“Hiệu quả lớn nhất là sau hơn 3 tháng triển khai, tình hình trật tự an toàn giao thông chuyển biến tích cực, nhất là tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm và không xảy ra TNGT có nguyên nhân sử dụng rượu, bia so với cùng kỳ năm 2014”.
Cảnh sát giao thông tiến hành đo nồng độ cồn một tài xế điều khiển ô-tô trên đường 2 Tháng 9. |
Thượng tá Lê Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an thành phố Đà Nẵng, khẳng định như vậy khi nói về hiệu quả của đợt ra quân cao điểm kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, được triển khai từ đầu năm 2015 đến nay.
Để tìm hiểu về những điều mà Thượng tá Lê Ngọc nói, tôi đã tham gia một ca làm việc của tổ CSGT Công an thành phố vào một tối đầu tháng 4.
19 giờ, tổ xử lý nồng độ cồn của Đội tuần tra, dẫn đoàn (Phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng), do Thiếu tá Đặng Viết Khôi làm tổ trưởng, có mặt trước khu vực Đài tưởng niệm trên tuyến đường 2 Tháng 9 để làm nhiệm vụ. Đại úy Lê Ngọc Huân được giao nhiệm vụ dừng đón phương tiện; Thiếu úy Bùi Quang Minh đảm nhận việc đo nồng độ cồn và nhận biết kết quả. Ngoài ra, còn có 3 cán bộ CSGT và 4 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động (Phòng PC65) hỗ trợ.
Sau đó 15 phút, một ô-tô đầu tiên mang BKS Nghệ An do anh Lê H. điều khiển được yêu cầu dừng lại. Sau khi kiểm tra giấy tờ và nói lý do, tài xế được tiến hành đo nồng độ cồn thì máy báo kết quả không vi phạm. Trong sổ nhật ký cũng ghi ngắn gọn: “Lúc 19 giờ 15, dừng ô-tô 37A-104…, ông Lê H. không vi phạm nồng độ cồn”. Liên tục đến 20 giờ, hàng chục ô-tô khác cũng được yêu cầu dừng và đo nồng độ cồn nhưng tất cả đều không vi phạm.
Khoảng 10 phút sau, Đại úy Lê Ngọc Huân phát hiện một phụ nữ trung niên điều khiển xe gắn máy nhưng không bật đèn chiếu sáng nên đã yêu cầu dừng lại. Sau khi được nhắc nhở, phụ nữ này nhận lỗi và chấp nhận nộp phạt 90.000 đồng vì lỗi quên bật đèn. Ngay sau đó, có thêm trường hợp một người đàn ông trung niên chạy xe gắn máy cũng không bật đèn được yêu cầu dừng lại. Tổ công tác nhắc nhở và tiến hành đo nồng độ cồn nhưng người này không vi phạm. Tổ lập biên bản xử phạt vi phạm không bật đèn chiếu sáng.
Theo quan sát của chúng tôi, đến 22 giờ cùng ngày, trong hơn 60 trường hợp được dừng xe, hầu hết tài xế khi được đo nồng độ cồn đều không vi phạm. Tuy nhiên, riêng lỗi người điều khiển xe (kể cả ô-tô, xe gắn máy) không bật đèn chiếu sáng bị lập biên bản lên tới gần 20 trường hợp. Theo Đại úy Lê Ngọc Huân, đây cũng là lỗi khá phổ biến và cũng chính là nguy cơ cao dẫn tới tai nạn khi tham gia giao thông trong đêm. Vì vậy, các trường hợp vi phạm đều bị xử lý “mạnh tay” bên cạnh việc nhắc nhở.
Thiếu tá Đặng Viết Khôi, Đội phó Đội tuần tra, dẫn đoàn cho biết, từ ngày đầu triển khai kế hoạch đến nay, đội thường xuyên tổ chức ra quân xử lý nồng độ cồn từ 19 giờ 30 đến 23 giờ mỗi tối. Địa điểm thường xuyên thay đổi, có khi trên đường 2 Tháng 9 (quận Hải Châu), khi chuyển qua đường Nguyễn Tất Thành (địa bàn quận Thanh Khê, Liên Chiểu), hoặc tuyến đường Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà)…
Theo anh Khôi, về cơ bản thời gian gần đây, người dân đã ý thức hơn và chấp hành các quy định khá tốt. Song, vẫn còn bộ phận không nhỏ chưa ý thức được tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; có một số trường hợp không hợp tác trong việc đo nồng độ cồn. Nhiều trường hợp người vi phạm khai không đúng tên, tuổi, địa chỉ, gây khó khăn cho công tác xử lý.
Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người được yêu cầu đo nồng độ cồn có thái độ bất hợp tác, thậm chí phản ứng mạnh, chống đối… Điều này đòi hỏi lực lượng chức năng phải hết sức tỉnh táo, bình tĩnh xử lý trong mọi tình huống. Một số đối tượng có hơi men thường có những lời nói xúc phạm, thách thức lực lượng thi hành nhiệm vụ, không ký vào biên bản vi phạm hành chính, trì hoãn việc xử lý. Nhiều người tranh thủ các mối quan hệ quen biết để “cầu cứu qua điện thoại”, can thiệp vào công tác xử lý của lực lượng công an cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác xử lý.
“Chúng tôi luôn yêu cầu cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực thi nhiệm vụ nêu cao tinh thần trách nhiệm, khéo léo, mềm mỏng nhưng kiên quyết, tỉnh táo trong xử lý; luôn thể hiện thái độ lịch sự, thân thiện, ứng xử văn hóa khi tiếp xúc với người vi phạm, bình tĩnh xử lý các tình huống phức tạp…”, Thượng tá Lê Ngọc nhấn mạnh.
Thượng tá Lê Ngọc cũng cho biết thêm, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng chế tài xử phạt vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển ô-tô, mô-tô; hiểm họa của việc lạm dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì các tổ chuyên đề tổ chức kiểm tra, xử lý kiên quyết các trường hợp người điều khiển ô-tô, mô-tô vi phạm về nồng độ cồn.
Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH