.
Chuyện tổ, chuyện thôn

Bỗng dưng... ít dân

Ông Trần Văn Hoa, tổ trưởng tổ dân phố 19 Trung Nghĩa 1, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), cho biết cả tổ có 37 hộ với 191 nhân khẩu thì đùng một phát, 4 ngày trước lúc khánh thành cầu vượt ngã ba Huế, chỉ còn 13 hộ với 61 nhân khẩu!

Nghe thế, không ít người không khỏi ngạc nhiên. Từ cuối tháng 9-2012, Đà Nẵng đã thực hiện việc tổ chức, phân chia lại tổ dân phố trên địa bàn thành phố với trung bình 30 hộ/tổ. Vì sao tổ 19 Trung Nghĩa 1 lại “hao hụt” hộ dân đến vậy, như thế thì hoạt động ra sao?

Ông Hoa kể, 37 hộ ở tổ dân phố của ông nằm trong một con hẻm đường Nguyễn Như Hạnh, trong đó có 24 hộ trong vành đai mở rộng, xây dựng nhánh 4 tuyến đường Trục 1 Tây Bắc của cầu vượt ngã ba Huế. Từ khi cơ quan chức năng thực hiện các bước khởi động tiền khả thi cho cây cầu trị giá 2.000 tỷ đồng này, 24 hộ đã biết nhà cửa của mình sẽ phải giải tỏa, di dời để giao đất cho công trình.

Dân quanh vùng hầu hết cho rằng, làm cầu vượt tránh đường sắt, theo lời ông Hoa, là “cơ hội nghìn năm mới có một lần”, nhưng cũng có một số người tỏ vẻ nghi ngại về sự thành công của dự án. Công trình dần định hình, trước ngày khánh thành, người dân được phép đi bộ lên cầu để tham quan, ngắm toàn cảnh khu vực xung quanh ngã ba Huế - nơi từng ùn tắc xe cộ các loại vì chờ tàu lửa đi qua, ai cũng thấy sự quy mô, vẻ tráng lệ, tầm lợi ích mà “công trình nghìn năm” này mang lại.

Khi hình ảnh lãnh đạo thành phố bấm nút khởi công tuyến đường Trục 1 Tây Bắc ngay sau lúc cắt băng khánh thành cầu vượt ngã ba Huế được phát trên truyền hình hôm 29-3 vừa qua, mọi người nghĩ đến nhánh cầu đối xứng với nhánh cầu đường Trường Chinh sẽ được xây dựng hoàn thành trong nay mai và mang lại sự hoàn thiện cuối cùng cho cây cầu nghìn tỷ.

Để có được ngày đó, có sự đóng góp thiết thực của 24 hộ dân trong diện giải tỏa ở tổ 19 Trung Nghĩa 1. Theo ông Hoa, phần do nhận thức được lợi ích công cộng, phần được đền bù thỏa đáng, bố trí tái định cư hợp lòng người nên 24 hộ này “vui vẻ đi cái rẹt”. Hộ tái định cư gần nhất chỉ cách chỗ ở cũ khoảng 200 mét, xa nhất cũng chỉ hơn cây số.

Trước đây, các hộ thuộc diện giải tỏa, di dời năm lần bảy lượt hết “bị” mời lên phường lại lên quận để họp hành, “hiệp thương” phương án đền bù, tái định cư. Bây chừ, cách làm đã thay đổi, dân không phải lên “quan” nữa mà “quan” xuống với dân. Cán bộ đến từng nhà tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng các hộ dân, rằng dự án như thế đã hợp lý chưa, rằng gia đình có nguyện vọng gì khi đến nơi ở mới... Cách làm thân tình, gần gũi đã tác động đến tâm lý của 24 hộ dân nói trên, bà con nghĩ mình giao đất, tái định cư chỗ khác là được cho Nhà nước, mà cũng được cho mình. Hạn cuối bàn giao mặt bằng là ngày 29-3, nhưng đến 25-3 bà con đã hoàn tất các thủ tục và về nơi ở mới.

Ông Phạm Thống, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Minh, nhận xét tổ 19 đã làm rất tốt nhiều công việc, trong đó nổi bật là chấp hành chủ trương giải tỏa đền bù, được khen thưởng là tổ dân phố xuất sắc. Tổ 19 chỉ còn 13 hộ. Tuy ít thế nhưng ông Hoa nói vui rằng các hoạt động của tổ “vẫn chạy tốt”. Ông còn là trưởng ban tổ chức Lễ hội Đình làng Trung Nghĩa, thành viên Mặt trận quận, nên làm gì cũng phải gương mẫu để dân tin.

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.