.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc nâng cao dân trí, phát huy sức mạnh trí tuệ VN

.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận rõ, đánh giá đúng tầm quan trọng của việc nâng cao dân trí và khơi nguồn, phát huy sức mạnh trí tuệ của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành và bảo vệ độc lập tự do cho dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một lớp học vỡ lòng ở phố Hàng Than, khu phố Trúc Bạch, Hà Nội (tháng 12-1958). Ảnh tư liệu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một lớp học vỡ lòng ở phố Hàng Than, khu phố Trúc Bạch, Hà Nội (tháng 12-1958). Ảnh tư liệu.

“Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”

Với nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, cuộc đấu tranh chống lại ách áp bức thực dân giành tự do, độc lập cho dân tộc, giành lại quyền làm người và bảo vệ những giá trị của con người bao gồm cả cuộc đấu tranh chống lại sự áp bức về trí tuệ, giành lại quyền được học tập, quyền được nhận thức của mỗi người. Ngược lại, sự giác ngộ của quần chúng về con đường cách mạng, dân trí được nâng cao sẽ thúc đẩy cuộc cách mạng phát triển.

Chỉ một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Với chính quyền nhân dân non trẻ, diệt giặc dốt là công tác quan trọng không kém việc chống giặc ngoại xâm và giặc đói. Việc phát động một phong trào xoá nạn mù chữ rộng rãi trong toàn dân với khẩu hiệu “Đi học là kháng chiến” không chỉ có tác dụng nâng cao trình độ văn hoá mà qua đó còn nâng cao trình độ giác ngộ chính trị của quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết rõ điều này trên báo Cứu quốc ngày 4-10-1945: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công việc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”.

Với Người, cuộc đấu tranh chống giặc dốt là cuộc phấn đấu bền bỉ để nâng cao trình độ tri thức chung của toàn dân, để dân tộc Việt Nam vươn lên đạt trình độ văn minh tiên tiến. Trong Thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Người viết: “Sau 80 năm trời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh nhiệm vụ học tập để nâng cao trình độ nhận thức, nắm vững khoa học kỹ thuật quân sự của các cấp chỉ huy cũng như của các chiến sĩ. Năm 1948, trong gửi thư cho bộ đội Khu II và Khu III, Người viết: “Một quân đội văn hay, võ giỏi là một quân đội vô địch. Vì vậy, trong lúc tôi khen bộ đội Khu II và Khu III, tôi mong bộ đội các khu khác cũng sẽ ra sức tiêu diệt cho hết giặc dốt”.

Năm 1949, Người lại viết : “Quân nhân phải biết võ, phải biết văn, võ là như tay phải, văn là như tay trái của quân nhân. Biết võ, biết văn mới là quân nhân hoàn toàn. Muốn biết thì phải thi đua học”. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Người nhiều lần đến thăm các đơn vị bộ đội và khen ngợi động viên, khuyến khích các chiến sĩ nắm vững và làm chủ các phương tiện kỹ thuật hiện đại để sáng tạo cách đánh Việt Nam, làm mất ưu thế những phương tiện kỹ thuật hiện đại của địch.

Thực tế lịch sử hai cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20 đã cho thấy sức mạnh của trí tuệ Việt Nam được phát huy mạnh mẽ trong điều kiện chiến trường Việt Nam, đã đánh thắng ưu thế về binh lực, hoả lực cùng các kỹ thuật chiến tranh rất hiện đại của hai cường quốc công nghiệp. Để làm nên chiến thắng đó, ngoài tinh thần và ý chí, ngoài quyết tâm và niềm tin, chúng ta còn có sức mạnh của khoa học kỹ thuật, sức mạnh văn hoá mang bản sắc Việt Nam chống lại kỹ thuật chiến tranh hiện đại của địch và cả những âm mưu của địch về văn hóa. Trong thế kỷ 20, bản lĩnh văn hóa của dân tộc Việt Nam khi tiếp thu thêm những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại càng tỏ rõ sức mạnh của mình.

Trọng dụng nhân tài

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người hiểu rõ và đánh giá cao vai trò của tri thức và đội ngũ trí thức. Trong khối đại đoàn kết dân tộc, đội ngũ trí thức có vai trò quan trọng. Khi vận mệnh dân tộc đứng trước nhiều thử thách gian nan, Người nêu chủ trương “tập trung nhân tài bất phân đảng phái”, để kêu gọi, tập hợp đội ngũ trí thức xung quanh Chính quyền cách mạng của nhân dân, coi đây là nguồn vốn trí tuệ quý báu của kháng chiến, của dân tộc. Ngày 14-11-1945, Người viết bài “Nhân tài và kiến quốc”, trong đó nhấn mạnh: “Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi. Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”.

