Bốn mươi năm trôi qua sau ngày 30-4-1975. Từ giấc mơ hòa bình, thống nhất, non sông quy về một mối, thế hệ trẻ Việt Nam qua các thời kỳ đã tiếp tục đổ máu xương, mồ hôi và nước mắt để tiếp tục vào quân đội tham gia cuộc chiến tranh mới giúp đất nước bạn và bảo vệ đất nước mình; tham gia vào những công trình xây dựng mới để hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước.
Chúng ta đã biến ruộng vườn với chi chít những hố bom thành các cánh đồng lúa màu mỡ; biến các bãi cát hoang vu thành các nhà máy, công trường; đã xây dựng lại thành phố nhếch nhác với những trại lính, kho bom thành những trung tâm đô thị sầm uất, tươi đẹp...
1. Vào những ngày tháng Tư lịch sử này, mọi người dân Việt Nam đều nhớ lại khí thế hừng hực của đội quân chiến thắng với tốc độ “một ngày bằng 20 năm”.
Chiến thắng 30-4-1975 đã làm cho triệu triệu người dân Việt Nam vỡ òa sung sướng, vui đến trào nước mắt khi đất nước được hòa bình, thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà. Nhưng bên cạnh niềm vui lớn cũng xen lẫn nỗi buồn sâu lắng khi sự mất mát hiện hữu trong hầu hết mọi gia đình, như có lần nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói. “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui thì cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương của dân tộc cần được giữ lành thay vì làm nó thêm rỉ máu”.
Đà Nẵng hôm nay. Ảnh: VĂN NỞ |
Trong suốt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, mỗi người dân Việt Nam thời bấy giờ, dù người ở bên này hay bên kia chiến tuyến, dù có thái độ thế nào đối với cuộc chiến, thì có một điều chắc chắn là trong mỗi người đều đã từng có những trăn trở, đau đáu một giấc mơ: “Giấc mơ Việt Nam” - mơ một ngày nước Việt Nam được hòa bình, thống nhất, mọi người dân được sống hạnh phúc, thân ái cùng nhau. Việt Nam sẽ trở thành quốc gia thịnh vượng, chung sống hòa bình với các nước trong khu vực và trên thế giới. Và để hiện thực giấc mơ đó, bao thanh niên, sinh viên, học sinh các đô thị miền Nam đã sống và chiến đấu với tuyên ngôn sắt đá:
“Con sẽ vót nhọn thơ thành chông
Xuyên vào gan lũ giặc
Con sẽ mài thơ thành kiếm sắc
Chặt đầu văn nghệ tay sai
Trả thù cho cha rửa hờn cho nước
Cho con ngẩng đầu nhìn thẳng tương lai” (*)
Chúng tôi là những người lớn lên và chứng kiến cuộc chiến khốc liệt, cùng với nhiều anh chị em thanh niên, sinh viên, học sinh các đô thị miền Nam, một thời từng trăn trở trước thời cuộc, hăm hở chọn tìm lý tưởng, con đường phải đi của tuổi trẻ, đã tập hợp dưới ngọn cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Tuổi trẻ lứa chúng tôi rất nhiều người đã từng bãi khóa, xuống đường biểu tình chống ngoại bang, đấu tranh công khai hay bí mật trong thành phố, hoặc theo cha anh “lên rừng” tham gia kháng chiến, chống lại bạo quyền theo tiếng gọi của Mặt trận với niềm tin sâu sắc sẽ có ngày chiến thắng, sẽ có ngày hòa bình, sẽ thực hiện được giấc mơ Việt Nam.
Cuộc đấu tranh để thống nhất đất nước kéo dài 30 năm không chỉ ác liệt trên các chiến trường, trong từng làng mạc, từng khu phố mà còn là bi kịch trong rất nhiều gia đình người dân Việt Nam. Cuộc chiến đó trong nhiều trường hợp đã chia rẽ giữa cha và con, giữa anh và em, thậm chí giữa vợ và chồng, giữa những bạn bè thân thiết...
