Nhiều tuyến đường ở các quận Hải Châu, Thanh Khê đang được người dân hạ dỡ bạt che ra vỉa hè để bảo đảm mỹ quan đô thị. Người dân đều đồng tình nhưng vẫn còn âu lo.
Các lực lượng chức năng hỗ trợ nhân dân tháo dỡ các bạt quay, mái che bằng bạt trên đường Phan Châu Trinh. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Vật dụng bạt quay xuất hiện theo nhu cầu trong đời sống, nhất là đối với nhà phố nhằm che nắng, che mưa, bảo vệ hàng hóa, sản phẩm trong kinh doanh. Nhu cầu trong đời sống cần có mái che là vậy, nhưng khi thi công và sử dụng đều hoàn toàn vi phạm các quy định về quản lý hành chính ở nhiều lĩnh vực. Đó là vi phạm Luật Đất đai (ranh giới sử dụng đất của hộ gia đình); Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành như Quy định về quản lý kiến trúc; vi phạm về trật tự xây dựng do xây dựng vật kiến trúc không phép.
Nhiều người dân ở đường Nguyễn Tri Phương nói: Tháo dỡ lều che, bạt quay, tạo cảnh quan đô thị là việc cần làm để thực hiện văn hóa, văn minh đô thị. Tuy nhiên, người dân rất âu lo bởi nảy sinh vấn đề mới sau khi tháo dỡ bạt che.
Anh Hoàng Xuân Phú, nhà số 125 đường Nguyễn Tri Phương phản ánh, khi cùng một tuyến đường nhưng chủ trương tháo dỡ bạt quay đã triển khai chưa thống nhất về thời gian. Vệt đường Nguyễn Tri Phương thuộc phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê) thì sốt sắng thực hiện, nhưng nhìn sang phía dãy phố bên kia, bạt quay vẫn tồn tại. Thêm nữa, sau khi tháo bạt, đường phố trơ trọi, cáp thông tin sà xuống càng làm cho mỹ quan đô thị đã nhếch nhác lại nhếch nhác thêm. Khi quan sát nhiều đoạn đường trên phố Nguyễn Tri Phương, điều dễ nhận thấy là những bó cáp thông tin nặng trĩu vừa thòng xuống vỉa hè, vừa vắt vẻo trên cây xanh.
Anh Phú cho biết thêm, khi triển khai tháo dỡ bạt quay thì từ khi phổ biến chủ trương của quận đến thời hạn cuối để nhân dân tháo dỡ bạt quay quá gấp (20 ngày) nên người dân rất bị động để có kế hoạch bố trí lại mặt bằng kinh doanh. Bởi sau khi không có bạt che, ánh nắng rọi vào nhà, vào các vật dụng buôn bán.
Hệ lụy sau khi bỏ vật dụng che nắng, che mưa phát sinh thêm nhiều sai phạm mới trong kinh doanh buôn bán. Việc hư hỏng sản phẩm, hàng hóa là điều khó tránh khỏi, trong đó có nhiều loại thực phẩm hư hỏng mà khách hàng khó phát hiện ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Đó là các mặt hàng bánh kẹo, sữa, nước uống đóng chai... mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều loại sản phẩm hàng hóa có giá trị khác qua kinh doanh cũng bị hư hỏng, ảnh hưởng về chất lượng như thiết bị điện, điện tử...
Việc kinh doanh ở các tuyến đường không có bạt che nắng, che mưa đang đứng trước 2 việc gấp cần khắc phục, đó là tìm phương thức để che đậy cho phương tiện của khách hàng khi dừng, đỗ mua hàng hóa; bảo quản sản phẩm hàng hóa kinh doanh.
Để khắc phục tình trạng nắng nóng cho phương tiện xe máy của khách hàng dừng đỗ đã xuất hiện các giải pháp tiêu cực làm cho mỹ quan đô thị nhếch nhác hơn. Đó là sử dụng mền, áo đi mưa, bìa cacton, vải bạt trùm lên phương tiện. Người dân cho rằng, họ biết rất rõ khi dùng biện pháp này mỹ quan đô thị nhếch nhác hơn nhưng trước mắt chưa có giải pháp nào khác.
Trong khi đó, việc sử dụng các loại dù đứng vừa chiếm diện tích vỉa hè và ẩn chứa nhiều nguy cơ ngã đổ ra đường làm mất an toàn giao thông. Hơn nữa, sử dụng dù đứng để che thì có thêm việc chằng néo chống đổ ngã cũng làm cho cảnh quan vỉa hè thêm rối rắm, người đi trên vỉa hè vấp ngã.
Cùng với đó là nỗi lo bảo quản sản phẩm hàng hóa kinh doanh. Anh Hoàng Xuân Phú chia sẻ, như cơ sở bảo hành thiết bị điện của anh lâu nay không sử dụng cửa kính mà tận dụng khí trời. Nay đối diện với việc không có mái che thì phải thi công hệ thống cửa kính cường lực với chi phí thi công trên 10 triệu đồng. Lại thêm nhu cầu phải lắp đặt điều hòa nhiệt độ. Do đó, để xóa bạt quay che nắng, che mưa, mỗi nhà mặt phố cần đầu tư xấp xỉ 20 triệu đồng. Đó là sự âu lo của người dân.
Vì vậy, cần suy nghĩ, tìm kiếm một giải pháp bảo đảm mỹ quan đô thị, vừa ổn định việc buôn bán của người dân trên các tuyến phố.
TRIỆU TÙNG