Trong cuộc kháng chiến của dân tộc, hiếm có ngôi làng nào trên đất nước Việt Nam có sự cống hiến máu xương như ở xóm Nà (nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu).
Chỉ 40 hộ dân nhưng xóm Nà có tới 22 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 2 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 52 liệt sĩ.
Xóm Nà trong ký ức
Sáng 18-4, nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ban liên lạc lâm thời con em xóm Nà đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật. Trong khuôn viên của Đền tưởng niệm các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sĩ phường Hòa Hiệp Nam, ký ức về xóm Nà năm xưa được hiện về theo lời kể của các nhân chứng.
Xóm Nà có từ khi nào? Vì sao gọi là xóm Nà? Ông Huỳnh Tấn Thiệt, thành viên Ban liên lạc cho biết: “Đến giờ phút này vẫn chưa có chứng nhân và sử sách để xác định đầy đủ. Tuy nhiên, cũng có thể hiểu rằng đây là vùng đất màu mỡ, cây trái tốt tươi quanh năm, nằm giữa cánh đồng sông nước bao quanh, sơn thủy hữu tình. Do đó, cư dân vùng này gọi là xóm Nà, còn tên chính danh và xứ đất là xóm Bắc Thượng.
Xóm Nà có hai khu vực Bắc Thượng và Bắc Hạ, được hình thành cách đây trên 5 đời”. Về vị trí địa lý, xóm Nà xưa thuộc xã Hòa Hiệp (huyện Hòa Vang), hiện nay phần đất này đã được bố trí xây dựng khu dân cư Xuân Thiều 3 (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu).
Tương truyền, cơn lũ năm Canh Thìn 1880, có 8 xã, thôn gần sông của huyện Hòa Vang bị nước lũ cuốn trôi nhà cửa, đình chùa, đò thuyền, cầu cống, nhân dân chết đuối, ruộng lúa bị ngập úng. Vì vậy, nhiều người dân xóm Nà đã phải ly tán để tránh những cơn cuồng nộ của thiên nhiên. Tưởng nhớ đại nạn ấy của tiền nhân, hiện nay nhiều gia đình con em xóm Nà vẫn lấy ngày 19-9 âm lịch hằng năm làm ngày giỗ.
Trong dân gian cũng truyền tụng câu ca: “Gặp em đây mới biết em còn/ Hồi năm Thìn bão lụt, anh khóc mòn con ngươi”. Cũng theo các nhân chứng, trận lụt năm Giáp Thìn 1964, tuy có lớn nhưng không gây thiệt hại nhiều như năm Thìn trước kia.
Một vùng đất kiên trung
Thời kháng chiến chống Pháp, vào thập niên 50 của thế kỷ XX, thực hiện chủ trương “vườn không, nhà trống” của cách mạng, dân xóm Nà tình nguyện bỏ nhà cửa, ruộng vườn đi tản cư vào vùng tự do sinh sống. Hòa bình lập lại, họ mới trở về quê cũ làm ăn. Pháp thua, Mỹ nhảy vào miền Nam. Người dân xóm Nà lại cùng với nhân dân cả nước bước vào cuộc chiến đấu mới.
Nơi đây đã trở thành căn cứ lõm của cánh bắc Hòa Vang. Xóm Nà là nơi nuôi giấu, che chở, là chốn lui tới, đi về an toàn của cán bộ, bộ đội. Mặc dù chính quyền Sài Gòn áp dụng nhiều chính sách “tố Cộng, diệt Cộng” vô cùng dã man, thâm độc, nhưng nhân dân xóm Nà vẫn một lòng sắt son với cách mạng, tin tưởng vào ngày toàn thắng của dân tộc Việt Nam.
Trước những gian nguy và nanh vuốt của kẻ thù, họ động viên nhau: “Nhà tan cửa nát cũng ừ/ Đánh thắng giặc Mỹ, cực chừ sướng sau”. Đến năm 1965, cả xóm có trên 40 gia đình với khoảng 200 nhân khẩu, được chia làm 12 khu vực. Lúc này, Mỹ đã đổ quân vào Đà Nẵng hòng đánh úp cơ sở cách mạng. Tuy nhiên, quân địch đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của du kích xóm và bộ đội địa phương, buộc chúng phải gọi trực thăng bắn rốc-két, gọi pháo bầy, pháo chụp… hòng thực hiện dã tâm bóp chết lòng yêu nước của người dân nơi đây.
Không khuất phục được bằng vũ lực, địch chuyển sang dụ dỗ đồng bào xóm Nà ly khai với cách mạng. Bất lực trước các biện pháp trên, chúng đành dồn dân xóm Nà vào ấp chiến lược ở xóm Làng và nhiều vùng lân cận khác để dễ bề cai trị và thực hiện âm mưu “tát nước bắt cá”. Song chúng đâu có ngờ, dù chưa ổn định nơi ở mới, cuộc sống còn bộn bề lo toan, nhiều gia đình xóm Nà vẫn tiếp tục tham gia hoạt động bí mật, làm cơ sở, đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, bộ đội ngay trong lòng địch. “Ly hương chứ không ly nông, ly tâm cách mạng.
Người đi chứ nhà cửa, ruộng vườn để lại chờ ngày về cố hương”, ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng ban liên lạc lâm thời con em xóm Nà- cho biết tinh thần của người dân xóm Nà trong giai đoạn này.
Về dự buổi họp mặt trong sự bùi ngùi tiếc thương những người con xóm Nà đã vĩnh viễn nằm lại nơi đất mẹ, không ít nhân chứng ngậm ngùi nhớ về một thời trung dũng, kiên cường. Tại buổi gặp mặt, Ban tổ chức đã công bố những số liệu khiến không ít người ngỡ ngàng bởi sự khốc liệt của chiến tranh và tấm lòng người dân xóm Nà đối với cách mạng.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, xóm Nà có trên 100 người tham gia hoạt động cách mạng. Trong đó, 52 con em của xóm đã anh dũng hy sinh, có 2 người được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là liệt sĩ Huỳnh Dạng và liệt sĩ Huỳnh Đức Công. Tính đến năm 2015, xóm Nà có 20 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (3 mẹ còn sống), 37 thương bệnh binh, 27 người bị địch bắt tù đày. Những con số trên khiến gần 400 còn người đã ngồi lặng đi trong giây lát. Bởi đó là một biểu tượng anh hùng, cũng là một kỳ tích đau thương được lập nơi xóm Nà.
Ngày nay, địa danh xóm Nà chỉ còn trong ký ức của người già và sự mường tượng của người trẻ. Vùng đất kiên trung xưa nay được thay bằng khu đô thị mới. Song những cống hiến của người dân xóm Nà trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng đã trở thành một tượng đài bất tử không chỉ đối với người dân Đà Nẵng. Giá như có một tấm bia chứng tích được dựng tại nơi đây để ghi nhớ công ơn của người dân xóm Nà?
NGUYỄN SỸ LONG