ĐNĐT - Đẩy mạnh kết nối công nghệ giữa các nhà nghiên cứu với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp (DN) nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN nói riêng và thành phố nói chung là vấn đề được quan tâm trong Hội thảo “Doanh nghiệp - Kết nối cung-cầu công nghệ” do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đà Nẵng phối hợp Sở Công thương và Đại học Đà Nẵng tổ chức ngày 24-4.
Các doanh nghiệp tham gia hội chợ để tăng cường kết nối cung cầu công nghệ. |
Nhiều chính sách hỗ trợ
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương, hiện thành phố Đà Nẵng đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ DN, như: chính sách khuyến công, chính sách hỗ trợ DN phát triển sản xuất các sản phẩm lưu niệm; chính sách xúc tiến thương mại…
Đối với chính sách khuyến công, Đà Nẵng đã hỗ trợ cho các DN trong lĩnh vực đào tạo nghề để tạo việc làm và nâng cao tay nghề cho người lao động. Đồng thời, hỗ trợ DN mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nông thôn.
Ngoài ra, còn hỗ trợ DN xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia các hội chợ triển lãm; xây dựng đăng ký thương hiệu…
Theo Sở Công thương, thời gian qua, thành phố đã hỗ trợ hiệu quả 17 mô hình trình diễn kỹ thuật với số tiền khoảng 1,8 tỷ đồng như: mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất ống nhựa PVC tại Công ty TNHH TM&DV Chiến Toàn; mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất cửa nhựa uPVC lõi thép tăng cường tại xã Hòa Nhơn hay hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất nến tại quận Ngũ Hành Sơn…
Đối với sản xuất sản phẩm lưu niệm, thành phố đã hỗ trợ các DN vay vốn, đầu tư đổi mới công nghệ; hỗ trợ kinh phí đào tạo; mặt bằng sản xuất, kinh doanh và các hoạt động xúc tiến thương mại…
Theo bà Mai, hiện đã có 12 DN trên địa bàn được thành phố hỗ trợ sản xuất sản phẩm lưu niệm với tổng số tiền trên 280 triệu đồng và con số này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. UBND thành phố ưu tiên xét chọn các sản phẩm thích hợp từ những DN này để làm quà tặng cho các đoàn khách đến thăm và làm việc tại Đà Nẵng.
Chủ động kết nối cung - cầu công nghệ
Ông Phạm Tiên Phong, Phòng Quản lý Công nghệ, Sở KH&CN Đà Nẵng cho biết, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN nói chung, DN nhỏ và vừa nói riêng, song các cơ chế, chính sách vẫn chưa đi vào thực tế cuộc sống, chưa có những bước đột phá về KH&CN.
Đà Nẵng vẫn chưa có một mạng lưới tư vấn đủ tầm để hỗ trợ DN, còn DN cũng chưa thực sự mặn mà với các nhà tư vấn. DN và nhà tư vấn chưa thực sự là người bạn đồng hành của nhau và DN vẫn còn tư tưởng coi các nhà tư vấn là người làm thay cho mình.
Bên cạnh đó, theo ông Huỳnh Văn Ngộ, Phó Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng, vẫn chưa có cơ chế khuyến khích việc gắn kết giữa các nhà khoa học, các DN trên địa bàn. Cung - cầu công nghệ vẫn chưa có điều kiện thuận lợi để kết nối với nhau. Vì thế, với quan điểm của thành phố là lấy DN làm trung tâm, lấy KH&CN làm động lực phát triển, các cơ quan quản lý, các nhà khoa học và cộng đồng DN phải thắt chặt hơn nữa cơ chế kết nối cung - cầu công nghệ, góp phần đẩy mạnh hơn nữa năng lực cạnh tranh của thành phố trong thời gian đến.
Muốn vậy, thành phố cần có giải pháp để nâng cao hiệu quả hỗ trợ DN, mà hơn hết, trong quá trình đổi mới này, các đơn vị, cơ quan chức năng cần xác định vai trò quan trọng của khâu truyền bá KH&CN; xây dựng các cơ chế vượt trội; cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách kích cầu công nghệ gắn sự hỗ trợ của Nhà nước với quá trình đầu tư của DN để các DN vươn lên trong quá trình đổi mới.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Lê Hùng, Phó Trưởng ban KHCN-Môi trường, ĐH Đà Nẵng cũng cho rằng, thành phố cần có chính sách hỗ trợ và thúc đẩy DN đổi mới công nghệ, gắn nghiên cứu với sản xuất. Đồng thời, có cơ chế gắn kết quỹ nghiên cứu khoa học tại các địa phương với các cơ sở nghiên cứu khoa học khác trong toàn quốc, khu vực để tránh nghiên cứu trùng lặp, kém hiệu quả.
Thúc đẩy đổi mới công nghệ là một quá trình phức tạp. Đây không đơn giản chỉ là hỗ trợ về nghiên cứu khoa học mà còn phải phối hợp đồng thời nhiều yếu tố có liên quan như tìm nguồn tài chính để thực thi dự án, năng lực tổ chức triển khai dự án, năng lực tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm mới… Và muốn đổi mới thành công, các DN phải có tinh thần kinh doanh để vượt qua những thất bại có thể xảy ra trong quá trình ứng dụng ban đầu, cũng như phải kết nối cung - cầu công nghệ một cách chặt chẽ hơn nữa.
Bài và ảnh: Thanh Tình