.

Đề nghị tăng cường quản lý ngân sách quốc gia

.

Chiều 25-5, Quốc hội thảo luận ở tổ nhằm đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2015; quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2013.

Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa phát biểu tại tổ.  Ảnh: HỮU HOA
Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa phát biểu tại tổ. Ảnh: HỮU HOA

Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa thống nhất 8 nhiệm vụ, giải pháp mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã báo cáo; đồng thời đề nghị cần tăng cường quản lý ngân sách quốc gia, đẩy mạnh quản lý lĩnh vực đầu tư công nhằm ngăn chặn lợi ích nhóm; cần có chính sách cụ thể, mạnh mẽ xây dựng nông thôn mới, tập trung cải cách hành chính, tinh giảm biên chế; đẩy mạnh công tác chống tham nhũng, nhất là tình trạng giàu lên bất thường, tài sản bất minh.

ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp cụ thể tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh việc thực hiện Nghị định số 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, vì việc triển khai nghị định này rất chậm và quá nhiều vướng mắc; đến nay trên cả nước, các ngân hàng thương mại mới ký hợp đồng tín dụng cho 31 tàu với 271 tỷ đồng và dư nợ cho vay thực tế mới 72 tỷ đồng.

ĐB đề nghị, ngay từ bây giờ Chính phủ cần khẳng định chủ trương tăng lương trong năm 2016 đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang để chủ động tìm và cân đối được nguồn lực, sao cho từ năm 2016, lương cơ bản đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho đời sống cán bộ, công chức, viên chức. ĐB đề nghị Chính phủ, Quốc hội cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước để hạn chế tối đa tiêu cực, thất thoát tài sản, vốn liếng của Nhà nước và bảo đảm phát  huy lợi ích thực sự của cổ phần hóa.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị cần lưu ý hai vấn đề cơ bản là sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, cả tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu, giá nông sản giảm nhưng chi phí sản xuất không giảm khiến nông dân gặp khó khăn; tình hình nhập siêu đang trở lại với tốc độ cao, 4 tháng đầu năm nhập siêu tương đương 6% kim ngạch xuất khẩu, vượt ngưỡng 5% do Quốc hội đề ra.

ĐB đề nghị sớm cụ thể hóa việc thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh về mô hình quản lý đối với các doanh nghiệp Nhà nước; đề nghị Chính phủ tập trung nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý các doanh nghiệp Nhà nước phù hợp với đặc điểm KT-XH của từng địa phương, tăng cường phân cấp cho địa phương cũng như doanh nghiệp nhằm tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước.

ĐB đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tập trung rà soát, nhanh chóng đề ra các giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tại các địa phương, đặc biệt là các vướng mắc về pháp lý khi xác định giá trị doanh nghiệp. ĐB đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh một số cơ chế, chính sách cho vay phù hợp với tình hình thực tiễn, cần thành lập trung tâm hỗ trợ cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ để giúp các doanh nghiệp này có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn; đồng thời ngành ngân hàng cần thường xuyên giám sát chặt chẽ tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng; rà soát, xử lý và có giải pháp để ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo tại các ngân hàng.

Trung tướng, Chính ủy Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) đề nghị Chính phủ làm rõ vấn đề, xử lý trách nhiệm việc đóng mới tàu sắt cho ngư dân, xây dựng nhà ở xã hội diễn ra quá chậm. ĐB đề nghị Chính phủ cần dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư cho Biển Đông, nghiên cứu chương trình dân sự hóa Trường Sa, đồng thời cần quyết liệt tạo cơ chế, chính sách cho bà con ngư dân đóng mới tàu sắt. Về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, ĐB đề nghị Chính phủ giải trình rõ có làm được không và sắp đến giải quyết gói tín dụng này như thế nào.

Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, việc thương lái nước ngoài có mặt trên khắp đất nước với tư cách là khách du lịch và vô tư mua hàng trực tiếp tại cơ sở không phải mới xảy ra mà đã được báo chí phản ánh ít nhất từ năm 2009. Tại kỳ họp Quốc hội tháng 6-2012, đại biểu Quốc hội cũng đã chất vấn; tuy nhiên mãi đến ngày 12-3-2014, Bộ Công thương mới có công văn gửi các Sở Công thương địa phương yêu cầu báo cáo hoạt động thu mua nông sản, lâm sản, thủy sản của nước ngoài trên địa bàn là quá chậm. Nông dân và các doanh nghiệp Việt Nam hầu như hoàn toàn bị thao túng và chịu phần thiệt. ĐB cho rằng, trong việc thiệt thòi này đã đành là có trách nhiệm của người nông dân, nhưng cũng cần làm rõ vai trò quản lý Nhà nước và trách nhiệm người đứng đầu ngành Công thương.

PHẠM HỮU HOA

;
.
.
.
.
.