.

Dân thôn Trung Sơn muốn được khám bệnh

.

“Bao nhiêu năm nay, hết đoàn này đến đoàn khác đến chụp ảnh, quay phim, tìm hiểu thực trạng ô nhiễm ở đây nhưng cuối cùng chẳng thấy chi thay đổi. Có chăng là nước thải xả ra từ khu công nghiệp ngày càng đen ngòm, hôi thối không chịu được và danh sách người mắc ung thư cũng ngày một dài thêm”.

Người dân thôn Trung Sơn phản ánh tình hình ô nhiễm và bệnh tật.
Người dân thôn Trung Sơn phản ánh tình hình ô nhiễm và bệnh tật.

Ông Võ Chí Thanh (59 tuổi), Trưởng thôn Trung Sơn (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) than thở như vậy khi nói về nỗi niềm không chỉ của riêng ông, mà của tất cả bà con trong thôn, sau bao nhiêu lần chứng kiến những người hàng xóm “bỗng dưng” mắc bệnh quái ác. Chừng nào những “điểm đen” môi trường ở đây còn tồn tại, chừng đó người dân còn sống trong sợ hãi.

“Kêu khản cả cổ”

Thấy phóng viên đến thôn, nhiều người dân lớn tuổi tại Trung Sơn tập trung lại kể vanh vách tên, tuổi những người “xấu số” đã qua đời và đang mắc bệnh ung thư trong vài năm trở lại đây. Đặc biệt, liên tiếp trong hai ngày của tháng 4 này có hai người ra đi vì ung thư.

Điều đáng nói, các bệnh nhân cùng mắc chung loại bệnh là ung thư gan và ung thư vòm họng. Tuổi đời người mắc cũng ngày một trẻ hơn. Cách đây 3 năm, những bệnh nhân K tại đây đều trên 60 tuổi, nhưng những người vừa phát hiện bệnh hiện nay hầu hết chỉ dưới 50.

Ông Nguyễn Văn Đôn (55 tuổi), Trưởng ban Mặt trận thôn, một bệnh nhân K vòm họng giai đoạn 4, cố nói từng lời trong làn hơi đã khàn đặc. Ông Đôn cho biết: “Năm vừa rồi đi khám ở Bệnh viện C thì phát hiện bệnh. Răng mà mấy người quanh đây cứ giống một kiểu”.

Ông Võ Chí Thanh bộc bạch: “Tôi kêu cứu đến khản cả cổ, gặp ban, ngành nào cũng phản ánh. Mình nói cho bà con nhờ, nhưng không biết tới bao giờ mới thực sự thoát được ô nhiễm đây”.

Theo ông Thanh, từ năm 2006, khi khu công nghiệp Hòa Khánh được hình thành, hiện tượng ô nhiễm nguồn nước, môi trường theo đó bắt đầu xuất hiện rõ nét. “Hồi xưa, thôn Trung Sơn tự hào có giếng làng “ngon” nhất xã, đến mức các thôn khác cũng qua “xài ké”. Chuyện xưa rồi, giờ nói đến nước là buồn”, ông Thanh tâm sự.

Trước khi đưa phóng viên đến khu vực được cho là nơi hứng trọn nguồn xả thải trực tiếp từ các nhà máy sản xuất, người dân thôn Trung Sơn dặn dò: “Chớ dại lội chân xuống đó coi chừng bị nhuộm đen”. Thực tế tại khu vực này, dòng nước không chỉ đen ngòm mà còn nổi váng dầu đặc quánh, mùi bốc lên nồng nặc dù ngày hôm trước đã có trận mưa to. Đáng nói hơn, những dòng nước này lại chạy sát vách nhà dân nên ngày ngày họ sống trọn với mối đe dọa khủng khiếp.

Không chỉ con người bị mắc bệnh, mà trâu, bò trong thôn cũng “rủ nhau” tiêu chảy rồi chết. Bà Lưu Thị Thanh Mai (54 tuổi) cho biết: “Tôi mua 2 con bò giống giá gốc là 21 triệu đồng. Sau khi nuôi 1 năm thì bán được 10 triệu đồng, rứa là bỏ công nuôi mà lại lỗ 11 triệu. Bò uống nước, ăn cỏ quanh đây rồi bị sình bụng, lăn ra ốm. Mà đâu mỗi mình tôi chịu cảnh ni, mấy nhà khác cũng bị y rứa” .

“Đợi ngành môi trường xử lý trước”

Thôn Trung Sơn hiện có 200 hộ với 676 khẩu. Theo số liệu khảo sát mới nhất của Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang vào ngày 13-4-2015, trong 5 năm trở lại đây, thôn có 10 người mắc bệnh ung thư, trong đó 7 người đã chết và 3 người còn sống. Riêng quý 1, năm 2015 có 2 người chết và 3 người đang bị ung thư giai đoạn cuối.

Người dân cho biết, toàn thôn hiện có 30ha ruộng bỏ hoang vì các dự án đầu tư xây dựng. Vốn là vùng đất thuần nông, nhưng giờ những phần đất nông nghiệp còn lại chỉ có thể trồng rau muống do “không có cây nào mọc nổi”. “Đất, nước càng dơ thì rau muống càng tươi tốt. Cá cũng mỗi loại rô phi và lươn sống được”, ông Thanh nói.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Đà Nẵng vào chiều 14-4, ông Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế cho biết, vấn đề tại thôn Trung Sơn hiện được dư luận quan tâm thực ra là chuyện lâu lắm rồi, phải trên 10 năm. Cuộc sống, môi trường nơi đây ô nhiễm nhiều năm liền. Ngành y tế đợi ngành môi trường vào cuộc, kiểm tra và có kết luận trước, từ đó mới theo dõi, phân loại và điều tra.

Trước kiến nghị của người dân mong muốn được khám sức khỏe tổng quát hoặc tầm soát ung thư cho toàn thôn, ông Chiến cho rằng, đó là nguyện vọng chính đáng. Tuy nhiên, hiện tại lãnh đạo Sở Y tế cũng chưa xác định bao giờ mới đáp ứng nguyện vọng này của người dân thôn Trung Sơn, dù như đã nói, đây là vấn đề không mới, ngành y tế cũng như các ngành liên quan đều biết từ lâu lắm rồi!

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.