.

Như người trong cuộc

.

Họ sinh ra, khi đất nước đã có gần 10 năm hòa bình, thống nhất. Nhưng những mất mát, hy sinh của thế hệ cha anh trên mảnh đất này, ngày mỗi ngày, họ như luôn đối diện, chạm phải và bao lần khóe mắt rưng rưng.

Không làm lỡ thời gian

“Con ơi, cho bà hỏi về BHYT”, “Dạ, bà đợi tí, con xem lại chế độ nghe”, “Hỉ?..”. Nghe vậy, chị Hương lấy giấy bút hý hoáy viết mấy dòng chữ rồi cẩn thận đặt vào tay cụ bà, và  nói vui với tôi: “Những người đến phòng hỏi chế độ đa phần lớn tuổi, các cụ không nghe rõ nên cứ “hỉ tới hỉ lui”, mình phải nói thật to rồi quơ chân múa tay đủ kiểu hết. Nếu các cụ vẫn chưa thông được nữa thì phải viết giấy để trả lời…”.

Sinh năm 1983, chị Hứa Thị Mỹ Hương, cán bộ chuyên trách công tác lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) tốt nghiệp chuyên ngành kế toán. Cha mẹ chị đều là thương binh. Từ nhỏ, chị thường được nghe ba mẹ kể về những cuộc quyết chiến vì màu cờ Tổ quốc; sự hy sinh của bao đồng đội và sự quý giá vô ngần của những người được chứng kiến non sông thống nhất. Chị cũng luôn được nghe kể về những tháng năm đầy gian khó sau ngày đất nước giải phóng, những tem phiếu, những bo bo, khoai sắn thay cơm. Thấm bao câu chuyện từ cha mẹ, nên khi được giao công việc, dù không đúng với ngành nghề đã học, chị Hương vẫn thấy trào dâng một niềm vui và vinh dự.

Chị bảo, từ nhỏ đã mong mỏi khi lớn lên sẽ làm gì đó góp phần nhỏ bé của mình vào công tác chăm sóc đời sống gia đình chính sách (GĐCS) trên chính quê hương mình, phần nào bù đắp cho những cống hiến của cha anh. Đồng hành cùng các GĐCS 5 năm nay, chị Hương nhận xét, đời sống của họ dù có cải thiện nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những đối tượng “huy một lần” (tham gia kháng chiến và nhận huy chương 1 lần thì được hưởng chế độ “huy một lần” là 1 triệu đồng-PV) và người già (là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cha/mẹ của liệt sĩ…).

Để nắm vững công việc, chị Hương không bao giờ đợi người dân đến tìm mình, mà hằng ngày đều xuống tận thôn để khảo sát tình hình. Khi gặp trường hợp đau ốm, bệnh tật mà gia đình chưa có tiền thuốc men,  chị sẽ hỗ trợ đột xuất khó khăn ngay cho họ và đề xuất làm chế độ cho họ sau. Không máy móc, rập khuôn theo những chế độ mà đối tượng chính sách đáng được hưởng, chị Hương còn giúp đỡ các GĐCS thoát nghèo bền vững bằng sức lao động của mình.

Điển hình cho trường hợp này là bà Nguyễn Thị Luyến (thôn Diêu Phong), là vợ liệt sĩ, bản thân là người có công với cách mạng. Gia đình bà có khu vườn rộng 1 hecta nhưng chủ yếu là vườn tạp. Chị Hương đã đề xuất UBND xã Hòa Nhơn hỗ trợ sinh kế, huy động nguồn lực từ Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên cải tạo đất, trồng giống chuối thanh tiêu. Nhờ giống chuối này mà kinh tế gia đình bà Luyến được cải thiện, một buồng chuối thanh tiêu bán được 100.000 đồng, mỗi tháng thu nhập hơn 2.000.000 đồng.

Cũng trên mảnh đất Hòa Vang anh hùng, ở xã Hòa Phong, các GĐCS đã xem chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (sinh năm 1984), cán bộ chuyên trách công tác LĐ-TB&XH như người con, người em trong gia đình nhờ sự tận tâm trong công việc của chị đã dành cho họ. Chị cho biết, mình may mắn được hưởng hòa bình, tự do trên mảnh đất thấm bao xương máu của cha ông, nên từ khi tiếp nhận công việc đến nay, mình luôn xem việc hoàn thành thật tốt công việc như là một sự tri ân. Mỗi khi nhận hồ sơ là bằng mọi cách giải quyết nhanh, sớm nhất có thể, chưa bao giờ làm lỡ thời gian hưởng chế độ của đối tượng.

Hơn 10 năm gắn bó với công việc, bằng sự nhạy bén và cái tâm của mình, chị Hạnh đã đề xuất giúp đỡ cho nhiều GĐCS xây được nhà mới, sửa được nhà cũ, dù không tiện nghi nhưng bảo đảm được tiêu chí “tránh lũ, tránh lụt”. Chị thường xuyên xuống tận thôn để khảo sát nhà cửa. Nếu nhà họ hư hại hay xuống cấp thì sẽ chụp hình lại, về làm kiến nghị lên trên xin hỗ trợ, chứ người dân không phải là người làm đơn. Ngoài xin hỗ trợ từ chính quyền, chị Hạnh cũng tìm đến các doanh nghiệp trên địa bàn xin hỗ trợ cho các GĐCS bởi chị hiểu, công tác đền ơn đáp nghĩa rất được địa phương và các doanh nghiệp coi trọng.

