Chính trị - Xã hội

ĐỐI THOẠI GIỮA NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG

Các doanh nghiệp chưa thực sự làm tốt

07:36, 25/05/2015 (GMT+7)

Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở được Đảng ủy khối Doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng và cấp ủy cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn chưa thực hiện tốt QCDC ở cơ sở.

Về vấn đề này, ông THÁI BẢY, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy khối Doanh nghiệp thành phố cho biết:
Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở Đảng ủy khối Doanh nghiệp thường xuyên chỉ đạo cấp ủy cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và người lao động nắm bắt đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về QCDC. Ngay đầu mỗi năm, Ban Thường vụ Đảng ủy khối chủ động đưa việc thực hiện QCDC cơ sở thành 1 trong 10 chỉ tiêu xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện…

Qua kiểm tra cho thấy, phần lớn các DN đã xây dựng Quy chế phối hợp giữa cấp ủy Đảng, giám đốc và các đoàn thể trong việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, xây dựng tổ chức Đảng và các đoàn thể vững mạnh chủ yếu diễn ra tại các DN lớn, các Đảng bộ cơ sở; còn các công ty nhỏ, các chi bộ cơ sở chỉ có Quy chế phối hợp giữa Ban Chấp hành (BCH) Công đoàn với giám đốc công ty.

Tuy nhiên, việc thực hiện Quy chế nêu trên cũng không được thường xuyên, chất lượng phối hợp cũng chưa tốt; nhất là qua việc tổ chức hội nghị người lao động hằng năm và việc tổ chức đối thoại với người lao động hằng quý, có nơi cấp ủy chưa thực sự vào cuộc, “khoán trắng” cho BCH Công đoàn, do đó hiệu quả chưa cao.

* Ông đánh giá thế nào về việc tổ chức đối thoại định kỳ giữa người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị định 60/2013/NĐ-CP ở các DN trong thời gian qua?

- Nhìn chung, các doanh nghiệp chưa thực sự làm tốt. Nhiều nơi không bầu thành viên đại diện cho tập thể lao động tham gia đối thoại. Một trong những nguyên nhân là do nhiều cấp ủy, lãnh đạo DN nhận thức vấn đề này còn giản đơn, cho rằng hằng tuần, hằng tháng DN thường xuyên tổ chức giao ban từ các phòng, ban, tổ sản xuất… nên không tổ chức đối thoại hàng quý theo quy định của Nghị định 60.

Đến nay, có 63 DN đã tổ chức đối thoại theo định kỳ, còn 60 DN chưa tổ chức đối thoại, có 5 DN có dưới 10 lao động nên không tổ chức Hội nghị người lao động cũng như không tổ chức đối thoại. Qua đối thoại vấn đề nổi lên chủ yếu là việc làm cần được ổn định, thu nhập phải được bảo đảm…

* Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến những hạn chế, khuyết điểm nêu trên?

- Hiện nay, trong các loại hình DN, hầu hết các bí thư Đảng bộ, bí thư chi bộ cơ sở là Trưởng ban chỉ đạo thực hiện QCDC cơ sở, song các cấp ủy Đảng trong DN cổ phần, DN tư nhân lại không có thực quyền trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện QCDC tại doanh nghiệp. Cấp ủy Đảng chỉ có nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, vận động là chính, còn việc thực hiện QCDC cơ sở là trách nhiệm của Hội đồng quản trị, giám đốc DN thực hiện theo Bộ luật Lao động và các nghị định của Chính phủ.

Đây chính là thực tế khách quan và cũng là những khó khăn chung hiện nay trong việc phối hợp giữa cấp ủy Đảng với giám đốc DN; do đó, việc triển khai thực hiện QCDC chưa có sự thống nhất cao và thiếu hiệu quả. Từ năm 2013 đến nay, có đến 25 chi, Đảng bộ có sự thay đổi Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở.

Nguyên nhân nữa là một số DN vi phạm về chế độ chính sách của người lao động trong quá trình cổ phần hóa, có nơi kéo dài gần 4 năm, đến nay vẫn chưa được giải quyết đã làm ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Đảng và các cơ quan chức năng của thành phố trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

* Ông có những kiến nghị, đề xuất như thế nào để việc thực hiện Quy chế dân chủ tốt hơn trong thời gian đến ở các doanh nghiệp?

- Nhằm xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, đề nghị cần thay đổi vị trí Trưởng ban chỉ đạo thực hiện QCDC tại các DN. Theo đó, đối với DN Nhà nước (kể cả DN cổ phần có vốn Nhà nước chi phối) vẫn giữ nguyên như hiện nay, tức là bí thư cấp ủy làm Trưởng ban chỉ đạo; còn các DN liên doanh, tư nhân nói chung thì Trưởng ban chỉ đạo là chủ tịch HĐQT hoặc giám đốc doanh nghiệp, có như vậy mới xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu trong việc thực hiện QCDC tại DN.

Ngoài ra, người lao động kiến nghị Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến quyền lợi của họ khi DN Nhà nước cổ phần hóa. Thực tế thời gian qua, tại một số nơi, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đồng nghĩa với việc tư nhân hóa DN Nhà nước, người lao động bị mất việc và chịu nhiều thiệt hại về kinh tế.

* Xin cảm ơn ông!

Hiện nay, Đảng ủy khối Doanh nghiệp có 130 tổ chức cơ sở Đảng (49 Đảng bộ, 79 chi bộ) và Chi bộ Cơ quan Đảng ủy khối; với hơn 4.800 đảng viên. Trong đó, có 17 DN Nhà nước, 33 DN có vốn Nhà nước chi phối; 76 DN cổ phần vốn Nhà nước không chi phối, công ty TNHH, công ty tư nhân và 4 DN liên doanh nước ngoài.

ĐẶNG NỞ thực hiện

.