.

Học tập và làm theo Bác là nhu cầu văn hóa tự thân

.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài, là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người đã để lại cho dân tộc ta, cho Đảng ta một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh và thời đại Hồ Chí Minh.

Vì vậy, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là rất cần thiết, không chỉ là yêu cầu của cách mạng, mà còn là tình cảm, nguyện vọng của nhân dân ta, của Đảng ta và mọi người Việt Nam yêu nước. Đó không chỉ là nhu cầu thiết thân của cán bộ, đảng viên mà còn của mỗi người dân, nếu chúng ta soi chiếu từ Người, những giá trị đạo đức có tính trường tồn cùng văn hóa dân tộc, với tinh thần nhân văn sâu sắc. Nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh này, chúng ta sẽ thấy việc học tập và làm theo Bác Hồ là nhu cầu văn hóa tự thân, và sẽ rất hiệu quả nếu gắn kết cùng với nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương.

Tuyên dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2014.
Tuyên dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2014.

Một thực tế dễ nhìn thấy là, đã gần 10 năm trôi qua, từ khi Đảng phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhất là từ khi có Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì vấn đề học tập và làm theo Bác không còn là một cuộc vận động kiểu hành chính như trước, mà dần trở thành nhu cầu văn hóa, yếu tố tự giác, thúc đẩy nội tâm bên trong của mỗi con người.

Theo tôi, có rất nhiều điều nên học, cần học và phải học ở Bác Hồ. Bởi vì Bác là hiện thân của một biểu tượng cao đẹp về ý chí cách mạng kiên cường; về tinh thần độc lập tự chủ; lòng yêu nước, thương dân tha thiết; trí tuệ anh minh, mẫn tiệp, có tầm nhìn xa rộng, sâu sắc; có đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; có tác phong, phong cách khiêm tốn, giản dị; có tấm lòng nhân hậu, tình cảm chan chứa yêu thương con người; là một mẫu mực tuyệt vời về cách sống, cách nghĩ, cách viết, cách nói, cách làm việc… Vì vậy, bất luận là cán bộ, đảng viên hay người dân đều có thể học tập ở Bác nhiều khía cạnh đạo đức, tư tưởng khác nhau.

Đối với người cán bộ, đảng viên thì học Bác ở tinh thần biết giữ gìn phẩm chất chính trị, kiên định lý tưởng cách mạng, con đường cách mạng, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; tinh thần lạc quan tin tưởng, phẩm chất kiên cường bất khuất “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”; là phong cách, lối sống giản dị, khiêm tốn, thanh bạch, gần dân, không quan liêu, quan cách, từ ăn, mặc, ở, đi lại, làm việc, xuống với dân thì phải như thế nào...

Đối với mọi người dân nói chung, có thể học tập ở Bác về một tâm hồn cao thượng, trong sáng, sự cần, kiệm, liêm, chính; tinh thần đấu tranh với cái ác, nâng cái thiện lên để giảm cái ác đi, tinh thần đoàn kết, yêu thương nhau, sẻ chia những mất mát, khổ đau với mọi kiếp người; nhất là tinh thần trách nhiệm công dân, tuân thủ luật pháp để hướng đến một xã hội văn minh trong một nước Việt Nam độc lập...

Xác định như thế để thấy rằng, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một nhu cầu văn hóa tự thân đối với tất cả mọi người. Vì lẽ đó, việc học tập và làm theo Bác là phải học suốt đời, học hằng ngày, thiết thực, thiết thân; học để làm theo, làm theo rồi lại học, cả hai luôn bổ sung, tác động thường xuyên liên tục cho nhau, không phải học một lần là xong.

Vì lẽ đó, những năm qua, Thành ủy Đà Nẵng đã thường xuyên chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, đơn vị đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành, đơn vị; thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Đặc biệt là tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU, ngày 20-10-2003 của Ban Thường vụ Thành ủy “Về việc tăng cường giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống; kiên quyết chống các hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, thiếu trách nhiệm, cửa quyền, nhũng nhiễu, hách dịch đối với nhân dân của cán bộ, công chức các cấp” và Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 14-4-2004 của Ban Thường vụ Thành ủy “Về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực”... Tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm của cơ quan, đơn vị đã được giới thiệu, kiểm điểm, nhất là những vấn đề dư luận phản ánh để sửa chữa, góp phần tác động tích cực đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, củng cố tổ chức bộ máy và việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.

Nên nhớ rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên án rất nhiều lần và nghiêm khắc những biểu hiện tiêu cực về tình trạng tham ô, lãng phí và quan liêu. Theo Người, “giặc nội xâm” còn nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm vì giặc ngoại xâm còn rõ hình thù, chúng ta có thể dùng vũ khí để tiêu diệt chúng, còn thứ giặc này thì không thể dùng súng đạn để tiêu diệt được. Điều lý thú trong tư tưởng chống “giặc nội xâm” của Người là: không chỉ những cán bộ, người có chức, có quyền mới phạm vào tham ô, tham nhũng, lãng phí mà cả quần chúng nhân dân đều có thể mắc các tội này. Đối với cán bộ, Bác cho rằng đục khoét của dân, lấy của công làm của tư, tiêu ít khai nhiều, lấy của tập thể lớn để làm của riêng cho địa phương, đơn vị nhỏ trong đó có mình, đó chính là tham ô.

