ cũng tốn kém hơn và để lại hậu quả lâu dài”.

Đà Nẵng sẽ là trung tâm dịch vụ giá trị gia tăng cao

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên tiếp thu những kiến nghị của Đà Nẵng để làm việc với các cơ quan chức năng có thẩm quyền; từ đó khắc phục, sửa chữa những cơ chế, chủ trương chưa phù hợp. Liên kết vùng đồng nghĩa với việc không tạo ra sự cạnh tranh không cần thiết giữa các địa phương, tạo điều kiện cho Đà Nẵng là hạt nhân, đóng vai trò động lực trong phát triển kinh tế-xã hội của vùng.

Ông Nguyễn Đức Kiên đánh giá cao những thành tựu mà Đà Nẵng đã đạt được trong thời gian qua. Trong đó, nổi bật nhất là thành phố đã chủ động điều chỉnh kế hoạch tái cơ cấu đúng hướng; chính sách an sinh xã hội được thực hiện công khai, công bằng, tạo được đồng thuận cao. Đà Nẵng đã tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế, hỗ trợ cho các doanh nghiệp bằng hệ thống hạ tầng hoàn thiện; an ninh trật tự, vệ sinh môi trường luôn được duy trì và ngày càng tiến bộ, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và đưa thành phố trở thành điểm đến an toàn, thân thiện.

Ông Nguyễn Đức Kiên đề nghị Đà Nẵng xây dựng định hướng phát triển thành phố giai đoạn 2016-2020, vạch rõ phương hướng phát triển đúng với tiềm năng cũng như kỳ vọng của cả nước, thực sự trở thành “đầu tàu” của miền Trung. Ông Nguyễn Đức Kiên bày tỏ hy vọng rằng, với cách làm của mình kết hợp với quốc phòng-an ninh bảo đảm, Đà Nẵng sẽ sớm bứt phá ở những dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, du lịch chất lượng cao, đóng tàu du lịch…

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.