Tại Hội nghị điển hình tiên tiến của Hội Người mù (Hội) thành phố Đà Nẵng lần thứ III, giai đoạn 2010-2015, tổ chức sáng 26-5, nhiều người đã dùng cụm từ “mắt mờ, tâm sáng” để chỉ những cách làm sáng tạo, thiết thực của Hội.
Cụ thể như phong trào sưu tầm và viết những mẩu chuyện về Bác Hồ của Quận Hội Hải Châu tạo động lực cho hội viên tìm tòi, nghiên cứu, nâng cao hiểu biết về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các hoạt động khuyến học của Quận Hội Ngũ Hành Sơn giúp học sinh khiếm thị và con của người khiếm thị thi đua vượt khó vươn lên trong học tập; mô hình cho nhau mượn vốn và thu gom phế liệu còn khả năng tái chế ở các quận Thanh Khê, Liên Chiểu… giúp nhiều hội viên mua sắm vật dụng gia đình, tạo việc làm, phát triển kinh tế…
Trên địa bàn Đà Nẵng có những người mù bền bỉ phấn đấu vượt khó vươn lên. Cô gái khiếm thị Lưu Thị Hải (quận Hải Châu) miệt mài học nghề massage, rồi mở cơ sở xoa bóp, tạo việc làm thường xuyên cho 10 người cùng cảnh ngộ. Hội viên Trần Đình Chánh (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) giỏi vận dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tế chăn nuôi heo thịt, mang lại thu nhập cao.
Học sinh khiếm thị Võ Văn Nhật (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) học giỏi toàn diện, đoạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, thi đỗ 2 trường đại học, hiện là sinh viên năm thứ hai Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng). Phó Chủ tịch Hội Người mù thành phố Lê Thị Diệu Châu là người khiếm thị duy nhất của cả nước đoạt giải thưởng về “Tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội” của Ủy ban Giải thưởng KOVA lần thứ 12, năm 2014…
Giai đoạn 2010-2015, toàn Hội đã tổ chức gần 30 lớp dạy nghề, dạy chữ Braille, vi tính, kỹ năng hoạt động và phòng tránh rủi ro cho người mù, lập dự án cho 226 lượt người mù vay vốn ưu đãi với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng. Các dịch vụ xoa bóp và cơ sở sản xuất tập trung của Hội thu hút hơn 130 người mù và các dạng khuyết tật khác.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người mù Việt Nam Phạm Viết Thu khẳng định: Việc 100% hội viên người mù ở Đà Nẵng có nhà ở và cuộc sống ổn định là thành quả hiếm có, thể hiện rõ ý chí vượt khó vươn lên của bản thân người mù, đồng thời cũng minh chứng sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và cộng đồng.
Những năm qua, Hội tự nguyện đóng góp kinh phí (51 triệu đồng), xây dựng nhà tình nghĩa tặng bà Lê Thị Hiến (con liệt sĩ) ở xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang); ủng hộ 16 triệu đồng cho lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam tại Đà Nẵng; thực hiện vượt 138,3% chỉ tiêu trong chương trình 150 ngày hành động cao điểm vì người nghèo (năm 2013) do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phát động…
Thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tập trung tuyên truyền nhân rộng những cách làm hay về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tăng cường hoạt động dạy nghề, tập huấn, hỗ trợ sinh kế cho hội viên, đồng thời vận động hội viên ra sức phấn đấu, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, không ngừng cải thiện đời sống gia đình và góp phần hoàn thành các mục tiêu an sinh xã hội của thành phố…
LÊ VĂN THƠM