Lực lượng chức năng đã vớt được hộp đen cuối cùng của biên đội Su-22 gặp nạn tại vùng biển Phú Quý. Nguyên nhân tai nạn được cho là do máy bay va vào nhau trên không.
Ngày 1-5, trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, công tác tìm kiếm các máy bay và phi công trên vùng biển huyện đảo Phú Qúy (Bình Thuận) sẽ chấm dứt vào hôm nay khi hộp đen cuối cùng của biên đội Su-22 được tìm thấy.
Bộ Quốc phòng sẽ nhanh chóng giải mã 2 hộp đen để xác định chính xác nguyên nhân vụ tai nạn nghiêm trọng. "Qua các thông tin có được có thể nói rằng tai nạn là do 2 máy bay va chạm nhau trên không chứ không phải do lỗi kỹ thuật", ông Tuấn nói.
Trước đó, thi thể hai phi công Lê Văn Nghĩa và Nguyễn Anh Tú đã được tìm thấy và đưa về TP HCM. Ngày 3-5, Quân chủng Phòng không Không quân sẽ tổ chức lễ truy điệu cùng lễ viếng cho hai phi công tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng. Sau khi hỏa táng, các anh sẽ được đưa về quê an táng theo nguyện vọng gia đình.
Bộ Quốc phòng đã quyết định công nhận hai phi công là liệt sĩ và thăng một bậc quân hàm trước thời hạn cho hai anh vì đã hy sinh trong tình huống thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu. Theo đó, trung tá Lê Văn Nghĩa được nâng quân hàm thượng tá, đại úy Nguyễn Anh Tú được thăng quân hàm thiếu tá.
Vị Phó tổng tham mưu trưởng cho biết thêm, "sự cố này va chạm máy bay trong quá trình tập luyện cũng thường xảy ra nhiều trên thế giới khi các phương tiện bay sát nhau".
Ông Tuấn dẫn chứng, hai tháng trước, tại triển lãm hàng không và biển quốc tế Langkawi (LIMA) diễn ra ở Malaysia, hai chiếc máy bay KT-1 B thuộc đội máy bay nhào lộn Jupiter của Indonesia cũng bất ngờ va chạm khi đang luyện tập chuẩn bị trình diễn nhưng rất may các phi công kịp nhảy dù thoát nạn.
Lúc 11h35 ngày 16-4, biên đội 2 máy bay Su-22 cất cánh từ sân bay Phan Rang (Ninh Thuận) ra khu vực vùng trời đảo Phú Quý đã mất liên lạc. Khu vực mất mục tiêu ở Bắc đảo Phú Quý khoảng 10-20 km.
Trung tá Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1, Phó trung đoàn trưởng trung đoàn 937, Sư đoàn 370, lái máy bay số hiệu 5857) và đại úy Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3, Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370) điều khiển máy bay 5863. Lực lượng hỗn hợp đã tiến hành tìm kiếm trong 16 ngày đêm ở vùng biển có độ sâu khoảng 32 mét.
VnExpress