Cuộc chiến còn diễn ra không kém phần quyết liệt trong mỗi con người sống trên đất nước này, đặc biệt là tuổi trẻ ở các đô thị miền Nam. Đó là sự giằng xé, đấu tranh giữa hy sinh, xả thân vì đại cuộc của dân tộc hay lặng im chấp nhận cuộc sống cầu an hoặc chấp nhận cầm súng chống lại nhân dân. Và tôi tin rằng dù họ có chọn thái độ sống, chỗ đứng khác nhau thế nào trong cuộc chiến thì tất cả họ đều có chung một Giấc mơ Việt Nam.
Tôi nhớ lại một thời khắc lịch sử ngày 27-1-1973 khi Hiệp định Paris về hòa bình tại Việt Nam có hiệu lực, chúng tôi hầu hết ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, đang sống trong ký túc xá của Trường Kỹ thuật Đà Nẵng, trong suốt hai, ba ngày liền gần như tất cả anh em không ngủ, ôm nhau khóc. Nước mắt cứ tự nhiên trào ra mà không ai ý thức vì sao mình khóc, rồi lại ôm nhau nhảy múa và ca hát không còn nhớ đến thời gian. Toàn bộ mền chiếu, áo quần cũ, soong nồi... cái gì có thể đốt thành lửa, có thể tạo ra tiếng nhạc, tiếng ồn đều được anh em mang ra chất đống trước sân ký túc xá để đốt lửa trại, vừa đàn, vừa gõ nhịp, cùng nhau hát “Thương quá Việt Nam”, “Hát cho đồng bào tôi nghe”, “Dậy mà đi”…
Tôi thấy trong những anh em tham gia có người là con em của nông dân, công nhân, có người là con em của binh lính, sĩ quan quân đội Sài Gòn, có những bạn là tín đồ Thiên Chúa giáo, Phật giáo, một số bạn có người thân đi tập kết, thoát ly lên chiến khu, hoặc đã mất trong cuộc chiến... tất cả đều vỡ òa trong niềm vui hạnh phúc mà tuyệt nhiên không có sự phân biệt nào. Đến giờ tôi vẫn nghe văng vẳng bên tai lời ca hùng tráng của những đêm không ngủ đó: “...Rồi hòa bình sẽ đến đến cho dân tộc Việt/Đôi chim bồ câu trắng hẹn nhau về làng xưa...”. Tôi thấy đó là hình ảnh thật xúc động của Giấc mơ Việt Nam.
Nhưng rồi hòa bình vẫn chưa đến, cuộc chiến lại bùng lên với cường độ dữ dội hơn, xé nát thêm thân thể còm cõi của Người mẹ Việt Nam đã quá mỏi mòn sau hàng chục năm chiến tranh ác liệt. Chúng tôi đã hụt hẫng trước tình thế đó nhưng vẫn giữ vững niềm tin ngày hòa bình đến sẽ không còn xa nữa. Tuổi trẻ các đô thị miền Nam đã tham gia tất cả các sự kiện trong giai đoạn lịch sử này góp phần thúc đẩy sớm chấm dứt chiến tranh. Và ngày 30-4-1975 đã đến thật nhanh, tháng Tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm là những ngày tháng không ngủ của toàn dân Việt Nam.
Lúc đó chúng tôi vẫn chưa thật tin rằng từ nay không phải phập phồng lo sợ bị tổng động viên đi lính để rồi sẽ chết trận, không lo sẽ có buổi sớm mai phải nghe tin người bạn cùng lớp bị mìn nổ mất xác trong dịp về thăm quê... Và mọi người đều nghĩ đến giấc mơ Việt Nam đã thành sự thật một phần: từ đây sẽ mãi mãi hòa bình và thống nhất.
Tôi nghĩ rằng, trong 2 cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm (1945-1975) những người yêu nước tập hợp dưới các ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, Mặt trận dân tộc giải phóng và các tổ chức yêu nước khác do Đảng Cộng sản lãnh đạo, đã mang bản chất của sự hòa hợp, hòa giải dân tộc rồi. Đây là khía cạnh nhân văn nhất của Giấc mơ Việt Nam: Mọi người dân được sống hạnh phúc, thân ái cùng nhau, không phân biệt đối xử, không còn thù hận nhau sau cuộc chiến. Kể từ ngày 30-4-1975 lịch sử, mọi người dân Việt Nam hai miền Nam Bắc đã thực sự “nối vòng tay lớn”.