Đối với quần chúng nhân dân thì: những người dân bình thường nếu không biết giữ mình, cũng có thể tham ô thông qua việc lấy cắp của công, khai gian, trốn thuế... đều là biểu hiện của tham ô. Với tinh thần đó của Bác, nếu soi rọi vào thực tế của mỗi địa phương, chúng ta mới thấu triệt hết tư tưởng Hồ Chí Minh về chống tham nhũng. Thói thường, một bộ phận cán bộ cho rằng: “Ngành tôi, đơn vị tôi có gì mà tham ô!”; còn người dân cho rằng: “Các ông có chức, có quyền mới tham ô, chứ dân thường lấy gì mà tham ô!”...

Những “lý luận” đó đều là không đúng, nếu xét dưới góc độ tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này. Bởi hiện nay, việc sản xuất, kinh doanh của nhân dân đang phát triển mạnh, tình trạng khai gian hàng hóa, trốn thuế, mua chuộc cán bộ Nhà nước để được lợi riêng... ở khu vực này đã trở nên phổ biến và nhức nhối, gây thất thu rất lớn cho quốc gia, “người dân cũng có thể phạm tội tham ô” là như vậy. Hiểu như vậy, mới thấy được tính độc đáo, sâu sắc của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh đối với việc học tập và làm theo Người.

Thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, được bạn bè gần xa quan tâm và mến phục. Xét ở khía cạnh nào đó, đây chính là kết quả của sự cố gắng không ngừng của toàn hệ thống chính trị và nhân dân thành phố, là sự soi rọi tư tưởng của Bác Hồ qua mỗi lần chúng ta phát động việc học tập và làm theo Bác, nhất là gắn với nhiệm vụ chính trị của thành phố, đã làm sự lan tỏa trong nhân dân về những cách làm hay, những chủ trương thấm đẫm tình người, để rồi đến lượt họ - mỗi người dân, đều như cố gắng hơn để đóng góp một phần vào thành tựu chung của thành phố quê hương.

Từ các chủ trương lớn của thành phố như “5 không”, 3 “có”, “5 xây, 3 chống”, “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”; từ các chủ trương của nhiều địa phương, đơn vị đã đề ra những tiêu chí hay, ngắn gọn, như “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, “3 không” (không gây phiền hà cho nhân dân, không thờ ơ thiếu trách nhiệm trong công việc với dân, không nhận hối lộ và tham nhũng) và “3 nên” (nên vui vẻ trước việc làm đối với dân, nên xin lỗi nhân dân khi có thiếu sót khuyết điểm, nên cảm ơn nhân dân khi được góp ý xây dựng); hay các phong trào: “Lớp học không có học sinh yếu”, “Tiết kiệm một ngày đầu Xuân”, “Nuôi heo đất”, “Nuôi trâu vàng”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Phong bì tiết kiệm hưởng ứng quỹ vì người nghèo”, “Bếp ăn nhân đạo”…

Về phía người dân, đã xuất hiện ngày càng nhiều hình ảnh một “hiệp sĩ nạng gỗ” tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, một anh xe ôm giàu lòng yêu thương, một bác nông dân chăm việc nông gia và trở thành điển hình kinh tế giỏi của thành phố, một cô giáo tận tụy yêu nghề, vượt qua bao khó khăn để đem cái chữ đến trẻ em vùng xa; một cựu chiến binh già tận tụy làm từ thiện, phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”… Tất cả đã hòa quyện vào nhau, tạo nên một khối đoàn kết, làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng tươi đẹp hơn và đóng góp một cách hiệu quả, thiết thực hơn vào nhiệm vụ chính trị chung của toàn thành phố.

Muốn thực hiện một cách hiệu quả cuộc vận động học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, theo tôi, chúng ta cần không ngừng tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân, đây chính là con đường cơ bản và ngắn nhất để người cán bộ, đảng viên tự rèn luyện mình. Bởi, chỉ khi nào cán bộ, đảng viên sát dân, hiểu dân, lo cho dân, luôn vì dân, phục vụ dân, “nói đi đôi với làm”, nói ít làm nhiều, khi đó mới thuyết phục, lôi cuốn được, vận động được đông đảo nhân dân cùng học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ một cách hiệu quả. Nếu là cán bộ, đảng viên cần phải tập trung vào việc học tập và làm theo tác phong, phong cách của Bác, thể hiện cụ thể trong công việc thường ngày, trong quan hệ với nhân dân, với đồng chí, đồng nghiệp...

Đối với người đứng đầu, chủ chốt phải thực hiện cho được sự nêu gương, bằng cách tự giác đi đầu, gương mẫu trong công việc, trong lối sống để cán bộ, đảng viên dưới quyền noi theo. Đối với Đà Nẵng hiện nay, chúng ta cần “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn việc thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” với Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX đã đề ra “Phấn đấu đến năm 2020 xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố có môi trường đô thị văn minh và giàu tính nhân văn”…

Có thể nói, chỉ khi nào việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhu cầu văn hóa tự thân của mỗi người, lại được cộng hưởng bởi các chủ trương đúng đắn, giàu tính nhân văn, gắn với nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ thành phố thì chúng ta mới mong đáp ứng được sự mong mỏi của mỗi người dân, sự yêu thương của bạn bè xa gần dành cho thành phố bên sông Hàn.

TRẦN THỌ

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố

;
.
.
.
.
.