.
Chuyện tổ, chuyện thôn

Phổ biến công việc qua tin nhắn

.

Cách đây nhiều năm, khi mới làm tổ trưởng tổ dân phố (TDP), ông Huỳnh Tấn Thưởng, tổ trưởng TDP 197, phường An Khê (quận Thanh Khê) thu thập hết các số điện thoại của từng hộ dân trong tổ. Khi có bất cứ hoạt động hay chủ trương nào, tùy theo quy mô và độ dài - ngắn của văn bản, ông Thưởng soạn tin nhắn gửi đến từng hộ dân.

“Thông báo nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở nộp cho tổ trưởng, kêu gọi ra quân dọn vệ sinh môi trường, cảnh báo trộm cắp, phòng chống cháy nổ…, tôi đều soạn tin nhắn ngắn gọn, rõ ràng, đủ thông tin gửi đến các hộ dân. Người dân cũng nhiệt tình nhắn tin trả lời sẽ tham gia hoặc xin phép vắng mặt…

Việc sử dụng tin nhắn giúp từng hộ dân nắm bắt đầy đủ nội dung để thực hiện, giảm hội họp, giảm thời gian tổ trưởng đi xuống từng hộ dân, nhưng vẫn có tính chất trao đổi hai chiều nhanh, hiệu quả, điều hành công việc tốt. Người dân khi đổi số điện thoại cũng chủ động báo với tổ trưởng TDP. Bên cạnh đó, tôi còn sử dụng trang mạng facebook, gmail, yahoo để chuyển tải thông tin đến từng hộ dân. Nhờ vậy, trong năm 2014, chỉ tổ chức họp tổ 4 lần nhưng điều hành công việc hiệu quả”, ông Thưởng nói.

Chia sẻ về chi phí nhắn tin, ông Thưởng cho rằng, đây không phải là vấn đề lớn. Bản thân ông tranh thủ các sự kiện khuyến mãi giá trị thẻ nạp hoặc tặng số lượng tin nhắn SMS miễn phí của nhà mạng để nhắn cho người dân.

“Với quy mô tổ dân phố rút gọn còn hơn 30 hộ như hiện nay thì việc thực hiện SMS dễ dàng và chi phí thấp, tốn chưa đến 15.000 đồng/tháng từ nguồn phụ cấp của tổ trưởng TDP. Cái khó nhất là nội dung tin nhắn, người tổ trưởng phải bỏ chút thời gian soạn thảo nội dung ngắn gọn, đầy đủ, rõ ràng cho người dân dễ nắm bắt, thực hiện. Thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, trên cơ sở triển khai của phường, TDP cũng đã triển khai nhiều đầu việc quan trọng đến từng hộ dân thông qua SMS và nhận được phản hồi tích cực”, ông Thưởng nói.

Hiện nay, 10 phường của quận Thanh Khê đang triển khai SMS cộng đồng từ chính quyền phường đến tận TDP với chi phí được UBND quận chỉ định cho mỗi phường là 10 triệu đồng/năm. Theo một số đơn vị kinh doanh dịch vụ SMS, với kinh phí như vậy thì phường nhắn tin “thả ga” đến TDP mới hết số tiền đó. Điều quan trọng là trên nền tảng hệ thống SMS cộng đồng này, việc nâng cấp, triển khai SMS đến với từng hộ dân thông qua hoặc không thông qua tổ trưởng TDP chỉ tốn thêm kinh phí nhỏ, nhưng hiệu quả lớn. Trong khi đó, việc sử dụng các loại công văn, giấy tờ trong nhiều trường hợp tiêu tốn, lãng phí cả thời gian lẫn tiền bạc.

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.