Nhóm phóng viên đến từ Báo Thái Nguyên muốn chọn một “điểm nhấn” tại Đà Nẵng để thực hiện phóng sự trên hành trình đi dọc Tổ quốc, nhân dịp 40 năm giải phóng đất nước và họ đã chọn Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng.
Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng cùng với UBND thành phố ký MOU với Trung tâm ung thư Kanagawa, Nhật Bản. (ảnh do bệnh viện cung cấp) |
Ban đầu, những đồng nghiệp này đến vì tò mò về một bệnh viện “độc đáo”, nhưng khi trở về, họ cứ thẩn thờ: “Sao Đà Nẵng lại làm được như thế?”.
Nơi của tình thương
Như nhiều người lần đầu đến Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng (BVUT), cảm giác của những nhà báo này là thấy cơ ngơi rộng lớn, hiện đại và sạch thoáng hơn họ tưởng. Thế nhưng, điều khiến họ thực sự bị cuốn hút không phải là mức độ hoành tráng của cơ sở vật chất, mà là những điều rất nhỏ nhưng tiền bạc khó đổi được.
Họ đến BVUT đúng vào giờ bếp ăn từ thiện phục vụ bệnh nhân. Hàng dài người xếp hàng đợi nhận những suất ăn miễn phí. Vài người khác ngồi vào bàn được bày biện ngay ngắn trong căn bếp, để ăn bữa cháo nóng hổi. Phóng viên tiến tới gần người bệnh và câu nói đầu tiên được nghe là: “Tôi tới đây chữa bệnh mà giống như đi du lịch!”.
Giám đốc Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng - Chủ tịch Hội Ung thư Đà Nẵng cùng với bệnh nhân nhi ung thư. (ảnh do bệnh viện cung cấp) |
Những nhà báo này còn ngạc nhiên hơn khi biết, từng chiếc thìa, ký gạo, mớ rau hay cân thịt tại đây, đều được vun đắp từ những tấm lòng thiện nguyện khắp mọi miền. Có những em bé gửi món tiền tiết kiệm để mua thực phẩm cho bệnh nhân, có nhiều công ty cam kết mang xương, thịt tươi hằng ngày đến bếp. Và nhờ thế, bếp đỏ lửa quanh năm, phục vụ miễn phí 3 bữa ngon, dinh dưỡng/ngày, kể cả lễ, tết.
Vào khu điều trị, các phóng viên nữ tranh thủ chụp lại những…bức tranh nhiều màu sắc dẫn lối vào buồng bệnh. Họ nói, khi trở về, sẽ chia sẻ câu chuyện thực tế thú vị này, bởi tranh ở đây đong đầy hy vọng. “Mỗi bức tranh, một hy vọng” là dự án tặng tranh cho BVUT được một giảng viên trẻ của Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) khởi động cách đây một năm. Đó là những hình ảnh tươi vui, kèm lời động viên gửi gắm đến những người đang ngày đêm chống chọi với bệnh tật...
Gặp người nhà chăm bệnh đang đi dọc hành lang, một nhà báo hỏi nhỏ: “Ở đây có điều gì không hài lòng không?”. Người phụ nữ chợt xúc động nghẹn lời: “Bác sĩ, điều dưỡng thương tụi tui lắm”. Người nhà và bệnh nhân còn tụ lại kể, cách họ được chăm sóc, quan tâm và mối quan hệ giữa cán bộ y tế với người bệnh ở đây ấm áp như thế nào.
Một bệnh viện “đặc biệt” BVUT thực hiện chế độ miễn phí đối với bệnh nhân ung thư nghèo có hộ khẩu tại Quảng Nam và Đà Nẵng. Ngoài bếp ăn từ thiện, trong khuôn viên bệnh viện có nhà lưu trú 576 giường dành cho người chăm bệnh. Nhà nghỉ có đủ trang thiết bị cần thiết như giường, quạt, tủ, máy nước nóng và quan trọng là người ở không phải trả bất cứ chi phí nào. Tháng 3-2008, Đà Nẵng tổ chức một đêm dạ hội chính thức phát động cuộc vận động “Xây dựng Bệnh viện Ung thư”, hàng nghìn đơn vị, cá nhân đăng ký ủng hộ. Tháng 3-2009, BVUT được khởi công xây dựng. Ngày 15-1-2013 BVUT đón bệnh nhân đầu tiên và 19-1-2013 khánh thành. Tổng kinh phí đầu tư ban đầu là 1.500 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, ngân sách thành phố và vận động tài trợ trong và ngoài nước. (Chi phí này chưa tính phần đất đai và cơ sở hạ tầng). |
Hoạt động khám chữa bệnh
Mới hoạt động được hơn 2 năm, BVUT Đà Nẵng đã dần khẳng định vai trò của mình tại Đà Nẵng và miền Trung. Tổng số lượt khám bệnh từ ngày thành lập đến nay đạt trên 54.000 người; tổng bệnh nhân điều trị nội trú khoảng 14.800 người và công suất sử dụng giường bệnh trên 80%.
Không chỉ làm công tác chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện, BVUT còn tổ chức các đợt khám và phát thuốc miễn phí tại cộng đồng, qua đó tầm soát ung thư cho đối tượng phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Ngày 18-4 vừa qua, BVUT tổ chức khám bệnh cho 300 phụ nữ nghèo và cận nghèo trên địa bàn phường An Khê, quận Thanh Khê. Nhiều người trong số này từng biết mình có bệnh nhưng không dám chữa vì sợ tốn tiền.
