Chính trị - Xã hội

61 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người quan trắc pháo binh ở Điện Biên Phủ

07:47, 07/05/2015 (GMT+7)

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cựu chiến binh (CCB) Đinh Tiến Xương (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) làm nhiệm vụ quan trắc pháo binh tại Trung đoàn 45, thuộc Đại đoàn 351.

Hơn 61 năm đã qua, người CCB già vẫn nhớ rõ bao kỷ niệm sâu sắc về trung đoàn lựu pháo đầu tiên của quân đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ…

...Giữa năm 1953, Trung đoàn 45 với 20 khẩu pháo 105 ly, 40 xe kéo pháo và xe vận tải cùng nhiều đạn dược, khí tài, trang, thiết bị đi cùng, từ Vân Nam (Trung Quốc) cơ động đến Thủy Khẩu (biên giới), rồi theo đường rừng tập kết về khu vực Bắc Hà (Lào Cai). Tại đây, đoàn Vận tải Sông Thao phối hợp với đơn vị hối hả chặt nứa, đóng bè và xe, pháo được tháo rời từng bộ phận để đưa lên bè. Bè chạy ban ngày, ngụy trang như bè gỗ, bè củi của dân, vượt gần 100km đường sông với nhiều thác ghềnh hiểm trở.

Cuối năm 1953, trung đoàn bí mật cơ động lên Điện Biên Phủ. Xe, pháo được ngụy trang kín, hành quân ban đêm, ban ngày trú trong các cánh rừng. Dù đêm tối, sương mù dày đặc, nhưng xe chỉ được bật đèn gầm, bám  nhau tiến ra mặt trận. Đến ngã ba Cò Nòi, trung đoàn rẽ sang đường đi Lai Châu, hướng tới km 62 và tiếp tục cắt rừng, tiến vào cách Him Lam khoảng 15km. Đường kéo pháo luồn dưới các cành rừng rậm, đoạn nào cây thưa thì gác giàn, phủ lá ngụy trang để tránh máy bay địch phát hiện. Pháo được kéo vào ban đêm, vượt qua hàng chục đèo cao, dốc đứng trước sự bắn phá của máy bay và pháo binh địch.

Hơn một tuần sau, toàn bộ 24 khẩu pháo 105 ly (trong đó có 4 khẩu ta thu được của địch trong các chiến dịch trước đó) đã được đưa đến một thung lũng nhỏ, cách cụm cứ điểm Him Lam 6km. “Chúng tôi đang náo nức chờ đợi giờ phút lập công thì có lệnh kéo pháo ra và được giải thích do địch đã xây dựng hệ thống phòng ngự kiên cố, nên để bảo đảm chắc thắng, Bộ Chỉ huy Mặt trận quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh”, sang “đánh chắc, tiến chắc”, vì vậy phải kéo pháo ra và làm lại công tác chuẩn bị”, ông Xương nhớ lại.

Trung đoàn 209 lại cùng anh em pháo thủ kéo pháo ra và gần 10 ngày sau thì cả 24 khẩu pháo đã được kéo trở về vị trí tập kết. Sau đó, Trung đoàn 45 cùng với các đơn vị bạn khẩn trương mở 6 tuyến đường lên các dãy núi phía đông và đông bắc Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để cho xe kéo pháo vào lại. Lần này, từng khẩu pháo được đưa vào trong hầm kiên cố, có nắp dày đến 3-4 mét, do công binh, bộ binh phối hợp với đơn vị pháo binh cùng làm. Từng hầm pháo được ngụy trang kín đáo. Hầm có cửa rộng để pháo tác xạ dễ dàng, hễ bắn xong là có nắp đậy lại ngay. Mỗi trận địa chính có nhiều trận địa giả. Hễ trận địa chính bắn thì trận địa giả cho nổ bộc phá, bộc lộ mục tiêu để đánh lừa địch. Vì vậy, sự phản pháo của địch bị phân tán và hầu hết rơi vào các trận địa giả.

Trong quá trình đơn vị kéo pháo, mở đường, xây dựng trận địa, ông Đinh Tiến Xương cùng 10 đồng đội công tác tại Đài quan sát pháo binh trung đoàn, bí mật cắt rừng, vượt suối, quan sát, đo, kiểm tra cự ly các mục tiêu và chọn vị trí đặt đài quan sát. Mỗi mục tiêu được đo đạc hàng chục lần để bảo đảm độ chính xác. Sau khi xem xét nhiều địa điểm, anh em thống nhất chọn điểm cao 768 đặt đài quan sát, vì tại đây có thể quan sát được toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ông Xương nhớ mãi buổi trưa 13-3-1954, khi đài bị pháo địch bắn trúng, đất đá, khói bụi mù mịt, nhưng tất cả anh em vẫn kiên cường bám giữ vị trí, quan sát, theo dõi, báo cáo kịp thời mọi hoạt động của địch. Ông kể: “Khi chúng tôi báo cáo có xe tăng và bộ binh địch nống ra phá trận địa xuất phát xung phong của ta, một cán bộ trung đoàn trả lời đã nắm rõ tình hình địch và động viên chúng tôi. 14 giờ ngày 13-3, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho Trung đoàn 45 bắn 20 quả vào các mục tiêu để ngăn chặn bọn địch. Tiểu đoàn 954 bắn đúng nguyên tắc: bắn thử, bắn tạt ngang và bắn hiệu lực.

Kết quả, 18 quả trúng đích, tiêu diệt nhiều mục tiêu quan trọng. Bọn giặc trong cứ điểm Him Lam kêu la hoảng hốt, còn quân địch đang phá hoại trận địa ta hoảng sợ, cuống cuồng tháo chạy. Kể từ đó đến hết chiến dịch, pháo địch không còn quả nào bắn trúng đài quan sát của chúng tôi. Sân bay Mường Thanh bị ta khống chế hoàn toàn, máy bay trinh sát của địch không hoạt động được, nên pháo binh địch chỉ bắn theo tọa độ và bắn áng chừng”.

Ông Xương kể tiếp về bao năm tháng chiến đấu gian khổ, hào hùng và khẳng định rằng, việc tháo rời những khẩu trọng pháo và những chiếc xe kéo pháo nặng hàng chục tấn, đưa xuống bè, vận chuyển trên sông Thao là một kỳ tích. Người chiến sĩ Điện Biên năm xưa nhắn nhủ lớp trẻ đừng bao giờ lãng quên cách làm của thế hệ đi trước và phải thường xuyên phấn đấu để làm nên những Điện Biên Phủ trong thời đại mới.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

.