.

Hải quân Việt Nam phát huy truyền thống mưu trí, sáng tạo

.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, xác định rõ nhiệm vụ làm nòng cốt của chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển, các lực lượng Hải quân đã không ngừng phát huy tinh thần tích cực, chủ động, mưu trí, sáng tạo để đánh địch ở vùng ven sông, ven biển và vùng biển gần bờ.

Chuẩn bị cho những hành trình trên biển.
Chuẩn bị cho những hành trình trên biển.

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, nhận rõ đối tượng tác chiến và dựa vào sức mạnh, Hải quân ta đã nhận rõ đối tượng tác chiến và dựa vào sức mình, đã vận dụng nhiều cách đánh khác nhau. Với tư tưởng chỉ đạo “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít thắng nhiều”, bằng tinh thần tích cực chủ động, mưu trí, sáng tạo, bí mật bất ngờ để đánh địch và thắng địch.

Để bảo vệ vùng biển miền Bắc XHCN, làm thất bại âm mưu dùng tàu xuồng biệt kích đột nhập phá hoại, Hải quân đã dùng xuồng chiến đấu nhỏ, hỏa lực mạnh, có tốc độ cao, phục kích bất ngờ tiến công tiêu diệt. Khi phát hiện tàu địch xâm phạm vùng biển, ta tổ chức các biên đội tìm vị trí đợi cơ hội thuận lợi, bí mật dùng tốc độ cao, xông ra công kích địch. Khi máy bay Mỹ ào ạt ném bom miền Bắc, Hải quân ta mưu trí bố trí phân tán thành các phân đội tàu, có pháo phòng không, phối hợp với các đơn vị cao xạ trên bờ, tổ chức đánh máy bay địch ném bom, thả thủy lôi, mưu trí dùng thiết bị thô sơ, tự tạo rà phá, làm vô hiệu hóa hàng ngàn quả thủy lôi, bom từ trường của Mỹ, để bảo vệ kho tàng, cầu phà, bến cảng và các mục tiêu quan trọng khác.

Để phối hợp với các lực lượng quân giải phóng miền Nam tấn công tiêu hao sinh lực địch ở các vùng sông biển miền Nam, Hải quân đã tổ chức đưa lực lượng đặc công nước vào các chiến trường và bằng những cách đánh hết sức mưu trí, sáng tạo, bất ngờ, độc đáo… đã làm cho lực lượng tàu thuyền, kho tàng trang bị của Mỹ, ngụy bị thiệt hại nặng nề.

Khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 sắp đến giờ quyết định, được lệnh của trên, Hải quân tiếp tục phát huy tinh thần mưu trí sáng tạo, dùng tàu vận tải các loại vận chuyển lực lượng đặc công Hải quân, bộ binh, trinh sát; vừa hành quân vừa làm kế hoạch hợp đồng tác chiến. Đến những ngày cuối chiến dịch Hồ Chí Minh, Hải quân đã tiến hành một loạt các trận chiến đấu với nhiều cách đánh khác nhau, nhanh chóng giải phóng hoàn toàn các đảo ở Trường Sa do quân ngụy Sài Gòn đồn trú; góp phần cùng quân và dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30-4-1975.

Từ những thắng lợi và thành công cũng như chưa thành công của các lực lượng Hải quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, rút ra được những bài học kinh nghiệm. Đó là:

- Phát huy thế mạnh chiến tranh nhân dân, dựa vào sự giúp đỡ của các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương để phối hợp chiến đấu, xây dựng và bảo tồn lực lượng. Trong chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ, từ việc cơ động ngụy trang sơ tán lực lượng, nắm địch đến các trận đánh máy bay, tàu biệt kích địch trên biển. Các lực lượng Hải quân luôn được nhân dân, lực lượng vũ trang địa phương giúp đỡ, làm trận địa giả, ngụy trang, che giấu và cùng phối hợp chiến đấu đánh máy bay, bắt sống giặc lái, cứu chữa thương binh…

Trong hoạt động tác chiến của đặc công nước ở các chiến trường miền Nam vô cùng khó khăn, ác liệt, nhưng các đội đặc công Hải quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cũng nhờ dân quân du kích và nhân dân ở miền Nam. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Hải quân ta được nhân dân và lực lượng vũ trang Quân khu 5 giúp đỡ nhiều mặt như lương thực, thực phẩm, phương tiện vận chuyển để kịp thời tiếp cận và phối hợp tác chiến giải phóng các đảo ở Trường Sa.

- Đánh có chuẩn bị, đánh chắc thắng và thắng ngay trận đầu:

Trong điều kiện “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít thắng nhiều”, việc chuẩn bị chiến đấu để giành thắng lợi từng trận đánh và đánh thắng ngay trận đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Truyền thống quân đội ta khi ra đời đã quyết tâm đánh thắng trận đầu ở Phay Khắt, Nà Ngần. Quá trình xây dựng chiến đấu của các quân, binh chủng kỹ thuật đều chuẩn bị tốt nhất để ra quân đánh thắng ngay trận đầu: Không quân đánh thắng trận đầu ở Hàm Rồng-Thanh Hóa; bộ đội tên lửa bắn rơi máy bay ngay trận đầu tiên ở Suối Hai-Hà Tây; bộ đội tăng-thiết giáp  đánh thắng trận đầu ở Làng Vây-Quảng Trị; hải quân cũng đánh thắng trận đầu ngay những ngày chiến đấu đầu tiên: 2 và 5-8-1964.

Vì vậy trong quá trình chiến đấu, trên cơ sở quán triệt nhiệm vụ trên giao, phải hết sức coi trọng công tác chuẩn bị chiến đấu, phải huấn luyện kỹ thuật thật cơ bản, thống nhất, sát yêu cầu nhiệm vụ được giao, giáo dục chính trị, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cho bộ đội thật cao. Trước hết là người chỉ huy trận đánh phải có năng lực quyết tâm dám đánh và quyết thắng.

- Tích cực sáng tạo, cải tiến vũ khí trang bị cho phù hợp với yêu cầu từng trận đánh, cách đánh, đồng thời coi trọng tổng kết, rút kinh nghiệm để không ngừng nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu.

Trong điều kiện ta phải lấy thô sơ, tương đối hiện đại để thắng quân địch có trang bị hiện đại, thì việc cải tiến vũ khí, trang bị hết sức cần thiết nhằm làm tăng sức mạnh của từng con tàu, tăng hiệu quả chiến đấu của từng loại vũ khí, sáng tạo trong nghi binh ngụy trang, tạo bí mật bất ngờ để đánh địch… Bộ đội đặc công Hải quân sáng tạo ra cách để mang hàng tạ thuốc nổ, tự tạo từng quả mìn, khối bộc phá để áp sát tiêu diệt tàu địch, lợi dụng dòng chảy, dùng bè mảng với vũ khí tự tạo, chỉ vài chiến sĩ đặc công đã đánh chìm những hạm tàu hàng chục ngàn tấn của Mỹ-ngụy.

Trong cuộc chiến đấu không cân sức giữa hải quân ta và hải quân, không quân Mỹ, với ý chí chiến đấu kiên cường, dũng cảm và sự sáng tạo tìm ra cách đánh hiệu quả nhất. Từ kinh nghiệm xương máu của cán bộ, chiến sĩ qua từng trận đánh, mỗi binh chủng, mỗi đơn vị đã rút ra được một kinh nghiệm, một cách đánh hay. Để kịp thời tổng kết và nâng các kinh nghiệm đó làm cơ sở lý luận khoa học phổ biến trong toàn quân chủng, vận dụng trong chiến đấu thực sự là một  bài học mà Hải quân đã làm có hiệu quả thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trải qua những năm tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt và chiến thắng vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam đã thể hiện rõ tinh thần mưu trí sáng tạo và trưởng thành rõ rệt về kinh nghiệm chiến đấu. Tình hình trên biển hiện nay, nhiệm vụ trên giao cho quân chủng Hải quân hết sức nặng nề, phức tạp, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy đã được trang bị vũ khí, phương tiện tương đối hiện đại và hiện đại, nhưng truyền thống mưu trí sáng tạo và những kinh nghiệm chiến đấu của thế hệ cha anh trong thời kỳ chiến tranh giải phóng vẫn còn giá trị lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và chiến đấu của Hải quân NDVN.

Đại tá PHAN VĂN CÚC

Nguyên Phó Chỉ huy trưởng về Chính trị, Vùng 3 Hải quân

;
.
.
.
.
.