Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho biết: Hội nghị giám sát giữa hai kỳ họp thứ 12 và 13 của HĐND thành phố sẽ đề cập 4 vấn đề:
Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân; công tác phòng, chống, kiểm soát tội phạm và quản lý người nghiện ma túy; công tác đầu tư cơ sở vật chất để bảo đảm học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày; cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
* Thưa ông, Hội nghị giám sát giữa hai kỳ họp thứ 12 và 13, HĐND thành phố chọn 4 vấn đề này để giám sát. Đây là những vấn đề cử tri đang quan tâm?
- Từ thành công của 2 lần giám sát giữa 2 kỳ họp trước đó cho thấy: HĐND thành phố không thể đợi đến kỳ họp theo luật định để giải quyết những vấn đề nóng bỏng cử tri đang bức xúc, dư luận xã hội đang quan tâm.
Học tập kinh nghiệm Hội nghị giám sát giữa hai kỳ họp của Quốc hội (khóa XIII), HĐND thành phố Đà Nẵng chọn những vấn đề cử tri đang bức xúc nhất để giám sát. Lần này cũng vậy, Thường trực HĐND thành phố và UBND thành phố cùng Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam đã họp liên tịch thảo luận xác định những vấn đề mà cử tri đang bức xúc. Thường trực HĐND thành phố cũng giao các Ban của HĐND và Tổ đại biểu thành phố trên cơ sở nắm dư luận cử tri để tham gia ý kiến chọn vấn đề giám sát.
Từ đó, Thường trực HĐND thành phố quyết định chọn 4 vấn đề: Công tác giải quyết đơn thư KNTC của công dân; công tác phòng, chống, kiểm soát tội phạm và quản lý người nghiện ma túy; công tác đầu tư cơ sở vật chất để bảo đảm học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày; cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong giải quyết TTHC.
* Cụ thể từng vấn đề là như thế nào, thưa ông?
- Vấn đề thứ nhất là giải quyết đơn thư KNTC của công dân. Đây là lĩnh vực phức tạp. Có vụ việc người dân khiếu kiện kéo dài nhưng chưa có cơ quan nào giải quyết rốt ráo. Lần này phải đưa ra giám sát để thúc đẩy giải quyết.
Vấn đề thứ hai là phòng, chống, kiểm soát và quản lý người nghiện ma túy, đặc biệt là vấn đề đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện tập trung.
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, thủ tục đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung rất rườm rà, nhiêu khê. Giám sát vấn đề này để tăng cường giải pháp hiệu quả trong quản lý người nghiện ma túy, đạt được mục tiêu “không có người nghiện ma túy trong cộng đồng” của chương trình “5 không”; đồng thời ngăn chặn nguy cơ người nghiện ma túy phạm pháp hình sự làm ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu của chúng ta đang xây dựng thành phố du lịch, thành phố văn minh, có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Vấn đề thứ ba là xây dựng cơ sở vật chất trường học bảo đảm cho 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày từ năm học 2015-2016 theo tinh thần Nghị quyết số 88/2014/NQ-HĐND ngày 11-12-2014 của HĐND thành phố.
Vấn đề thứ tư là cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành của thành phố trong giải quyết TTHC. Chính phủ đánh giá cao kết quả thực hiện cải cách hành chính của Đà Nẵng nhưng chúng ta chưa hài lòng với chính mình. Vẫn còn hồ sơ chậm trễ, nhất là hồ sơ có liên quan trách nhiệm phối hợp giải quyết từ 2 cơ quan trở lên. Hội nghị giám sát lần này sẽ giám sát xem UBND thành phố đã xây dựng và thực hiện các cơ chế phối hợp giải quyết TTHC như thế nào, hiệu quả đến đâu.
* Thưa ông, dư luận cử tri cũng như Ban Văn hóa-Xã hội nhận định việc đầu tư cơ sở vật chất vẫn sẽ không kịp để bảo đảm năm 2015-2016 có 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. HĐND thành phố sẽ giám sát vấn đề này như thế nào?
- Về vấn đề này, HĐND thành phố sẽ giám sát để thúc đẩy tăng tiến độ đầu tư, ưu tiên bố trí ngân sách thành phố để xây đủ phòng học bảo đảm cho 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày theo tinh thần nghị quyết của HĐND thành phố.
Sau Hội nghị giám sát, Thường trực và các Ban của HĐND thành phố, các Tổ đại biểu HĐND thành phố sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện kết luận giám sát của Chủ tọa kỳ họp HĐND để bảo đảm kết luận các vấn đề được giám sát phải được thực hiện cũng như bảo đảm việc 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày.
SƠN TRUNG thực hiện