Cách đây không lâu, Hòa Xuân còn là làng quê nghèo, hễ lũ về là nhà nào nhà nấy nước ngập sát mái, hạ tầng nghèo nàn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu.
Cơ sở kinh doanh vật liệu và trang trí nội thất của DNTN Hà Hưng Bình ở Hòa Xuân. |
Đến nay, phường Hòa Xuân là khu đô thị khang trang, sầm uất; là phường duy nhất ở Đà Nẵng các khu dân cư không hề có kiệt hẻm, 100% hộ đều có nhà xây ở mặt tiền đường lớn. Bỏ lại sau lưng thân phận nông dân, hàng nghìn hộ đã và đang chuyển thành thị dân, thu nhập, mức sống gấp nhiều lần so trước đây.
Ông Trần Văn Lân, 73 tuổi, ở tổ 62B cho biết, cách đây mấy năm, gia đình ông 6 nhân khẩu tá túc trong ngôi nhà tường xây mái tôn thấp lè tè tại thôn Cẩm Chánh. Cả nhà vất vả mưu sinh trên chiếc ghe nhỏ, thu nhập chẳng đáng là bao. Hồi đó, hễ lũ về là cả nhà lo sơ tán. Có đợt khi lũ rút, trở về, heo, gà, đồ đạc… trôi mất hết. Trong lúc ai nấy đang bế tắc về hướng làm ăn và bất an khi sống tại vùng thấp trũng, dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân mở ra đã tạo cơ hội đổi đời cho biết bao gia đình.
Năm 2010, gia đình ông mới thoát nghèo. Nhà 2 tầng tại đường Thanh Hóa xây hết 710 triệu đồng. Nhà xây xong vẫn còn tiền gửi ngân hàng để dưỡng già. Con cái đứa nào đứa nấy đều có việc làm ổn định, thu nhập cũng khá. Ở nhà, gia đình ông mở thêm quầy bán tạp hóa, có đồng ra đồng vào. Cũng nhờ về đây tái định cư, ở nơi cao ráo không lo lũ lụt, mức sống cao gấp nhiều lần so hồi trước, nhàn nhã và khỏe khoắn hơn nhiều. Chị Huỳnh Thị Lệ Thủy, cũng ở tổ 62B, trước đây nhà ở thôn Cồn Dầu, tảo tần với mấy sào ruộng, quanh năm túng thiếu. Sau giải tỏa, tái định cư, chị quyết định mở quầy kinh doanh thiết bị điện nước. Thu nhập chưa cao nhưng gấp cả chục lần so làm ruộng trước đây.
Không chỉ bà con ở tổ 62B, hầu hết người dân phường Hòa Xuân đều cho rằng, sự đổi thay vượt bậc tại vùng thấp trũng này, công lớn phải kể đến là cố Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh. Vị lãnh đạo cao nhất thành phố không chỉ có tầm nhìn xa trông rộng, mở ra các dự án khả thi mà trong quá trình triển khai luôn đem đến quyền lợi cao nhất cho người dân.
Với 11 dự án triển khai trên phạm vi 1.100ha (100% đất tự nhiên của địa phương), hơn 5.000 hộ dân di dời giải tỏa, tái định cư, chỉ sau 5-6 năm, phường Hòa Xuân đã hoàn toàn “lột xác”, để rồi chính người địa phương cũng không khỏi ngỡ ngàng về sự đổi thay quá ngoạn mục tại quê hương mình.
Đến nay, 95,4% số hộ đã bàn giao mặt bằng, hơn 3.500 hộ đã xây nhà ở kiên cố tại các khu tái định cư. Hàng loạt khu phố mới mọc lên ngay tại nơi cách đó không lâu còn là làng quê nghèo và đồng ruộng, ao hồ. Nói về cơ sở hạ tầng, ít nơi nào hoàn thiện, hiện đại và đồng bộ như ở Hòa Xuân. Tại đây có những khu chỉ dành riêng cho các nhà thờ chi, phái, tộc.
Bên cạnh dáng vẻ đô thị là đời sống kinh tế ngày càng đi lên của phường. Năm 2014, tổng giá trị sản xuất toàn phường đạt 1.097 tỷ đồng, tăng 24,1% so năm trước. Trong đó, dịch vụ thương mại chiếm ưu thế (hơn 83% tỷ trọng) với giá trị 921 tỷ đồng, nông nghiệp chỉ còn 0,5%. Thu nhập bình quân đạt 35 triệu đồng/người/năm.
Nói về sự đổi thay này, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Toàn đúc kết: Từ chủ trương đúng đắn và sáng suốt của thành phố, các dự án đồng loạt triển khai, cùng với sự đồng thuận của toàn dân, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và bằng các giải pháp, bước đi hợp lý đã làm nên phường Hòa Xuân khang trang, đẹp đẽ hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít khó khăn, lãnh đạo phường sẽ từng bước tháo gỡ và tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đô thị hóa để Hòa Xuân sớm hình thành các khu đô thị kiểu mẫu của thành phố Đà Nẵng.
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU