Người dân đôi bờ dòng Bến Hải, nơi phải gánh nỗi đau chia cắt đất nước 60 năm về trước, ước mơ một lần được đón Bác về thăm.
Ông Hồ Văn Triêm bên di ảnh của Bác Hồ. |
Như câu thơ của Hải Hiền, người con đất Vĩnh Linh khóc Bác vào ngày 2-9-1969: “Bác Hồ ơi/ Chúng cháu hằng mơ ước/ Đến bao giờ đón Bác/ Đường vào Nam Bác dừng lại Vĩnh Linh/ Giữa cầu bảy nhịp sông Hiền/ Bác đứng bên cờ Tổ quốc…” trong bài thơ Đón Bác về thăm quê cháu.
Sông nước, con người khắc khoải, ước mong. Mong dấu chân Người dẫu chỉ một lần. Và Người, ngày 16-6-1967, khi vào thăm Quảng Bình nhưng chưa thể vào được Vĩnh Linh. Ngày đó, Bác căn dặn: “Quảng Bình, Vĩnh Linh ở tuyến đầu miền Bắc, tiếp giáp với miền Nam, mọi việc làm tốt hay xấu của các cô, các chú ở đây đều có ảnh hưởng nhất định đến cách mạng miền Nam, đều có ý nghĩa đến việc bảo vệ miền Bắc. Nếu kẻ địch có hoạt động liều lĩnh gì thì Quảng Bình, Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết và phải bảo đảm đánh thắng chúng trước hết”.
Đau đáu vì miền Nam ruột thịt, nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc luôn luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là trách nhiệm hàng đầu. Trong Di chúc của Người, viết năm 1965, viết năm 1969, Bác đều khẳng định quyết tâm to lớn, kiên quyết giải phóng miền Nam dù có phải gian khổ hy sinh nhiều của, nhiều người. Đến bản cuối cùng viết ngày 10-5-1969, Bác đưa vấn đề đó thành câu mở đầu với ước mơ đi thăm hai miền Nam Bắc.
Di chúc của Bác đóng bút 46 năm trước, đó cũng là giai đoạn mảnh đất bên bờ sông giới tuyến chịu những trận mưa bom, bão đạn. Người Vĩnh Linh không được đón Bác vào thăm, không phụ ước mong của Người đã làm nên những kỳ tích để non sông liền một dải, dù máu và nước mắt nhuộm thắm mảnh đất này. Và người Vĩnh Linh cũng như những người con nước Việt, hy sinh máu xương để có ngày toàn thắng 30-4-1975.
Ở đó, ông Lê Khánh Y (thôn Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh), làm trưởng công an xã, phụ trách bến đò B (thôn Cổ Mỹ) và bến đò C (thôn Cổ Trai) từng có hàng trăm ngày sinh tử ở nơi một thời là tọa độ lửa trên bản đồ chiến tranh quân sự Mỹ. Ông bùi ngùi nhớ lại: “Vào những năm 1967-1968, chiến tranh xảy ra ác liệt, mỗi ngày đêm dân quân du kích bờ Bắc Hiền Lương không có giờ phút ngơi nghỉ. Dưới làn bom đạn xé trời, những chiến sĩ hai vai hai cáng hết vận chuyển lương thực, đạn dược vào chi viện miền Nam lại đón nhận thương binh chuyển về tuyến sau. Ác liệt lắm. Sống chết tựa sợi tơ trời. Ăn-ngủ-nghỉ đều trên miệng giao thông hào. Gian khổ nhưng ai cũng cất cao tiếng hát để át tiếng bom”.
Ở đó, ông Hồ Văn Triêm, (thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh) trong suốt 3 năm (1965 đến 1967), với một mái chèo tay đơn sơ, 93 lần làm thuyền trưởng, dưới mưa bom đưa hàng hóa, bộ đội ra đảo Cồn Cỏ an toàn. “Duyên nợ” đưa ông đến với đội chèo thuyền cảm tử ra Cồn Cỏ là vào một ngày tháng 4-1964, chứng kiến những người vợ, người mẹ mắt đỏ hoe, lặng lẽ trên bãi biển Cửa Tùng đợi tin 60 người con trên 11 chiếc thuyền nan chở hàng hóa, vũ khí ra đảo Cồn Cỏ bị tàu chiến địch bao vây, cùng với lốc tố không trở về.
Tay ông cầm mái chèo, quyết tâm thay mặt những người ra đi làm tiếp nhiệm vụ. Tuyến đường từ Cửa Tùng ra đảo Cồn Cỏ dài khoảng 18 hải lý, đã bị tàu địch án ngữ hết mọi con đường, máy bay liên tục quần thảo trên bầu trời. Con thuyền nan không la bàn, định vị, ngoài sự thông minh đưa được thuyền tiếp cận đảo, hành trang của họ chỉ có lòng dũng cảm và dám chấp nhận hy sinh.
