Trong năm 2014 và hết quý 1-2015, UBND thành phố tiếp 12.725 lượt người, trong đó năm 2014 tiếp 10.878 lượt, quý 1-2015 tiếp 1.847 lượt người.
Cần tiếp tục nâng cao chất lượng đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG |
Lãnh đạo UBND thành phố tiếp công dân định kỳ, đối thoại để giải quyết khiếu nại tại trụ sở tiếp công dân và tại cơ sở 147 trường hợp. Nội dung tiếp chủ yếu liên quan đến việc giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ô nhiễm môi trường…
UBND thành phố cũng tiếp nhận 186 đơn khiếu nại, tố cáo, đến nay đã giải quyết 151 đơn (81,2%), đang giải quyết 35 đơn (18,85) với các nội dung liên quan đến việc đền bù thiệt hại về nhà, đất, bố trí tái định cư, tranh chấp đất đai. Có 34 đơn tố cáo liên quan đến việc xâm phạm quyền sở hữu, nhãn hiệu hàng hóa, tố cáo cán bộ làm sai, đến nay đã giải quyết 32 đơn (94,1%).
Hiện nay thành phố còn 86 vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, các công dân thường tập trung trước nhà riêng một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan Trung ương tại Hà Nội. Trong đó, có 24 vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài đã được thành phố và các cơ quan Trung ương giải quyết, rà soát nhiều lần. Đặc biệt, có 3 trường hợp Phó Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tiếp tục xem xét vì có tình tiết mới phát sinh tại buổi đối thoại với Thanh tra Chính phủ.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố trong thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Đó là chất lượng nội dung tham mưu chưa cao. Các ngành chức năng trong quá trình tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố có không ít trường hợp chưa nêu rõ quan điểm xử lý vụ việc, không viện dẫn hoặc viện dẫn không đầy đủ căn cứ pháp lý, do đó khi phát sinh khiếu kiện hành chính hoặc tiếp khiếu lên các cơ quan Trung ương, việc bảo vệ quan điểm gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, thời điểm trước Tết Nguyên đán khuyết chức danh Chủ tịch UBND thành phố nên việc tổ chức đối thoại chưa được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 61 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định rõ trước khi ban hành quyết định giải quyết, người giải quyết khiếu nại là Chủ tịch UBND thành phố phải đối thoại với công dân.
Hiện vẫn còn 26 vụ việc chưa được đối thoại và tiếp dân. Ngoài ra, việc cập nhật thông tin liên quan đến công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư và kết quả giải quyết đơn thư của công dân trên địa bàn thành phố chưa được chú trọng. Do đó, tình trạng chỉ dẫn đơn thư công dân còn lòng vòng, chất lượng các buổi tiếp công dân tại một số cơ quan chưa cao do thiếu thông tin liên quan vụ việc.
Việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân trên địa bàn thành phố hiện nay chưa có sự đánh giá chính xác về số lượng. Tính chất, mức độ khiếu nại tố cáo chưa được chú trọng. Từ đó, công tác tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố về giải quyết và kiểm soát tình hình khiếu nại tố cáo còn bị động, giải quyết theo sự vụ phát sinh trên thực tế mà chưa có kịch bản xử lý triệt để từ cơ sở, không thể dự báo tình huống phát sinh để chủ động phương án xử lý dứt điểm các vụ việc nên có khả năng phát sinh thành điểm nóng.
Thực tế còn cho thấy, lực lượng làm công tác tham mưu trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay trên địa bàn thành phố vừa thiếu về số lượng và chưa bảo đảm về chất lượng, một số công chức chưa được đào tạo đúng chuyên ngành, tính chịu áp lực công việc chưa cao, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ còn thiếu chuyên nghiệp.
PHAN CHUNG