Hơn chục năm sống ở Đà Nẵng, bà Kathleen (63 tuổi, người Mỹ) luôn hài lòng về sự lựa chọn nơi ở của mình. “Đất lành chim đậu”, không chỉ bà Kathleen mà còn rất nhiều người chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai.
Trao nhà tình nghĩa cho một gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Hòa Vang. |
Thành phố của nhiều điều “lạ”
Bà Kathleen, chủ quán Bread of Life (số 4 Đống Đa), cắt nghĩa về việc lựa chọn Đà Nẵng làm nơi sinh sống bởi một chữ “lạ”. “Đà Nẵng có nhiều cái lạ, đáng yêu. Tôi, bạn bè tôi và nhiều du khách đến Đà Nẵng không sợ bị “chặt chém” khi sử dụng dịch vụ ăn uống, vui chơi, cũng không bị chèo kéo xin tiền hay “mời” mua những món lưu niệm với giá cao. Trong khi ở nhiều nơi khác, điều đó thường xuyên xảy ra”, bà Kathleen cho biết.
Những điều tưởng như đơn giản đó nhưng là sự nỗ lực lớn của thành phố. Đà Nẵng tự tạo dấu ấn riêng cho mình bởi các chương trình “thành phố 5 không”, “ thành phố 3 có”. “5 không” là không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người để cướp của. Những năm qua, hàng ngàn lượt người đã được đưa vào nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội; hàng chục ngàn đối tượng xã hội được hưởng chế độ trợ cấp cứu trợ thường xuyên; hàng trăm ngàn lượt người gặp khó khăn, hoạn nạn được trợ cấp đột xuất…
Nhiều cách làm đột phá, sáng tạo như: ban hành quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn nhằm rút ngắn thời gian lập hồ sơ ra quyết định đưa hàng trăm người nghiện vào Trung tâm Giáo dục - dạy nghề 05-06, hỗ trợ người không tái nghiện sau 5 năm trở lên… đã làm giảm tốc độ lây lan và gia tăng người nghiện mới. “Mình từng là người nghiện, tưởng như tương lai đã khép lại nhưng sau khi cai nghiện trở về thì nhận được nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ từ cộng đồng.
Từ chỗ không có nơi ở, gia đình mình được thành phố bố trí một căn hộ chung cư nên cuộc sống ổn định”, anh Nguyễn Công Sơn (37 tuổi, quận Hải Châu) thổ lộ. Anh Sơn đã lánh xa con đường nghiện ngập và trở thành một đồng đẳng viên tích cực, góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn thành phố.
Song song với mục tiêu “5 không”, Đà Nẵng triển khai chương trình “thành phố 3 có”: có nhà ở, có việc làm và có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Theo Sở LĐ-TB&XH, bình quân hằng năm, Đà Nẵng giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động; xây mới, sửa chữa hàng ngàn nhà ở cho người nghèo, đối tượng chính sách, xây chung cư cho phụ nữ đơn thân… Là một trong những phụ nữ đơn thân được hỗ trợ chung cư, bà Nguyễn Thị Sen (61 tuổi, ở tổ 94, phường Hòa Minh) không giấu được niềm vui: “Chồng tui mất sớm, một mình nuôi hai con nhỏ ăn học. Tiền thuê nhà cao. May nhờ thành phố cấp chung cư nên cuộc sống của ba mẹ con đỡ vất vả”.
Một cái “lạ” nữa là việc xây dựng Bệnh viện Ung thư bằng những tấm lòng. Người hỗ trợ tiền, người chỉ là bộ bàn ghế, thậm chí ký gạo, bó rau cho bếp ăn bệnh viện… Mỗi viên gạch nhỏ - mỗi tấm lòng đã làm nên một bệnh viện khang trang dành cho người dân Đà Nẵng và cả khu vực miền Trung. Ở đó, người nghèo được chữa bệnh miễn phí. Và ở đó, thân nhân của họ có nơi ăn ở thoáng mát, không phải nằm la liệt ở hành lang hay nằm dưới gầm giường người bệnh…
Đến Đà Nẵng nhiều lần, điều mà chị Nguyễn Tâm Tình (54 tuổi, ở thành phố Hồ Chí Minh) thích nhất là không lo nạn móc túi. “Buổi tối, mình có thể thong thả dạo các đường phố, thưởng thức không khí trong lành và các món ngon mà không lo sợ nạn cướp giật, gặp người nghiện hút chích”, chị Tình chia sẻ.
Được lòng dân
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa tại Đà Nẵng, cái được lớn nhất của Đà Nẵng trong quá trình xây dựng và phát triển chính là được lòng dân. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, mang lại hiệu quả, thành phố đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội và điều đó trở thành nguồn lực góp phần quan trọng vào sự phát triển, bắt đầu từ người đứng đầu và lan tỏa đến từng người dân.
Nhờ đó, thành phố đã đổi thay ngoạn mục, phát triển kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị và bố trí dân cư. Những khu nhà chồ, nhà ổ chuột không còn, thay vào đó là những dãy nhà khang trang, những khu chung cư mới. “Từ chương trình “thành phố 5 không” đến “thành phố 3 có” đều có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố, các cấp ủy Đảng. Mục tiêu cao nhất là để người dân có được cuộc sống tốt đẹp nhất”, ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nói.
Cũng theo ông An, nhiều năm qua, việc hỗ trợ dạy nghề cho các đối tượng chính sách, di dời giải tỏa… vẫn luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm và chỉ đạo sát sao. Mỗi năm, thành phố rót kinh phí hàng tỷ đồng để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất...
Hàng ngàn hộ thoát nghèo mỗi năm không chỉ là con số thống kê mà đằng sau là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Đó là kết quả của hàng loạt biện pháp như: tuyên truyền, tổ chức gặp mặt đối thoại trực tiếp, hướng dẫn các mô hình, kinh nghiệm làm ăn; hỗ trợ đất sản xuất; đào tạo nghề và giải quyết việc làm; hỗ trợ về tín dụng; nhà ở, điện, nước sinh hoạt và cải thiện điều kiện vệ sinh; hỗ trợ về y tế, giáo dục, v.v...
Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng với sự đồng thuận cao từ chính quyền đến người dân, Đà Nẵng đã, đang và sẽ bước từng bước vững chắc trong chặng đường phát triển, để trở thành “thành phố đáng sống”, “điểm đến” của nhiều người.
Bài và ảnh: KIM NGÂN