Chính trị - Xã hội
Thủ tướng: Không để tái diễn tình trạng "bong bóng" bất động sản
Ngày 25-4, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra với những nội dung xoay quanh tình hình kinh tế xã hội trong 4 tháng đầu năm.
Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 3/2015 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) - Ảnh minh họa. |
Trên cơ sở kết quả kinh tế xã hội chuyển biến tích cực trong 4 tháng đầu năm cùng nhiều dự báo lạc quan về triển vọng phát triển của nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các Bộ, ngành và địa phương không chủ quan, thỏa mãn, tiếp tục tập trung chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã thống nhất với quyết tâm đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế xã hội đã đề ra trong cả năm nay. Đồng thời tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các khó khăn nổi lên liên quan đến hạn hán kéo dài, cháy rừng, xuất khẩu nông sản giảm sút... Đây là tinh thần chung tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra ngày 25-4 tại trụ sở Chính phủ.
Theo báo cáo và thảo luận tại phiên họp: sức mua và tổng cầu của nền kinh tế là một trong những tín hiệu tích cực rõ nét từ đầu năm đến nay, với mức tăng 8,8%, cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Đây là con số tác động tích cực, trực tiếp đến các chỉ số khác của nền kinh tế, góp phần cân bằng hợp lý giữa tăng trưởng và ổn định vĩ mô. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng cao với trên 4 tỷ USD. Mặc dù nguồn thu từ dầu thô trong 4 tháng qua giảm nhưng thu ngân sách nhà nước không chỉ hụt thu mà còn tăng 9,4%.
Cũng trong 4 tháng đầu năm đã có trên 28.000 doanh nghiệp thành lập mới và hơn 6.300 doanh nghiệp trước đây khó khăn phải ngừng hoạt động thì nay đã quay trở lại hoạt động… Các thành viên Chính phủ cũng tập trung phân tích và kiến nghị nhiều biện pháp xử lý một số khó khăn nổi lên liên quan đến tình trạng nhập siêu gia tăng, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm; hạn hán kéo dài trên diện rộng ở miền Trung và Tây Nguyên; khó khăn trong xuất khẩu nông sản; diện tích rừng bị thiệt hại chỉ trong tháng 4 gấp gần 4 lần diện tích rừng bị thiệt hại trong 3 tháng đầu năm nay...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương không chủ quan, thỏa mãn, tiếp tục sát sao, tập trung tháo gỡ khó khăn cụ thể trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Trước tình hình khô hạn kéo dài trên diện rộng ở miền Trung và Tây Nguyên, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương liên quan phải có biện pháp cụ thể cả trước mắt và lâu dài để ứng phó hiệu quả với quy luật khắc nghiệt của thời tiết.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các Bộ, ngành và các địa phương liên quan khẩn trương chỉ đạo các biện pháp phòng chống cháy rừng; tháo gỡ khó khăn cho thị trường tiêu thụ nông sản gắn với đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tính toán quy mô sản xuất, sản lượng phù hợp với nhu cầu của thị trường cả trong nước và xuất khẩu; đồng thời tiếp tục quan tâm tháo gỡ cụ thể các vướng mắc trong phát triển thủy sản.
Bộ Công thương tìm mọi cách đẩy mạnh xuất khẩu cả các mặt hàng nông sản và các mặt hàng khác, tăng cường kiểm soát nhập khẩu, kiềm chế nhập siêu phù hợp với thông lệ quốc tế; tập trung phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, nhất là rà soát các chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển ô tô Việt Nam.
Trên cơ sở thị trường bất động sản đang ấm lên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước chủ động có các biện pháp không để tái diễn lại tình trạng “bong bóng” bất động sản.
Nhấn mạnh du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, Thủ tướng yêu cầu trong phiên họp Chính phủ thường ký tới phải có báo cáo kiểm điểm sau 6 tháng thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về phát triển du lịch; giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất các biện pháp tạo mọi điều kiện, thủ tục thuận lợi thu hút du khách quốc tế như mở rộng miễn Visa cho công dân một số quốc gia khi đi du lịch đến Việt Nam.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan tiếp tục tập trung các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát có mục tiêu lạm phát khoảng 5%, kiểm soát ổn định tỷ giá, điều hành lãi xuất phù hợp với mức lạm phát, nhất là tính toán lãi xuất hợp lý ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp…Thủ tướng yêu cầu từng Bộ trưởng quyết liệt chỉ đạo tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Cùng với tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu ngân hàng, không để lặp lại tình trạng ngân hàng yếu kém phải gắn với giảm nợ xấu xuống còn 3% trong năm nay.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn trong 5 năm tới; đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn ODA, đồng thời đề xuất nguồn vốn đối ứng để giải ngân, đặc biệt là đối với các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm. Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và ứng dụng mạnh khoa học công nghệ vào sản xuất; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chăm lo đời sống của người nghèo và người dân vùng hạn hán.
Thủ tướng lưu ý Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương nắm chắc các vấn đề nổi cộm ở cơ sở liên quan đến nguyện vọng chính đáng của người dân để tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết kịp thời, không để tái diễn người dân vì bức xúc gây mất an ninh trật tự. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng tăng cường phối hợp nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, thẩm tra và trình các dự án luật, nghị định, thông tư, hướng dẫn; đồng thời trên cơ sở dự báo các lĩnh vực và vấn đề liên quan đến người dân cần phải chủ động thông tin chính xác, kịp thời định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong xã hội…
Cũng tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến về phương án của Bộ Tài chính về bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế; báo cáo kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; kết quả bước đầu và hướng tập trung phát triển Chính phủ điện tử; báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ Luật dân sự sửa đổi và một số nghị định của Chính phủ.
Theo VOV