Anh trai ông, Hồ Văn Tỷ hy sinh trong một lần cùng ông ra đảo. Trở về, thuyền chưa cập bờ, ông đã thấy cha đứng đó, bóng đổ dài trên bãi biển mà lòng quặn thắt. Ông cố giấu cha: “Anh em con vẫn bình yên!”. Cha ông lặng đi một lúc rồi cất giọng rắn rỏi: “Chiến tranh mà, dù có trốn trong hầm cũng chết. Con cứ yên tâm làm nhiệm vụ”. Những chuyến ra đảo sau đó, chính cha ông, lúc đó ở tuổi 70, tình nguyện thay thế vị trí của con trai đã hy sinh.
Ở dòng sông chia đôi giới tuyến, những người một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, hứng chịu đạn bom như nhau, chịu nỗi đau chia cắt người thân như nhau. 19 năm, đó là một khoảng thời gian dài dòng sông nhỏ hiền hòa bị nhát dao của kẻ thù xẻ làm hai nửa. Nửa bên nào cũng đau thương. Nửa bên nào cũng anh dũng kiên cường, cũng một lòng kiên trung. Đã có hàng trăm người sống cảnh vợ Nam, chồng Bắc - chỉ một con sông rộng chưa tới trăm mét mà vời vợi ngót nửa đời người. Có người ra đi kháng chiến để lại mẹ già. Ngày đứng ngóng thấy bên kia đoàn người quấn tang trắng bên sông mà không ngờ đó chính là sự đưa tiễn người thân… Người ở bên bờ Bắc còn được nói tiếng nói của tự do, người ở bờ Nam sống chui sống lủi, chịu sự kìm kẹp của kẻ thù, lấy đêm làm ngày để tiến hành những trận đánh úp vào Dốc Miếu, Cồn Tiên.
Bà Hoàng Thị Chẩm (thôn Xuân Long, xã Trung Hải, huyện Gio Linh) làm liên lạc cho bộ đội từ bé, năm 17 tuổi tham gia du kích xã. Tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, 9 lần bà được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.
Anh hùng Lao động Đinh Như Gia, chủ nhiệm hợp tác xã Nam Hồ của Vĩnh Linh những năm chống Mỹ, hai lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Đó là năm 1967 khi ông được phong Anh hùng, Bác tặng ông 5 cân bồ kết. Khi về, những o, những chị sản xuất và chiến đấu xuất sắc được tặng 2 quả, ai chưa xuất sắc được tặng 1 quả. Tháng 5-1968, ông ra Hà Nội lần hai dự đại hội Lao động XHCN toàn miền Bắc, được đến gặp Bác. Mới nhìn thấy ông, Bác hỏi: “Gia ra đó à cháu. Chuyện Cửa Tùng ra sao rồi cháu?”. Nói rồi Bác lặng lẽ khóc. Trước đó cỡ một tuần, máy bay Mỹ ném bom sập một hầm địa đạo ở Cửa Tùng, trên 60 con người mãi mãi vùi sâu dưới đất.
Chuyện ở vùng tuyến lửa, Bác vẫn dõi theo hằng ngày, dù lúc này sức khỏe Người yếu hơn, phải đón người con Vĩnh Linh bên cây gậy trúc.
Cách đây 10 năm, tôi được chứng kiến cuộc trùng phùng của hai con người, ông Dương Tốn, nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính Đặc khu Vĩnh Linh và ông Nguyễn Kháng, nguyên Tiểu đội trưởng dân quân tự vệ làng Cát Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh. Lúc đó ông Kháng bước qua tuổi 80, cùng chiếc xe đạp cọc cạch đi tìm gặp những người một thời cùng ông vào sinh ra tử.
Hai ông nhắc lại những ngày ông Kháng ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam, những ngày các ông cùng chia nhau củ sắn củ khoai, chiến đấu để tự do bước qua một dòng sông chỉ rộng chừng 100 mét… Giờ ông Kháng mắt mờ, chân yếu, không còn đạp xe, không còn chèo thuyền ra biển như xưa. Ông Tốn thì đã hòa vào đất.
Những cuộc trùng phùng của người buộc ở hai bờ chiến tuyến ngày càng thưa vắng, khi tóc bạc nhiều hơn, thời khắc ngày xưa lùi càng sâu vào dĩ vãng.
Lần nào, trở về Hiền Lương cũng gợi lên trong lòng tôi một nỗi niềm rưng rưng khó tả. Thế mới biết cái tình quê cha đất tổ không ràng buộc mà tự bao giờ đã ăn sâu vào máu thịt con người. Tôi, người con sinh sau ngày quê hương im tiếng súng. Cuộc tìm về với dòng sông như hành trình tìm về nguồn cội; hiểu hơn về sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha ông đã không tiếc máu xương ngã xuống vì hòa bình. Mới thấm hơn niềm đau đáu mà Bác đã ghi trong Di chúc: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi thăm 2 miền Nam Bắc…”.
Ký của HOÀNG NHUNG