Ở chị có niềm say mê đặc biệt dành cho các hoạt động cộng đồng. Từ nụ cười, ánh mắt, đến gương mặt tỏa rạng niềm phấn khích khi chị chia sẻ về các chương trình và dự án góp phần làm khu phố tốt đẹp hơn.
Chị Trịnh Thị Hồng dự hội nghị tại Nepal năm 2014.(Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Những mô hình “bé xíu” ở một khu dân cư đã được cất tiếng nói trên các diễn đàn quốc tế. Và chị, người phụ nữ nhỏ nhắn, luôn vui tươi- tác giả của những mô hình ấy đã trở thành đại diện của Việt Nam được mời đi nhiều nơi. Ngược lại, cũng có nhiều tổ chức nước ngoài gồm Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Thái Lan, Indonesia, Lào, Campuchia tìm về khu dân cư này gặp chị để học hỏi những kiểu thoát nghèo vừa rất riêng, vừa có giá trị bảo vệ môi trường.
Chị là Trịnh Thị Hồng, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư Hòa Phú 5, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Bà nội trợ giỏi việc nước
Trong phần khai “nghề nghiệp, chức vụ” của bản sơ lược lý lịch cá nhân, chị ghi “nội trợ” trước khi kể tiếp chức Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư. Có lẽ vì là “bà nội trợ thứ thiệt” nên khi bắt tay vào công việc hội đoàn thể, những chương trình chị xây dựng đều xuất phát từ trăn trở của phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo. Và mục tiêu cuối cùng vẫn là làm thế nào giải quyết được khó khăn về kinh tế, việc làm cho phụ nữ trong độ tuổi lao động. Những sản phẩm làm ra vì thế cũng đầy thiết thân với việc bếp núc.
Thật khó chọn một mô hình “điểm nhấn” trong tất cả những việc chị đã làm cho khu dân cư. Dường như chị “mát tay” nên mô hình nào cũng thực hiện trọn vẹn. Hơn hết, giờ đây những thành quả này đã là “điểm sáng” để phụ nữ trong thành phố theo nhau học hỏi, và các tổ chức quốc tế lựa chọn nhân rộng ra những địa phương, khu vực khác.
Việc đầu tiên chị Hồng nghĩ đến khi tiếp nhận công việc xã hội là làm sao giúp chị em có đồng tiền làm ăn. Để có tiền, chị xây dựng mô hình “Tổ góp vốn tình thương” bằng cách lập quỹ do chính phụ nữ trên địa bàn hùn hạp. 349 chị em tham gia với phương châm “vay không trả lãi, rất đơn giản, không đòi hỏi thủ tục hành chính, chỉ cần tin tưởng”. Ban đầu, một số người còn e dè nên nguồn quỹ lập được chỉ có 30 triệu đồng. Đến nay, con số này đã nhân lên gấp 5 lần. Cuối năm qua đã có 112 hộ thoát nghèo nhờ vào phần vốn này.
Không dừng lại ở vốn tình thương, chị Hồng thành lập tiếp mô hình “2T - Tiết kiệm và Tận dụng”. Theo đó, rác thải tại các hộ gia đình được tập hợp lại rồi bán ra làm nguồn quỹ giúp học sinh đến trường, trao bảo hiểm y tế cho người cận nghèo, tặng xe đạp cho trẻ em và quà cho gia đình chính sách. Những lon bia, bìa báo, v.v… đã gom được con số gần 100 triệu đồng/năm.
Đến Hòa Phú 5, hỏi chị Hồng, từ người lớn đến trẻ nhỏ hầu như ai cũng biết, bởi ở đối tượng nào, chị cũng đau đáu xây dựng chương trình phù hợp cho lứa tuổi đó.
Trẻ từ tuổi mầm non đến lớp 9 được chị tập hợp thành “Đội thiếu niên tiền phong bảo vệ môi trường”. Hằng tuần, đến giờ quy định, các bé tự giác mang chổi ra sân quét nhà, làm sạch lối xóm. Chị Hồng cho biết: Các cháu ăn bánh kẹo vứt rác ra đường, mình nhắc nhở kiểu gì cũng không nghe nên nghĩ ra giải pháp này. Khi các em là người đi quét rác, thì một cách tự nhiên các em sẽ giảm vứt rác bừa bãi. Đó cũng là cách giúp các cháu ý thức “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”.
Đối với thanh-thiếu niên và người trong tuổi lao động nói chung, hằng tháng, chị Hồng tổ chức các… gameshow vừa chơi, vừa tuyên truyền pháp luật. “Nói dài dòng, khô khan không ai muốn nghe. Mình phải làm cho vui vẻ và sau đó người dân còn nhớ một vài thông tin về luật pháp”, chị Hồng nói.
Thấy chị Hồng lúc nào cũng đầy năng lượng với các hoạt động cộng đồng, có người thắc mắc: “Bộ làm việc không có lúc buồn hay sao?”. Chị Hồng cho biết: “Một vài người nói thẳng “bà ni rảnh thiệt”, “Bà ni làm nổi”. Có người còn nhìn mình với ánh mắt hoài nghi. Tuy vậy, quan trọng là tôi tự cảm thấy những điều mình nghĩ ra và triển khai không đi ngược lại lợi ích của mọi người là được. Tôi còn có ông xã là người luôn đồng hành, động viên những công việc “vác tù và hàng tổng” của vợ”.
