Thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) chiều 15-4, một số vị đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ số lượng phó thủ tướng trong luật.
Sau khi tiếp tục hoàn thiện, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 5 tới đây. |
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, số lượng phó thủ tướng của mỗi nhiệm kỳ là do Quốc hội quyết định nên không cần đưa vào luật, còn mấy ông thứ trưởng thì do Chính phủ quyết nên mới phải đưa vào luật.
“Hôm nọ anh Bình (Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình - PV) nói số lượng phó chủ tịch Quốc hội cũng không quy định cứng trong luật nên số phó thủ tướng để Chính phủ quy định lấy. Tôi nói quan trọng là ở cấp quyết định. Số lượng phó chủ tịch Quốc hội do Quốc hội quyết định nên không quy định. Số lượng phó thủ tướng cũng do Quốc hội quy định nên không cần quy định cứng”, Chủ tịch Quốc hội giải thích thêm.
Liên quan đến chống “lạm phát” cấp phó, dự thảo luật quy định mỗi bộ không có quá năm thứ trưởng; tổng cục không quá bốn và cục, vụ, viện thì không quá ba cấp phó.
Đại biểu Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Văn Minh đề nghị phải trình bày rõ sau khi luật này ra đời thì số lượng cấp phó tăng hay giảm, đối với từng bộ thì số lượng cấp phó như vậy có đảm bảo không, ý kiến của Chính phủ và các bộ thế nào?
Còn theo Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc Danh Út quy định tối đa năm thứ trưởng là hơi cứng nhắc. Đại biểu Danh Út đề nghị nên quy định số lượng nhiều hơn cho các bộ Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao vì đây là những bộ đa ngành, lĩnh vực quản lý rộng.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng mỗi bộ chỉ cần bốn thứ trưởng, riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thì được năm. Còn lại cấp tổng cục chỉ ba và cấp cục - vụ chỉ cần hai phó thôi.
Nên hay không nên quy định cứng cơ cấu tổ chức của Chính phủ cũng là vấn đề còn khiến đại biểu băn khoăn và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình giải thích, cơ cấu của Chính phủ trước khi trình Quốc hội thông qua đều phải được Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương xem xét.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cũng lên tiếng “thanh minh” về đề nghị trao thêm thầm quyền cho Thủ tướng khi hai trong 4 thầm quyền không được tán thành.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không giao Thủ tướng thẩm quyền phê duyệt danh sách nhân sự giới thiệu phó Chủ tịch tỉnh; phê chuẩn, phê duyệt danh sách nhân sự trước khi giới thiệu bầu vào chức danh chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Mặt khác, thầm quyền “Quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân”được đề nghị không bổ sung vào dự thảo luật.
Tại phiên họp tháng 3 Chính phủ đã thảo luận rất kỹ và có báo cáo tiếp thu giải trình về việc bổ sung thẩm quyền cho Thủ tướng. Ý trong thẩm quyền này là khi các cấp có thẩm quyền đã ban hành lệnh tổng động viên hoặc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp thì Thủ tướng có quyền quyết một số biện pháp ngay để thi hành, ý là như vậy, Bộ trưởng phân trần.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng giải thích như vậy cũng chưa ổn.
Nhìn toàn bộ dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét, nhiệm vụ của Chính phủ và Thủ tướng thì rất nhiều nhưng đánh giá trách nhiệm thế nào thì chưa được quy định rõ.
Sau khi tiếp tục hoàn thiện, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 5 tới đây.
Theo VnEconomy