Tối thứ 6 hằng tuần, trải dọc các lối đi ký túc xá (KTX) Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng dày đặc sinh viên.
Nhóm làm chương trình radio họp tiếp nhận thư của thính giả nghe đài. |
Ai cũng chăm chú lắng nghe những bản nhạc vui nhộn, những bức thư đong đầy yêu thương được phát từ những chiếc loa trong khuôn viên. Đó là chương trình radio do chính các sinh viên tại KTX xây dựng ý tưởng và sản xuất.
15 bức thư/tuần
Chương trình Radio KTX ĐH Sư phạm được ra đời và duy trì đến nay đã hơn 6 năm. Chương trình do Đội tự quản sinh viên KTX sản xuất với phần lớn là những sinh viên năm 1-3 đang sinh sống, học tập tại KTX. Không có những cuộc thi tuyển rầm rộ để “chọn mặt gửi vàng” những cá nhân tiêu biểu làm chương trình, cũng như các thế hệ đi trước, 7 sinh viên (4 người dẫn, 3 kỹ thuật viên) đang làm chương trình Radio KTX ĐH Sư phạm đều đến với sân chơi này bằng một tình yêu, một niềm đam mê riêng nhưng rất bền bỉ.
Tối thứ 5 hằng tuần, cả nhóm họp để tiếp nhận thư, phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Theo đó, 4 MC kiêm biên tập viên xây dựng ý tưởng, viết lời dẫn, lựa chọn nhạc dựa trên nội dung những bức thư gửi đến cho chương trình qua email radioktxsp@gmail.com, tin nhắn tại địa chỉ facebook https://www.facebook.com/RadioKtxSuPham hoặc những bức thư tay được gửi trực tiếp cho các thành viên trong nhóm. Chương trình kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ. Nội dung các bức thư thường xoay quanh chủ đề về tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình, tình thầy trò… có khi chỉ là những khoảnh khắc bâng quơ ghi dấu một thời sinh viên.
Bùi Thị Hải Yến (SN 1993, sinh viên năm 3 ngành Sư phạm Văn), Đội trưởng đội radio cho biết: “Trung bình mỗi tuần chúng em nhận được 15 thư, có khi đến 17-18 thư. Nhiều bức thư tay viết kín hai trang A4, đọc rất xúc động. Thư nhiều khiến việc xây dựng chương trình của chúng em cũng gặp khó khăn hơn vì phải đắn đo lựa chọn, nhưng cả nhóm rất vui và hạnh phúc vì được các bạn tin tưởng gửi gắm những tâm sự thầm kín của mình”.
Để tạo sự gần gũi, dễ đi vào lòng thính giả, 4 MC không chuyên cũng tập nghe đài, luyện cách phát âm sao cho tròn vành, rõ chữ. Phan Thị Lê Giang (SN 1993, sinh viên năm 3 ngành Cử nhân báo chí), một trong 4 MC tâm sự: “Thời gian đầu, thỉnh thoảng đang dẫn ngon trớn, tự nhiên em chen vô vài tiếng Quảng khiến cả KTX cười ồ. Việc làm chương trình giúp em có cơ hội thực hành các kỹ năng báo chí, ăn nói cũng lưu loát, bớt nhút nhát hơn”.
Không nghe lại nhớ!
Vượt ra khỏi không gian KTX, chương trình radio của ĐH Sư phạm còn tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng sinh viên các trường: ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế. Thậm chí, rất nhiều lần chương trình nhận được email của các sinh viên đang học tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Cuộc hẹn của tác giả với nhóm làm chương trình diễn ra vào tối thứ sáu của tuần học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Vì vậy, chương trình chưa được khởi động lại. Cuộc nói chuyện của chúng tôi đôi khi bị gián đoạn bởi chốc chốc lại có nhóm sinh viên gõ cửa thắc mắc: “Sao hôm nay không có radio?”. Tại hồ sen trong khuôn viên KTX, một tốp sinh viên nam ĐH Bách khoa đang đợi nghe radio.
Mạnh Hùng (SN 1992, ngành Điện tử-viễn thông), một thành viên trong nhóm nói: “Cứ tối thứ sáu thì chúng em xuống đây nghe radio. Không nghe, không đi thì thấy thiêu thiếu, nhơ nhớ. Chương trình rất gần gũi, đậm chất sinh viên. Thỉnh thoảng chúng em còn viết thư gửi tới chương trình”.
Nói là làm chương trình radio cho “oai” nhưng thực ra đạo cụ của nhóm chỉ tận dụng lại một chiếc amply, một chiếc micro đã khá cũ kỹ của Ban quản lý KTX. “Có hôm chương trình đang phát, dây cắm bị tụt ra mà nhóm không biết, mãi đến khi cả KTX la lối ầm lên tụi em mới hay”, một thành viên trong nhóm chia sẻ.
Đối với các sinh viên sinh sống tại KTX, chương trình radio đã trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu, là nơi lưu lại những kỷ niệm đáng nhớ của thời sinh viên. Lê Hải Cường (SN 1992, sinh viên năm 2, ngành Việt Nam học), một thính giả trung thành của chương trình hồ hởi nói: “Bình thường, mấy anh em trong phòng đều bận học, bận làm thêm nên tối thứ sáu là khoảng thời gian hiếm hoi cả phòng cùng ngồi bên nhau, cùng lắng nghe radio rồi bàn tán về nội dung của một bức thư nào đó. Có hôm trong phòng xảy ra xích mích, một bạn viết thư nhờ chương trình “xí xóa” hộ, thế là mọi giận dỗi tan biến ngay”.
Bài và ảnh: BÌNH AN