.

Sáng kiến từ người lính thợ

.

Ấn tượng đầu tiên khi đến các xưởng, trạm của Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật 354 (TTBĐKT), Vùng 3 Hải quân là sự sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp.

Huấn luyện thực hành trên mô hình sáng kiến tại các phân đội thuộc Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật 354.
Huấn luyện thực hành trên mô hình sáng kiến tại các phân đội thuộc Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật 354.

Các trang bị kỹ thuật (TBKT) được sắp đặt một cách khoa học, hợp lý thuận tiện cho việc bảo dưỡng sửa chữa vũ khí, thiết bị kỹ thuật.

Thượng tá Nguyễn Đức Tăng, Chỉ huy trưởng TTBĐKT 354 cho biết: Có được chính quy kỹ thuật như thế này là mồ hôi, công sức của bao thế hệ cán bộ, nhân viên kỹ thuật đơn vị; là sự cố gắng, nỗ lực trong giữ tốt, dùng bền các TBKT mà đơn vị được trên đầu tư xây dựng. Đây cũng chính là kết quả của phong trào làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân”.

Điều đáng quan tâm là những sáng kiến, sáng chế được chính bàn tay người lính thợ làm ra. Chi phí cho những sáng kiến này không nhiều nhưng hiệu quả đem lại rất lớn. Được biết, từ lâu, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được đơn vị hết sức coi trọng. Hằng năm, ngoài việc giao chỉ tiêu cho các trạm, xưởng, TTBĐKT 354 còn động viên, khuyến khích và dành một phần kinh phí hỗ trợ các tập thể, cá nhân có những công trình, sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị thực tiễn cao. Trong số đó, phải kể đến sáng kiến “Cải tiến hệ thống làm mát đầu tự dẫn trang bị M” của Đại úy chuyên nghiệp Bá Hồng Quý, nhân viên ngành tự dẫn Tên lửa Trạm 67.

Theo đánh giá của cán bộ, nhân viên TTBĐKT 354 thì trước đó hệ thống hoạt động với động cơ điện một chiều 27V, công suất 1.200W nên rất khó tìm linh kiện khi thay thế, sửa chữa. Trong khi đó, hệ thống lại có nhược điểm là cồng kềnh, tiếng ồn lớn, hiệu quả làm mát thấp. Từ khi sáng kiến “Cải tiến hệ thống làm mát đầu tự dẫn trang bị X” được áp dụng đã thấy được nhiều tiện ích rõ ràng: Hệ thống được sử dụng động cơ xoay chiều 220V-50Hz, công suất 35W. Các thiết bị được thay thế dễ khai thác trên thị trường. Hệ thống gọn nhẹ, tiếng ồn nhỏ, hiệu quả làm mát cao...

Đại úy chuyên nghiệp Bá Hồng Quý cho hay, trong quá trình “làm bạn” với thiết bị này, anh đã phát hiện ra những điểm được và chưa được của nó. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh đã mạnh dạn đề xuất sáng kiến với trên rồi từng bước bắt tay vào thực hiện. Với tất cả tâm huyết và lòng yêu nghề, chỉ sau một thời gian ngắn, sáng kiến của anh đã hoàn thành và được đơn vị áp dụng vào thực tiễn.

 Một sáng kiến khác cũng được những người làm công tác kỹ thuật hết sức quan tâm là sáng kiến “Tận dụng khí nén áp suất cao khi niêm cất vũ khí N”. Sáng kiến này do Đại úy Nguyễn Tất Nam, nguyên Trạm trưởng Trạm 63 và Đại úy chuyên nghiệp Bùi Thanh Tuấn, nhân viên ngành lắp ráp tổng hợp ngư lôi Trạm 63 thực hiện. Trước đây, khi niêm cất vũ khí N, để kiểm tra độ kín khoang chứa khí thể tích 745 lít cần phải nạp vào khoang khí với áp suất khí là 200kg/cm2.

Quá trình đó phải nổ máy nén khí YKC-400 trong thời gian 3,5 giờ. Do thiết kế của xưởng chỉ có 1 giá để bảo quản 1 đơn vị vũ khí và khi thử kín xong phải xả khí xuống chỉ để 120kg/cm2, nên lượng khí xả ra rất lãng phí. Để tận dụng lượng khí xả ra, Trạm 63 đặt thêm 1 giá song song với giá ban đầu để cùng lúc đặt 2 đơn vị vũ khí song song. Như vậy, sau khi thử kín xong vũ khí thứ nhất thì lượng khí nén cần xả ra (80kg/cm2) được tận dụng nạp cho vũ khí thứ hai và chỉ cần nổ máy nén khí YKC-400 với thời gian 2,5 giờ nữa là nạp đủ lượng khí theo quy định là 200kg/cm2.

Theo tính toán, từ vũ khí thứ hai trở đi tiết kiệm được 1 giờ nổ máy nén khí. Nếu mỗi năm đơn vị niêm cất 30 đơn vị vũ khí thì sẽ tiết kiệm được 29 giờ nổ máy nén khí và như vậy sẽ tiết kiệm được khoảng 522 lít dầu diesel. Sáng kiến rất đơn giản nhưng hiệu quả lại vô cùng lớn.

Với tinh thần yêu ngành, yêu nghề, nhiều tập thể và cá nhân của TTBĐKT 354, Vùng 3 Hải quân đã hăng say nghiên cứu đưa ra nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, có những sáng kiến cấp Bộ Quốc phòng quản lý và nhiều mô hình huấn luyện có giá trị về mặt thực tiễn. Điều đáng nói là những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của đơn vị đều do chính bàn tay người lính thợ làm nên, họ xứng đáng được tôn vinh và quan tâm nhiều hơn nữa.

Bài và ảnh: KIM DUNG

;
.
.
.
.
.