Hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung được xem như “lá phổi” của Thanh Khê và cũng là điểm giải trí, thư giãn của người dân khu vực này. Vì vậy, việc cải tạo môi trường, cảnh quan hồ được chính quyền và người dân mong mỏi trong “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”.
Một góc yên bình của hồ Thạc Gián. |
Những nỗ lực cứu hồ
Theo hồi ức của ông T.S (83 tuổi, trú phường Thạc Gián), trước đây, hồ có tên là bàu Thạc Gián, rộng mênh mông, các bụi lác mọc um tùm, thêm hoa sen, hoa súng. Quá trình đô thị hóa, diện tích hồ bị thu hẹp, hệ thống nước thải từ các khu dân cư đổ vào hồ, việc nạo vét không được tiến hành thường xuyên nên lượng rác tồn đọng trong lòng hồ ngày càng lớn, các cửa xả bị tắc nghẽn khiến hồ ô nhiễm nghiêm trọng. Thậm chí, từng có đề xuất san lấp hồ này sau nhiều nỗ lực cải tạo bất thành.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tĩnh, quyền Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết, ngày trước khi đi ngang qua đây, phải lấy tay bịt mũi, nhăn mặt vì mùi hôi thối. Đến năm 2006, thực hiện chủ trương của thành phố, công tác cải tạo hồ được tiến hành bằng nhiều biện pháp như: nạo vét bùn rác, xử lý chất rắn trong hồ, lắp đặt hệ thống lưới chắn rác, xây dựng và sửa chữa các cửa xả, đập... để thoát nước.
Đồng thời, thiết kế các ô chứa bèo giữa hồ, bố trí thành các hình hoa văn để vừa có tính thẩm mỹ, vừa xử lý được mùi hôi, tạo sự thông thoáng cho mặt hồ. Nhờ đó, môi trường được cải thiện. Từ sáng sớm đến chiều tối đều có đông người đến hóng mát, dạo chơi, câu cá, tập thể dục...
Nâng cấp, cải tạo cảnh quan
Tình trạng ô nhiễm ở hồ Thạc Gián-Vĩnh Trung vẫn có thể trở lại nếu công tác vệ sinh môi trường không được tiếp tục thực hiện. Vì vậy, trong “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, khu vực hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung là một trong những điểm được quận Thanh Khê chú trọng giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường.
Phường Thạc Gián thành lập đội tình nguyện viên môi trường, ra quân dọn dẹp vệ sinh khu vực này trong những ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp. Đồng thời, lực lượng quy tắc đô thị quận và phường Thạc Gián thường xuyên kiểm tra, không để tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè để mở quán nhậu, cà-phê… Quận Thanh Khê cũng yêu cầu Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng không để thùng rác dưới lòng đường, tránh tình trạng nhếch nhác như thời gian qua, trước khi chờ giải pháp tập kết rác thải sinh hoạt của Sở Tài nguyên - Môi trường.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tĩnh, quận Thanh Khê từng có đề xuất cải tạo hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung thành không gian văn hóa - du lịch như: đặt đài phun nước, tạo mảng xanh quanh hồ bằng cây xanh, thảm cỏ và hoa; ven bờ hồ đặt các ghế đá, hình thành các ki-ốt bán hoa tươi, sách… “Tuy nhiên, ý tưởng này chưa thực hiện được.
Khu vực bờ hồ từng có khu vui chơi nhưng nay thành hoang phế, cỏ dại mọc um tùm, phải thường xuyên dọn dẹp. Được biết, thành phố có chủ trương thực hiện dự án cải tạo hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung. Chúng tôi hy vọng ngoài việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của cộng đồng, khi cảnh quan được cải tạo cũng sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận”, ông Nguyễn Văn Tĩnh nói.
Đề xuất của chính quyền Thanh Khê cũng là mong mỏi của người dân khu vực này. “Các con đường bao quanh hồ Thạc Gián và Vĩnh Trung gắn với tên tuổi nổi tiếng như: vua Hàm Nghi, nhà thơ Tản Đà, Văn Cao, Quang Dũng… Tôi mong đến ngày cuối đời được một lần nữa tìm thấy sự yên bình, đẹp đẽ của bàu Thạc Gián xưa trong dáng dấp một hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung nay xanh tươi, trong lành”, ông T.S nói.
Nằm giữa hai phường Thạc Gián và Vĩnh Trung, với diện tích hơn 29.000m2, hồ có dung lượng nước từ 40.000 - 52.000m3. Đây là nơi tập trung nước thải của cả khu vực dân cư rộng khoảng 50ha. Ngoài ra, hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung còn làm nhiệm vụ điều hòa nước vào mùa mưa để giảm ngập cho các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hoàng, Hàm Nghi; khu dân cư các phường Nam Dương, Vĩnh Trung, Thạc Gián… |
Bài và ảnh: NGỌC HÀ