Một số thành tựu Tiến hành xạ trị gia tốc tuyến tính đa mức năng lượng Triển khai xạ trị đồng biến liều tia (IMRT) Phẫu thuật tạo hình trong ung thư đầu cổ, vú, bàng quang... Điều trị ung thư gan bằng vi sóng (Microware) Nội soi điều trị ung thư dạ dày Cứu sống kịp thời bệnh nhân có khối u gan vỡ. |
Cầm tập giấy gồm kết quả khám, đo điện tim, siêu âm, thử máu, bà Nguyễn Thị Kỹ (52 tuổi, trú tổ 109, phường An Khê) vừa mừng, vừa lo cho biết: Tôi nuốt có cảm giác cợm cợm, lau cổ thấy đau nên đi khám ở một bệnh viện và được chỉ định mổ bướu. Biết rứa, nhưng làm răng tôi điều trị khi mình vừa thoát nghèo, chồng đi xe thồ không may bị tai nạn giao thông, gãy chân nên chưa lao động được. Hai đứa con lớp 8 và lớp 3 mới biết ăn và học. Từ hồi biết bệnh đến chừ là 3 tháng rồi nhưng không chữa, không uống thuốc. Giờ thông qua tổ dân phố, tôi được giới thiệu đi khám bệnh do BVUT tổ chức nên mừng lắm, nhưng biết bệnh rồi làm chi tiếp theo đây…
Theo Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ CKII Trịnh Lương Trân, Giám đốc BVUT, qua sàng lọc tại cộng đồng, những đối tượng có nguy cơ cao sẽ được tầm soát kỹ hơn tại BVUT. Bệnh nhân là người nghèo, cận nghèo như trường hợp bà Nguyễn Thị Kỹ sẽ được nhận chính sách ưu đãi đặc biệt của bệnh viện và Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng. Được biết, trong tháng 4, BVUT còn tổ chức đợt tầm soát ung thư vú miễn phí cho 1.000 phụ nữ. Đó là những mục tiêu được đề ra ngay từ đầu hình thành bệnh viện, như sự trăn trở của ông Nguyễn Bá Thanh, cố Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố: Bệnh viện này tạo ra để phục vụ cho bệnh nhân ung bướu không chỉ ở Đà Nẵng mà cả khu vực miền Trung với tiêu chí phi lợi nhuận.
Trước khi rơi vào hôn mê sâu, ông Nguyễn Bá Thanh còn kéo sát Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh lại thì thầm: “Còn những việc chưa làm xong với Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, hãy giải quyết giúp”.
Người sáng lập BVUT đã ra đi nhưng câu chuyện tình người mà ông đã tạo dựng vẫn được viết tiếp mỗi ngày, bằng những việc làm và thành tựu cụ thể ở nơi này. Đó là bệnh viện sẽ hoàn chỉnh phương pháp điều trị đa mô thức: hóa trị, phẫu trị, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ, điều trị nhắm trúng đích cho bệnh nhân; tiếp tục đầu tư trang - thiết bị cho lĩnh vực xạ trị (bao gồm xạ trị trong, máy móc cho nghiên cứu về sinh học phân tử); hợp tác chặt chẽ với các Trung tâm ung thư Kanagawa, Bệnh viện Saiseikai Yokohamashi Nanbu (Nhật Bản) để đào tạo và chuyển giao kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị ung thư; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trên địa bàn để khám và tầm soát phát hiện sớm ung thư cho cán bộ - công nhân viên tại các doanh nghiệp, trường học, đoàn thể, cơ sở sản xuất… trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; tiếp tục phối hợp với quỹ “Vì ngày mai tươi sáng” khám và hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư nghèo; tầm soát ung thư vú và ung thư cổ tử cung theo chương trình phòng chống ung thư quốc gia; kết hợp chặt chẽ với Hội Ung thư Việt Nam, các cơ sở chẩn đoán, điều trị ung thư quốc tế cũng như các địa phương trong nước.
Không gian lý tưởng cho bệnh nhân Tại BVUT, diện tích sử dụng cho một giường bệnh nhân là 111,36m2. Tọa lạc trên khuôn viên 150.000m2 tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, trong đó phần dành cho khu vực khám chữa bệnh là 100.000m2, BVUT có quy mô 500 giường và 28 khoa, phòng. Hiện nay, bệnh viện hoạt động với quy mô 400 giường, 28 khoa, phòng và trung tâm. Hệ thống trang thiết bị của bệnh viện được đầu tư hiện đại gồm hệ thống máy xạ trị và y học hạt nhân; hệ thống CT Scanner 16 và 128 lát cắt, MRI 3T, X Quang kỹ thuật số; hệ thống xét nghiệm tế bào và đông máu, PCR-RT; máy xét nghiệm giải phẫu bệnh, định lượng miễn dịch; công nghệ hình ảnh dải ánh sáng hẹp Narrow Band Imaging (NBI). Ngoài ra bệnh viện vừa trang bị thêm máy gia tốc tuyến tính một mức năng lượng Unique có xạ trị điều biến liều (IMRT) và xạ trị vòng (Rapid ARC); hệ thống CT mô phỏng; hệ thống Laser định vị - LAP DORADOselect 3 red + ARINAiso; máy cắt đốt RFA; máy cắt đốt vi sóng… trị giá gần 90 tỷ đồng từ các nguồn tài trợ. Đội ngũ nhân lực: 480 người với 72 bác sĩ, trong đó có 2 giáo sư, phó giáo sư; và 7 tiến sĩ và bác sĩ CKII… |
Bài và ảnh: BẢO QUÂN