Đi một ngày đàng...
Chị Trịnh Thị Hồng là một trong số rất ít cán bộ ở cấp khu dân cư được mời đi tham dự báo cáo tại các hội nghị quốc tế.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị là lần đến nước Cộng hòa Nepal theo lời mời của Viện Quốc tế về môi trường và phát triển thích ứng dựa vào cộng đồng (CBA8) vào năm 2014.
Trong 450 đại biểu của 62 quốc gia và vùng lãnh thổ, tất cả đều là giáo sư, tiến sĩ, duy nhất mình chị “không có học hàm, học vị” nhưng được ngồi phía trên để chia sẻ kinh nghiệm. Vẫn đong đầy niềm vui, chị Hồng tâm sự: “Tôi nói những gì mình biết thôi và bên dưới vỗ tay rần rần”.
Sau những chuyến đi, điều quý giá chị Hồng nhận được là cơ hội học hỏi nhiều chuyện hay ở khắp nơi, từ đó mang về áp dụng cho khu phố mình. Điều này giống như một sự bù đắp đối với giấc mơ học hành dang dở của cô bé Hồng một thời.
Mồ côi cha khi còn trong bụng mẹ, sinh con đầy tháng, mẹ cũng qua đời để lại 5 chị em côi cút. Xuôi ngược Nam, Bắc với bữa no, bữa đói, và Hồng đành dừng lại việc học cùng danh hiệu đứng nhất cuộc thi học sinh giỏi huyện Tam Kỳ. Đến Đà Nẵng làm công nhân với tấm bằng tốt nghiệp cấp 2, Hồng tiếp tục học bổ túc và rẽ sang học trung cấp kế toán, gác lại ước mơ theo ngành hóa thực phẩm…
Hiện nay, thành quả “đi một ngày đàng” ấy là những sản phẩm nước rửa chén, lau bếp, lau sàn hữu cơ vi sinh được học hỏi từ Hội nghị phát triển cộng đồng nghèo đô thị khu vực châu Á - Thái Bình Dương, diễn ra tại Philippines với sự tham dự của 12 quốc gia. “Tại hội nghị này, tôi bị cuốn hút bởi sản phẩm hữu cơ vi sinh của nước bạn nên đã tìm hiểu, học theo. Giờ thì sản phẩm của tôi còn “nhỉnh” hơn đôi chút khi hoàn toàn không ăn da tay. Người phiên dịch cho tôi hôm ấy giờ đây lại quay về nhà tôi học lại”, chị Hồng tự hào với sản phẩm mới.
Từ 1.000kg rác hữu cơ gồm cộng rau sống, hoa, lá, v.v… cho ra 3.000 lít nước thô, qua quá trình tinh chế thu được 300 lít nước rửa chén, lau nhà, chùi bếp với giá bán 10.000 đồng/lít. Những công thức, quy trình biến rác thành nước lau chùi, đều được chính chị truyền lại cho phụ nữ trong khu dân cư.
Đến nay, tại Hòa Phú 5 có 17 người cùng làm sản phẩm “xử lý rác thải hữu cơ thành sản phẩm hữu ích”. Trên địa bàn Đà Nẵng, chị Hồng không thể thống kê đầy đủ có bao nhiêu phụ nữ đang triển khai “công nghệ” này vì chị đã trực tiếp chia sẻ cách làm đến tất cả hội phụ nữ thuộc 56 xã, phường.
Mang chai nước có màu vàng nhạt, thoang thoảng mùi quế, chị Hồng giới thiệu đó là nước rửa chén “made in Hòa Phú 5”. Chị Hồng cho biết thêm, hiện mỗi mình chị làm được phần tinh chế để cho ra sản phẩm hoàn thiện, các chị em khác mới làm được phần nước thô ban đầu. “Từ rác ra nước thô mất 30 ngày, tiếp đó cần thêm 45 ngày để ra sản phẩm tinh chế. Tôi chuẩn bị làm các thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm này”, chị Hồng nói.
Tháng 6-2015, Dự án quy hoạch nhanh do Cộng hòa liên bang Đức tài trợ sẽ đến Hòa Phú 5 thẩm định sản phẩm của chị Hồng để chính thức cho vay vốn và xây dựng thương hiệu. Dự án cũng chọn khu dân cư này làm nơi đầu tư sản xuất phân compost (phân hữu cơ) bán cho các vùng trồng rau sạch.
50 tuổi và đã lên chức bà nội, chị Trịnh Thị Hồng vẫn luôn khiến người tiếp xúc với chị ngỡ như đang gặp một cô thanh niên đầy xốc vác, yêu đời và hào hứng với bao dự án tiếp nối.
Thấy chị Hồng lúc nào cũng hăng hái với các hoạt động cộng đồng, có người thắc mắc: “Bộ làm việc không có lúc buồn hay sao?”. Chị Hồng cho biết: “Một vài người nói thẳng “bà ni rảnh thiệt”, “Bà ni làm nổi”. Có người còn nhìn mình với ánh mắt hoài nghi. Tuy vậy, quan trọng là “tôi tự cảm thấy những điều mình nghĩ ra và triển khai không đi ngược lại lợi ích của mọi người là được. Tôi còn có ông xã là người luôn đồng hành, động viên những công việc “vác tù và hàng tổng” của vợ”. |
THU HOA