.

Đột phá bằng tinh thần dám nghĩ, dám làm

.

Từ một đô thị phục vụ quân sự trước năm 1975, sau 40 năm giải phóng, Đà Nẵng trở thành đô thị hướng tới hiện đại, văn minh.

Đà Nẵng chọn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đã và đang mang lại giá trị kinh tế cao. TRONG ẢNH: Khu du lịch Bà Nà Hills năm 2014 đón hơn 1 triệu lượt du khách trong và ngoài nước.
Đà Nẵng chọn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đã và đang mang lại giá trị kinh tế cao. TRONG ẢNH: Khu du lịch Bà Nà Hills năm 2014 đón hơn 1 triệu lượt du khách trong và ngoài nước.

Qua từng giai đoạn phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng luôn đoàn kết một lòng, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức, đặc biệt  phong cách dám nghĩ, dám làm của đội ngũ lãnh đạo mang lại những thành tựu to lớn và quan trọng, có ý nghĩa lịch sử.

Tìm hướng đi mới

Mốc son đánh dấu sự phát triển nhanh chóng của Đà Nẵng thể hiện rõ rệt sau ngày 1-1-1997, khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tinh thần dám nghĩ, dám làm được thể hiện qua việc phát huy tính năng động, sáng tạo, tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, tranh thủ các nguồn lực phát triển, khơi dậy và tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm, các hướng đột phá mới nhằm tạo thế và lực xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố trung tâm trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực và cả nước.

Thành phố cân nhắc kỹ càng, chọn những khâu đột phá dựa trên tiềm năng và thế mạnh của mình để phát triển đô thị theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Khâu đột phá về kinh tế là lựa chọn phát triển dịch vụ thành ngành kinh tế chiến lược, trong đó du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đà Nẵng đã đầu tư lớn về nhiều mặt cho phát triển du lịch. Trong đó ưu tiên chọn lựa những vị trí đẹp, tạo những ưu đãi thỏa đáng để kêu gọi các dự án quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế, góp phần nâng cao sức hấp dẫn của du lịch Đà Nẵng, nhất là sức hút từ du lịch biển, du lịch sinh thái…

Thành phố thu hút 75 dự án du lịch với tổng vốn đầu tư 8,7 tỷ USD. Để làm nên thương hiệu du lịch Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố sáng tạo nhiều cách làm mới là tổ chức các lễ hội du lịch, văn hóa đặc sắc. Trong đó, nổi bật nhất là Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế từ năm 2008 đến nay trở thành sự kiện văn hóa, du lịch quốc tế độc đáo, góp phần hình thành thương hiệu thành phố du lịch, thành phố sự kiện.

Ở Đà Nẵng, ngày càng xuất hiện nhiều trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị lớn đưa vào hoạt động, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân Đà Nẵng như: Metro, Big C, Vĩnh Trung Plaza, Indochina Center, CoopMart, Lotte Mart, Nguyễn Kim, Pakson, Dragon Vĩnh Trung… Bên cạnh đó, hệ thống bán lẻ hàng may mặc, thủ công mỹ nghệ, sách, điện tử, điện máy, gia dụng… ngày càng mở rộng quy mô, tăng số lượng. Đà Nẵng ưu tiên chú trọng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, thân thiện môi trường, hàm lượng công nghệ và chất xám cao.

Đột phá về hạ tầng, xây dựng thành phố nhân văn

Thành công nổi bật của Đà Nẵng là thực hiện chủ trương “khai thác quỹ đất tạo nguồn vốn để phát triển kết cấu hạ tầng” và thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đã tạo được một sự đồng thuận rất cao trong toàn xã hội. Đây là tiền đề quan trọng để Đà Nẵng bứt phá, tạo diện mạo khang trang hơn, đẹp đẽ hơn.

Các “khu ổ chuột” ven hồ Thạc Gián-Vĩnh Trung, dãy nhà chồ Nại Hiên Đông, khu vực chợ Cồn và nhiều khu dân cư hạ tầng cũ kỹ dần thay thế bằng những khu phức hợp thương mại, khu dân cư mới hiện đại, quy hoạch bài bản. Hàng ngàn tuyến đường được mở rộng và xây mới tạo không gian mở hiện đại như đường: Nguyễn Tất Thành, Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Thọ, Lê Văn Hiến, Trần Hưng Đạo, Hoàng Sa, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, đường vành đai phía Nam…

Từ chỗ chỉ có 78 tuyến phố có tên, đến nay thành phố có gần 1.850 tuyến đường đô thị có tên, gấp 24 lần so với năm 1975, chưa kể nhiều tuyến đường được thảm nhựa hoặc bê-tông hóa. Đôi bờ sông Hàn được nối nhịp bằng những chiếc cầu kiến trúc độc đáo như: Cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu Nguyễn Tri Phương...