Những người trẻ trong giảng đường đại học, những công nhân trong nhà máy, những nông dân trên ruộng đồng, những người lính trong đoàn quân giải phóng, những người vừa thoát ra khỏi chốn lao tù khắc nghiệt... và cả những người đã mãi mãi nằm lại nơi núi cao, biển sâu, đã hòa chung niềm vui to lớn của toàn dân tộc: Giấc mơ Việt Nam đã thành hiện thực và mọi người đều có cơ hội chung tay xây dựng một đất nước thanh bình.
2. Bốn mươi năm trôi qua sau ngày 30-4-1975. Từ giấc mơ hòa bình, thống nhất, non sông quy về một mối, thế hệ trẻ Việt Nam qua các thời kỳ đã tiếp tục đổ máu xương, mồ hôi và nước mắt để tiếp tục vào quân đội tham gia cuộc chiến tranh mới giúp đất nước bạn và bảo vệ đất nước mình; tham gia vào những công trình xây dựng mới để hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước. Chúng ta đã biến ruộng vườn với chi chít những hố bom thành các cánh đồng lúa màu mỡ; biến các bãi cát hoang vu thành các nhà máy, công trường; đã xây dựng lại thành phố nhếch nhác với những trại lính, kho bom thành những trung tâm đô thị sầm uất, tươi đẹp...
Trong 10 năm sau khi thống nhất, đất nước ta phải trả giá cho những sai lầm cho mô hình quản lý đất nước theo thời chiến với nền kinh tế quan liêu, bao cấp. Gần 30 năm đổi mới tiếp theo, đất nước đã xây dựng và phát triển kinh tế trên cơ sở của thể chế kinh tế thị trường; từng bước hội nhập với khu vực và thế giới. Việt Nam đã là thành viên của khối ASEAN từ 1995, gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) từ năm 2006 và chuẩn bị tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong một thời gian không lâu nữa.
Sau 40 năm, chúng ta đã đạt được một số thành tựu đáng kể về kinh tế; theo số liệu công bố tại Diễn đàn phát triển Việt Nam, GDP của Việt Nam năm 2013 đạt gần 175 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.000 USD; tỷ lệ nghèo đói giảm còn dưới 10%; Việt Nam trở thành một trong hai quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu các mặt hàng nông sản: hồ tiêu, gạo, cà-phê, chè, cao su, thủy sản và đồ gỗ; đời sống của đại bộ phận dân cư được cải thiện...
Nhớ lại những năm bao cấp, từ cái áo may-ô đến chiếc lốp xe đạp đều phải phân phối. Mỗi tháng được mua nửa cân thịt từ mậu dịch quốc doanh đã là niềm vui lớn cho cả nhà. Cả nước thèm ăn, cả nước quặn mình trong cấm vận... để mà thấy thấm thía và mừng vui những điều có được hôm nay. Nhưng vẫn còn đó một trăn trở lớn: 40 năm cũng là quãng thời gian quá đủ để một quốc gia lạc hậu trở thành nước công nghiệp. Nhìn sang các nước xung quanh, họ gần như không có tài nguyên gì đáng kể, vậy mà sau 30 năm họ trở thành một nước công nghiệp hàng đầu, nước họ giàu và dân họ sống sung túc. Mỗi khi cầm chiếc điện thoại, tự nhiên tôi nhớ câu nói của một người có trách nhiệm: sau 40 năm ta làm không xong cái đinh vít...
Một thực tế cho ta nhiều suy nghĩ: Trong 12 nước sẽ tham gia TPP thì Việt Nam là nước có năng lực cạnh tranh thấp nhất. Điều đáng nói hơn là Việt Nam có hạng thấp nhất của bản chất năng lực cạnh tranh: nền kinh tế chủ yếu dựa vào tài nguyên để tăng trưởng, trong khi các nước khác phát triển chủ yếu dựa vào năng suất và sáng tạo.
Còn trong ASEAN, Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước chỉ chiếm 3% GDP của toàn khối; xếp hạng kém nhất về chi phí thuế (chi phí tiền bạc và chi phí thời gian cho thuế); về trình độ marketing và năng lực tổ chức kinh doanh, về thu hút và giữ chân người tài, về chỉ tiêu niềm tin để trao quyền cho cấp dưới... thấp hơn cả lào và Campuchia; đặc biệt chỉ tiêu xếp hạng sức khỏe của hệ thống ngân hàng đứng hạng cuối cùng trong khối ASEAN (Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF)).
