Trẻ được sinh ra, được bú sữa mẹ, rồi lớn lên từng ngày cũng từ sữa mẹ, đó là điều tưởng chừng hiển nhiên nhưng lại vô cùng phức tạp trong thực tế.
Tăng số lượng trẻ em bú mẹ và tăng thời gian trẻ bú mẹ hoàn toàn trong những tháng đầu đời là một “cuộc chiến” thực sự của các cơ quan ban hành pháp luật, cơ quan chức năng và các bệnh viện có khoa sản.
Theo thống kê của Dự án Nuôi dưỡng và Phát triển-Alive & Thrive (một dự án phối phợp với Sở Y tế Đà Nẵng trong việc nâng tỷ lệ trẻ em trên địa bàn thành phố được bú sữa mẹ), năm 2010, dân số Đà Nẵng lúc bấy giờ có gần 900.000 người, trong đó trẻ em dưới 2 tuổi có trên 10.000 em.
Tuy nhiên, ngược với sự phát triển liên tục của thành phố về dân số và kinh tế thì tỷ lệ trẻ em được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời tại Đà Nẵng lại thấp nhất nước với 0%, trong khi tỷ lệ bình quân của cả nước thời điểm ấy là 20%!
Đẩy con số 0% “nhích” lên từng bước là một “cuộc cách mạng”. Hiện nay, đã có 1/4 trẻ em tại Đà Nẵng được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Con số này có được là nhờ sự ra đời và có hiệu lực chính thức của Nghị định 100 của Chính phủ kể từ này 1-3-2015, với nội dung “Cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dưới mọi hình thức”.
Trước đó, các hoạt động tư vấn khuyến khích bà mẹ sử dụng sữa do chính mình “sản xuất”, thay vì dùng sữa công thức được tổ chức rầm rộ, liên tục trên toàn thành phố. Đặc biệt, riêng tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi, với việc áp dụng triệt để phương pháp da kề da cho tất cả các ca sinh thường và sinh mổ, trẻ bú mẹ ngay khi lọt lòng đã đạt tỷ lệ gần 100%.
Dù nhiều biện pháp mạnh mẽ đã được thực hiện để trẻ có cơ hội bú sữa mẹ nhưng “cuộc chiến” có vẻ chưa thể dừng lại khi chính các bà mẹ lại là người… lén lút cho con bú sữa ngoài.
Vào thăm người chị mới sinh tại một bệnh viện trên địa bàn Đà Nẵng, tôi mừng thầm vì lần này chị có sữa nhiều hơn lần sinh trước, và em bé vừa ra đời đã biết đòi vú mẹ. Bản thân chị và gia đình cũng rất vui vì ước mong cho con bú sữa mẹ đã thực hiện được. Lần sinh trước, chị cho con bú sữa bột do thấy cơ thể tiết ra ít sữa. Giờ đây, chị muốn “sửa sai” bằng cách cho con bú càng nhiều sữa mẹ càng tốt.
Mừng được… một ngày, đến hôm sau vào thăm lại, tôi nghe người nhà… báo tin vui: Đêm qua, bé bú một hơi hết 30ml sữa bột! Chưa hết hụt hẫng trước “tin vui” đó, tôi lại được chị cho biết: “Sữa mẹ thì có, mà sao em bé có vẻ vẫn không đủ no nên khóc miết. Làm bình bú mới chịu nằm yên”.
Dù chị đã được bác sĩ đến tận giường bệnh khuyên rằng bé sơ sinh chỉ cần vài giọt sữa mẹ là đủ nhưng chị vẫn không yên tâm nên dặm sữa bình. Thấy cách làm của chị “hay hay”, mấy bà mẹ trẻ nằm cùng phòng đồng loạt xin sữa bột của chị làm theo. Vậy là bé nào bé nấy vừa bú sữa mẹ vừa được uống thêm sữa công thức.
Điều đáng nói, người cung cấp sữa bột cho chị lại chính là một y tá đã nghỉ hưu của bệnh viện này. Dù không còn làm việc chính thức tại đây, nhưng nhiều bà mẹ vẫn gọi cô đến nhờ vả khi cần thiết. Nghe chị tâm sự bé khóc đêm dỗ kiểu gì cũng không nín, cô y tá ngay lập tức lấy trong túi ra một lon sữa bột đưa ngay cho chị “tư vấn” cho bé bú thêm. Xong việc, cô nhanh chóng quay đi, chuyện tiền bạc tính sau. Tin tưởng, chị tôi cứ thế nghe lời.
Hơn ai hết, cô y tá ấy là người phải hiểu giá trị của sữa mẹ và động viên người mẹ vượt qua mọi khó khăn để cho con bú. Ấy vậy mà cô lại đi làm công việc “nối dài cánh tay” cho các công ty sữa. Và cũng hơn ai hết, chị tôi phải hiểu con chị cần được bú sữa của chính mẹ nó. Vậy mà chị lại là người “chỉ đạo” pha thêm bao nhiêu ml sữa ngoài cho con bú.
Bú sữa mẹ hay sữa công thức? Câu trả lời chỉ còn phụ thuộc hoàn toàn vào nhận thức lúc này của các bà mẹ.
HƯỚNG DƯƠNG