Trong khi nhiều địa phương trong cả nước vẫn loay hoay bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính ra đời có nhiều điểm bất cập, thiếu khả thi, Đà Nẵng đã mạnh dạn có cách làm riêng bằng việc ban hành quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn.
Rút gọn thời gian
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, từ lúc tòa án họp đến lúc ra quyết định phải mất từ 6-12 tháng. Đó là khoảng thời gian dài và khó hiệu quả. Bởi vậy, Đà Nẵng đã mạnh dạn có cách làm riêng. Tất cả các ngành như: tư pháp, công an, LĐ-TB&XH… chỉ trong 3 ngày phải thống nhất lập hồ sơ chuyển sang tòa án. Sau đó, cũng chỉ khoảng 3-5 ngày, tòa phải quyết định về việc có đưa người nghiện vào cai nghiện tập trung hay không.
Để làm được điều đó, các quận, huyện lập ra một tổ tư vấn thẩm định hồ sơ bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Sau đó, chỉ trong 3 ngày, tổ tư vấn thẩm định này họp xem xét thống nhất tính pháp lý, nội dung hồ sơ rồi chuyển qua tòa án, thay vì mất 17 ngày như quy định tại Nghị định số 221/2013. Ngoài ra, đối với người nghiện không có nơi cư trú ổn định, Đà Nẵng giao cho tổ chức xã hội quản lý trong thời gian chờ lập thủ tục áp dụng biện pháp để có thể đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Sau đó, thành phố đã rà soát từng địa phương, qua thống kê có khoảng hơn 1.800 người nghiện, trong đó có hơn 1.600 người đang ở cộng đồng, 58 người ở trung tâm cai nghiện và 196 người đang ở các cơ sở giáo dục, giáo dưỡng… Các lực lượng chức năng thành phố đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý gần 1.300 trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy. Như vậy, so với trước đó, số người nghiện bị phát hiện, xử lý nhiều hơn 600 trường hợp (tăng 91%). Toàn thành phố cũng đã lập hồ sơ tổ chức cai nghiện ma túy cho 299 người, trong đó cai nghiện tại cộng đồng là 43 người, cai nghiện tại Trung tâm là 256 người.
Nói về vấn đề này, ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (thuộc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng) cho biết: “Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này, làm sao để có thể vừa giải quyết nhanh, chặt chẽ, vừa đúng luật, nhằm mang lại lợi ích cho người nghiện và cộng đồng xã hội”.
Từ khi có Quyết định 28/2014/QĐ-UBND ngày 6-9-2014 về việc ban hành quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn Đà Nẵng, số người tự nguyện đi cai nghiện tập trung tại thành phố tăng dần (các năm trước đây rất ít, thậm chí không có). Hiện nay, tỷ lệ người cai nghiện tự nguyện tăng 135% (năm 2014 có 2 người, năm 2015 tăng lên 27 người). Ngoài ra, thành phố cũng đa dạng hóa các hình thức cai nghiện khác, cho người nghiện tự nguyện đăng ký một hình thức cai nghiện phù hợp như: cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; vừa kết hợp giáo dục tại phường, xã (về hành vi vi phạm pháp luật); tổ chức cho họ đăng ký sử dụng methadone để điều trị thay thế các chất gây nghiện dạng thuốc phiện...
Quản lý sau cai còn khó khăn
Trong buổi làm việc mới đây với Sở LĐ-TB&XH, bà Lê Thị Ngọc Hà, Phó Chánh án TAND thành phố cho biết, hiện nay kinh phí dành cho hoạt động này chưa có. Ngoài ra, việc lập hồ sơ chưa chặt chẽ nên khó trong xử lý. “Có những hồ sơ chưa đủ yêu cầu, còn sơ sài, chẳng hạn như việc đánh bút lục lưu hồ sơ còn lộn xộn. Nơi bố trí để tòa mở phiên họp xét tại Trung tâm Giáo dục - dạy nghề 05-06 còn chưa phù hợp, phương tiện để cán bộ tòa đến nơi họp xét còn khó khăn”, bà Hà nói.
Còn theo ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác cai nghiện, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như việc xem xét hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc vẫn chậm do một số giấy tờ thủ tục rườm rà. “Do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện nên việc quản lý địa bàn, quản lý đối tượng còn nhiều sơ hở.
Đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện chưa được đào tạo bài bản, có hệ thống nên quá trình triển khai còn không ít lúng túng”, ông Hiệp cho biết. Ngoài ra, còn có trường hợp khi lập hồ sơ, bản thân người nghiện không hợp tác nên việc lập hồ sơ kéo dài mới chuyển đến tòa án.
Ông Hiệp cho rằng, sự phối hợp giữa các cơ sở điều trị methadone với các địa phương chưa chặt chẽ nên việc quản lý người nghiện trong diện điều trị methadone còn nhiều bất cập. Các trung tâm y tế hiện vẫn chưa nắm vững quy trình tiếp nhận hồ sơ, tổ chức điều trị cắt cơn, giải độc cho người nghiện.
Bên cạnh mặt tích cực, công tác cai nghiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Nhiều đối tượng sau khi ra tù có sự móc nối với các đối tượng trong phạm vi cả nước đã thực hiện hành vi phạm tội, dẫn đến tái phạm chiếm tỷ lệ cao; nhiều đối tượng nghiện chuyển sang hoạt động ma túy; một số đối tượng núp bóng dưới hình thức điều trị bằng methadone để tiếp cận, bán ma túy cho người nghiện; việc triển khai công tác cai nghiện tại gia đình và xem xét hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn chậm; việc quản lý di biến động và dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện còn nhiều khó khăn.
Mô hình CLB công tác xã hội và phòng, chống tội phạm xã, phường theo quy định tại Quyết định số 7676/QĐ-UBND của UBND thành phố hiện chưa phát huy tác dụng, còn lúng túng trong tổ chức hoạt động; phòng, chống tệ nạn mại dâm còn nhiều khó khăn... Theo thống kê, năm 2014, đối tượng phạm tội có sử dụng trái phép chất ma túy chiếm 91,7%; đối tượng có tiền án phạm tội ma túy chiếm 17%; đối tượng đang điều trị bằng methadone phạm tội là 10 trường hợp.
Để thực hiện các chương trình “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có”, trong đó có nội dung “Không có người nghiện ma túy tại cộng đồng”, Đà Nẵng đã có cách làm riêng nhằm xử lý hiệu quả công tác cai nghiện. Song, để thực hiện hiệu quả hơn, cần có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các cấp, ngành trên toàn thành phố.
PHƯƠNG TRÀ