Một hồ sơ được giải quyết là một niềm hạnh phúc

Ngoài những việc hỗ trợ sinh kế, khảo sát nhà cửa, chi trợ cấp… những người làm công tác này còn kiêm thêm rất nhiều việc xoay quanh cuộc sống của GĐCS. Chị Ngọc Hạnh tâm sự, vẫn còn rất nhiều hồ sơ của đối tượng chính sách “vướng” lại mà những người đi trước chưa giải quyết được. Những hồ sơ tồn đọng này chứa nhiều câu chuyện trục trặc mà mỗi khi một hồ sơ giải quyết được là chị rất hạnh phúc. “Làm việc này, không chỉ có nắm vững luật, văn bản mà phải có óc quan sát, phán đoán, phải nắm được bối cảnh lúc bấy giờ thì mới có cái nhìn chính xác được”, chị nói.

Chị Hạnh kể, phức tạp nhất là xác minh Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Người phụ nữ ngày xưa có chồng được gọi theo tên chồng, có con gọi theo tên con, đến nỗi người thân quên hẳn tên thực, trên thẻ căn cước của họ. Sau này, khi đời cháu khai hồ sơ thì khai theo tên thường gọi của bà mình nên không khớp với hồ sơ gốc. Với những trường hợp này, chị Hạnh phải tìm đến tận nguyên quán của mẹ, tìm những người già cùng thời để hỏi. Khổ nỗi, những người này đa phần đã già yếu, nên không thể nhớ được. Chị vẫn không bỏ cuộc mà đến nhà thờ tộc của mẹ xin phả hệ, mời trưởng tộc đến để đối chiếu. “Khó mấy cũng phải làm cho bằng được nếu thực tế mẹ là người có công, là Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Ví như trường hợp kê khai hồ sơ Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Thúy. Con cháu bà ở Hòa Phong, bà  lấy theo tên chồng nên không ai nhớ tên trên thẻ căn cước. Chị Hạnh tìm về quê bà ở xã Hòa Tiến, mời gia đình nội ngoại của bà, cùng trưởng tộc, trưởng thôn đến để đối chiểu phả hệ.

Hay như trường hợp bà Bùi Thị Giãi - một hồ sơ vướng nhiều năm liền do cách khai hồ sơ làm chị Hạnh phải dày công nghĩ cách. Bà Giãi có em là liệt sĩ. Theo quy định, người nuôi liệt sĩ phải nuôi từ 8-10 năm mới đủ quyền hưởng chế độ. Nếu cứng nhắc theo quy định này thì bà Giãi không đủ quyền hưởng. Nhưng chị Hạnh đã tìm hiểu kỹ bối cảnh gia đình bà lúc đó. Bà Giãi không có chồng, sống cùng mẹ già (ba mất sớm) và người em. Mẹ không có sức lao động, bà Giãi vừa nuôi mẹ vừa nuôi em. Như vậy, thời gian nuôi sẽ dài ra. Nắm được điểm này, chị đã hướng dẫn bà cách khai hồ sơ hợp lệ và bà Giãi được hưởng chế độ đúng quy định.

Ngoài việc đối mặt với hàng trăm loại văn bản, giấy tờ để thông thạo từng cách giải quyết, với chị Hứa Thị Mỹ Hương, việc tìm mộ liệt sĩ với những chuyến đi trèo đèo, lội suối cùng thân nhân liệt sĩ, có khi ròng rã cả tháng trời luôn để lại trong chị những ký ức không thể nào quên. Như câu chuyện tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Thế Nga.

Năm 2006, gia đình liệt sĩ đi cùng nhà ngoại cảm vào huyện Hòa Vang tìm kiếm. Sau nhiều ngày rà soát, nhà ngoại cảm xác định, mộ liệt sĩ Nga hiện nằm lại ở đất Hòa Liên. Đứng trên thửa đất cỏ mọc um tùm, xung quanh là ruộng lúa đang lên xanh tốt, cả gia đình đã mừng vui và xúc động nghẹn ngào. Phần mộ đã được tìm thấy và được di dời về quê ở tận Hà Tây.

Hai năm sau, đồng đội của liệt sĩ Nga (chưa biết gia đình đã tìm được mộ) đã tiến hành tìm kiếm, xác định Nguyễn Thế Nga hy sinh ở thôn Phước Thái, xã Hòa Nhơn chứ không phải ở Hòa Liên! Tiếc rằng, những năm 1976, phần mộ này đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ của xã và ghi phần mộ vô danh. Dù biết chắc chắn, hài cốt của anh đang ở nghĩa trang này nhưng đến nay, gia đình vẫn chưa xác định được

. Là người đi theo, chứng kiến từ đầu đến cuối câu chuyện, chị Hương rất xót xa. Niềm vui của cha mẹ tưởng đã tìm được con nay thành nỗi thất vọng và thương xót, không biết con mình giờ đang ở đâu. Nhắc đến câu chuyện buồn này, mắt chị đỏ hoe, ngấn lệ: “Chứng kiến những giọt nước mắt hụt hẫng của thân nhân liệt sĩ lúc đó mình ước gì ngày trước khi quy tập mộ, những người quy tập không chỉ ghi mộ vô danh mà nên ghi thêm phần mộ này được đưa về từ đâu, có được địa điểm, đồng đội, người nhà sẽ rất dễ xác định, đâu có khổ tâm như bây giờ”.

Toàn huyện Hòa Vang hiện có 4.087 liệt sĩ, 960 thương binh, 205 bệnh binh, 787 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (41 Mẹ còn sống), 211 người nhiễm chất độc hóa học. Hiện nay, huyện đang quản lý 652 người có công cách mạng và gần 8.000 đối tượng chính sách.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.