Chính phủ cách mạng do Hồ Chí Minh đứng đầu đã thu hút được sự tham gia, ủng hộ của nhiều trí thức tiêu biểu thời đó. Họ đã gạt sang một bên cuộc sống vật chất đầy đủ, gạt sang một bên hiện tại và tương lai phú quý vinh hoa và cả những âu lo, băn khoăn của riêng mình để sống trong cuộc đấu tranh của dân tộc, để đi theo kháng chiến, đi theo Cụ Hồ vì “Điều mấu chốt là Chủ tịch Hồ Chí Minh áp dụng chính sách tín nhiệm đối với trí thức” - như lời luật sư Phan Anh sau này trả lời phỏng vấn của nhà sử học Na-uy S. Ton-net-son về thời kỳ 1945 - 1946. Luật sư Phan Anh trước tháng 8-1945 từng là Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ Trần Trọng Kim.

Sau tháng 8-1945 ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ cách mạng lâm thời. Cùng với ông Phan Anh, nhiều vị đã từng giữ những chức vụ cao trong chính quyền cũ... cũng tham gia Chính phủ mới. Có thể kể thêm nhiều nhà trí thức lớn khác trong thời đó với sự ngưỡng mộ rất cao trong quần chúng nhân dân đã đồng hành cùng cuộc kháng chiến của dân tộc như: Nguyễn Văn Tố, Dương Đức Hiền, Hồ Đắc Di, Hoàng Tích Trí, Nguyễn Văn Huyên, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Thọ...

Trong chuyến thăm nước Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tháng 5 đến tháng 9-1946, nhiều đồng bào Việt Nam đang sống tại Pháp khi đó đã gặp Người và bày tỏ nguyện vọng được về nước trực tiếp góp sức vào cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc. Người đã chọn 4 trí thức trẻ đã sống ở Pháp nhiều năm cùng về nước với mình.

Đó là kỹ sư Phạm Quang Lễ (Hồ Chí Minh đặt tên mới cho ông là Trần Đại Nghĩa và trực tiếp giao làm Cục trưởng Cục Quân giới; ông được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1948, được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng Lao động); bác sĩ Trần Hữu Tước (sau này được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ, đợt 1), kỹ sư Võ Quý Huân ( “cha đẻ” của lò cao kháng chiến- người nghiên cứu sản xuất những mẻ thép đầu tiên phục vụ kháng chiến); kỹ sư Võ Đình Quỳnh (từng được mệnh danh là “ông vua” gang thép).

Cuộc kháng chiến đang tới gần, khẩu hiệu khi đó là Dân tộc trên hết - Tổ quốc trên hết, điều rất cần thiết là huy động tối đa mọi nguồn sức mạnh của dân tộc. Vai trò to lớn của nguồn lực trí tuệ phục vụ cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao và tìm mọi cách để phát triển. Người trân trọng “Tìm người tài đức” và nêu những quan điểm cơ bản khi sử dụng nhân tài: Phải khéo và linh họat, bố trí đúng người, đúng việc, đúng lúc mới phát huy tác dụng. Sử dụng trí thức, dùng nhân tài phải như “dụng mộc”, phải tránh tình trạng không biết “tùy tài mà dùng người”, phải tránh tầm nhìn hạn hẹp “không thấy khắp” có thể làm “những bậc tài đức không thể xuất thân”.

Quá trình đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước đi vào chiều sâu đang đặt ra cho Việt Nam những yêu cầu mới về nguồn nhân lực chất lượng cao - nguồn nhân lực được đào tạo tốt cả về văn hóa, đạo đức và kỹ năng lao động, làm việc có kỷ luật và kỹ thuật cao, có trình độ khoa học và với công nghệ tiên tiến. Với hướng nhìn đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) của Đảng đã nêu những định hướng việc tạo dựng một môi truờng thuận lợi để phát triển con người Việt Nam trong giai đoạn mới.

Trong môi trường đó, con người được phát huy tính chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; được thụ hưởng những giá trị văn hóa và có những cơ hội phát triển, tự hoàn thiện mình, đồng thời cũng tăng thêm động lực tự giác tham gia vào quá trình phát triển xã hội. Đây là những định hướng quan trọng cho việc xây dựng, phát triển con người Việt Nam trong tương lai. Những định hướng đó kế thừa và tiếp nối những luận điểm trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao dân trí và trọng dụng đội ngũ trí thức Việt Nam. Ý nghĩa của việc nâng cao dân trí, trân trọng “Tìm người tài đức” và kinh nghiệm huy động mọi nguồn lực trí tuệ “tập trung nhân tài, bất phân đảng phái” để kháng chiến và kiến quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 70 năm trước vẫn còn nguyên giá trị trong các giai đoạn cách mạng.

Theo NGÔ THIÊN PHƯƠNG/Báo QĐND

;
.
.
.
.
.