Trong đoạn phim giới thiệu về cộng đồng kinh tế ASEAN, hình ảnh của Singapore là xa lộ thông tin và dịch vụ tài chính, hình ảnh của Malaysia là cơ sở hạ tầng tuyệt vời, hình ảnh Thái Lan là chợ nông sản hiện đại, còn hình ảnh Việt Nam là những gánh hàng rong và đường phố ngập tràn xe hai bánh!
3. Cốt lõi phát triển của mọi quốc gia phải xuất phát là từ nền giáo dục. Nền giáo dục tốt sẽ đào tạo ra những thế hệ người có kiến thức giỏi, chuyên môn sâu, kỹ năng vững vàng để tham gia xây dựng đất nước. Còn nền giáo dục Việt Nam ta trong 40 năm qua mãi loay hoay cải cách mà đến nay vẫn chưa có lối ra thực sự, vẫn chưa có mô hình phù hợp.
Trong khi các nước phát triển chung quanh ta như Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí như Malaysia từ lâu đã có nền giáo dục khá căn bản và ngày càng phát triển. 40 năm qua tương ứng với hai thế hệ thanh niên được giáo dục bởi nền giáo dục khập khiểng như vậy thì đương nhiên dẫn đến hậu quả là đất nước ta không có những lớp người đủ kiến thức và năng lực để xây dựng đất nước phát triển.
Bằng cấp của Việt Nam nói chung vẫn chưa được thế giới chấp nhận; kiến thức và kỹ năng làm việc của những người tốt nghiệp đại học, cao đẳng không đạt chuẩn đào tạo của khu vực. Vai trò quyết định của giáo dục từ lâu trở thành nhận thức chung, chúng ta nhiều lần “cải cách” song đến nay vẫn trong yêu cầu “đổi mới căn bản, toàn diện”.
Người lao động nước ta dù đã qua đào tạo nhưng khi đi lao động ở các nước, vẫn phải làm những công việc nặng về sử dụng cơ bắp là chính. Thật buồn khi thấy trong những năm qua có hàng vạn chị em, vì miếng cơm manh áo mà đi “xuất khẩu lao động” để chủ yếu làm osin hay lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan... để kiếm thu nhập nuôi gia đình.
Tôi rất tâm đắc với ý kiến của tác giả Vũ Ngọc Hoàng trong bài viết “40 năm nhìn lại và suy ngẫm” đăng trên báo Đà Nẵng ngày 26-3-2014: “Quyền lực đời nào cũng có mặt trái làm tha hóa các quan chức, nếu như họ không có đủ nhân cách lớn hơn quyền lực được trao”.
Trong thời điểm kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước, tôi nghĩ những người đã từng hăm hở đi theo lý tưởng Giấc mơ Việt Nam, vẫn luôn tươi nguyên niềm tin, ý chí, lòng nhiệt tình của thuở hai mươi, vẫn cháy bỏng một mơ ước thấy đất nước mình phát triển vững mạnh, trong đó những quan chức từ cấp thấp cho đến cấp cao nhất thật sự trong sạch, thật sự trọng dân và thương dân để 10, 20 năm nữa, khi chúng ta kỷ niệm 50 hay 60 năm ngày thống nhất, ta không còn thấy cảnh những bà mẹ oằn lưng cấy lúa, những em bé đến trường phải lo cơm áo gạo tiền hằng ngày, những ông lão mỏi mòn chìa xấp vé số cho những người muốn đổi đời theo may rủi.
Và trong các trang giáo khoa lúc ấy sẽ có những bài đọc thêm kể về những người lãnh đạo hôm nay như những tấm gương lung linh niềm tự hào về nhân cách cũng như trí tuệ: Họ là những người biết lo cho dân.
Đà Nẵng - những con số ấn tượng 1997:
2015:
|
VÕ DUY KHƯƠNG
(*) Nhà thơ, liệt sĩ Trần Quang Long trong bài thơ “Thưa mẹ, trái tim”.