Công cuộc xây dựng và phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị thể hiện rõ quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng bằng nhiều công trình trọng điểm như: Hầm đường bộ Hải Vân, Cung Thể thao Tiên Sơn, Bệnh viện Phụ sản-Nhi, Bệnh viện Ung thư, Nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng, nút giao thông ngã ba Huế, Trung tâm Hành chính Đà Nẵng, Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân…

Song song với phát triển hạ tầng đô thị, Đà Nẵng thực hiện các cơ chế, chính sách linh hoạt, đặc biệt là tập trung cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi để thu hút tối đa các nguồn lực để phát triển. Nhiều năm Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, chỉ số ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin…; từng bước hướng đến mô hình chính quyền điện tử. Chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân của người dân Đà Nẵng gần 65 triệu đồng/người/năm.

Cùng với phát triển kinh tế, thành phố luôn quan tâm gắn với phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội. Tất cả hướng đến mục tiêu nhân văn: vì con người. Thành phố Đà Nẵng mạnh dạn đề ra và quyết tâm thực hiện mục tiêu “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có”, “Thành phố môi trường”…

Thành phố quan tâm và dành ưu tiên hỗ trợ những đối tượng yếu thế, gia đình khó khăn, gia đình chính sách có mức sống khá hơn. Đà Nẵng là một trong những nơi hội tụ nhân tài, thu hút trí thức, người lao động, những người yêu mến Đà Nẵng đóng góp tâm huyết, trí tuệ chung sức, chung lòng xây dựng, phát triển thành phố.

Đây là những yếu tố góp phần làm nên thương hiệu “Đà Nẵng”, được bạn bè trong và ngoài nước đánh giá là thành phố an bình, thân thiện và đáng sống. Đà Nẵng cũng sớm tạo đột phá trong công tác cán bộ khi thực hiện các đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tạo ra đội ngũ cán bộ kế cận có trình độ và bản lĩnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng thành phố.

Không bằng lòng với chính mình

Tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2015), Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ khẳng định, những thành tựu của Đà Nẵng hôm nay là kết tinh của sự chung sức chung lòng, cống hiến hết mình của các tầng lớp nhân dân; của tinh thần dám nghĩ, dám làm của người Đà Nẵng. Tất cả đều mang trong mình lòng yêu nước và tình yêu quê hương Đà Nẵng; đã đóng góp công sức, tài năng, trí tuệ và lao động sáng tạo không ngừng vì tương lai tươi sáng của thành phố.

Tất cả đều xứng đáng là chủ nhân của những đổi thay diệu kỳ của Đà Nẵng. “Chính “lòng dân” và tinh thần “nhà tan cửa nát cũng ừ” trong những năm tháng chiến tranh, được làm mới trong giai đoạn hiện nay, đã đem lại cho Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng những thành tựu to lớn”, Bí thư Thành ủy Trần Thọ nhấn mạnh.

 Tự hào với những thành tựu đạt được nhưng Đảng bộ, chính quyền thành phố không né tránh những hạn chế, khuyết điểm được thẳng thắn chỉ rõ, đòi hỏi dũng cảm nhìn nhận và có biện pháp khắc phục để Đà Nẵng phát triển hơn. Nhìn về quá khứ, Đà Nẵng hơn 40 năm trước từ một căn cứ quân sự của Mỹ - ngụy, nay trở thành một đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, là đô thị có tốc độ phát triển mạnh mẽ và đang hướng đến một thành phố hài hòa, thân thiện, an bình, nhân văn, hấp dẫn và sống tốt. Từ tinh thần dám nghĩ, dám làm, mỗi người dân Đà Nẵng hôm nay đều có quyền tự hào về thành phố quê hương trong niềm tin tưởng sẽ không bằng lòng với chính mình mà phải phấn đấu, tìm tòi, nỗ lực hơn nữa để Đà Nẵng chinh phục những tầm cao mới.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.