.
NĂM VĂN HÓA, VĂN MINH ĐÔ THỊ

Ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch

.

Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Đà Nẵng đang từng bước phát triển để thực sự hấp dẫn du khách.

Khách tham quan các gian hàng trong khuôn khổ chương trình khai trương mùa du lịch biển 2015 vào đầu tháng 5 vừa qua.
Khách tham quan các gian hàng trong khuôn khổ chương trình khai trương mùa du lịch biển 2015 vào đầu tháng 5 vừa qua.

Một trong những yếu tố quan trọng để thu hút khách là cách ứng xử văn hóa, văn minh, tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện. Để du khách thực sự hài lòng khi đến Đà Nẵng, sự đồng lòng, chung tay từ các sở, ban, ngành trong việc thực hiện văn hóa ứng xử trong du lịch đang từng bước tác động tích cực đến hoạt động du lịch của thành phố.

Tự mình chạy xe máy khám phá bán đảo Sơn Trà, anh Aron Weinman, du khách Mỹ chia sẻ rất thích thành phố biển này. Khi anh nói ý định sẽ tự chạy xe máy thì những người bạn mới quen ở Đà Nẵng đã hướng dẫn anh rất nhiệt tình để chuẩn bị cho chuyến đi hiệu quả. Thân thiện và mến khách là những gì anh cảm nhận được trong những ngày lưu lại tại đây.

Những ngày cao điểm, quầy hàng dịch vụ của chị Trần Thị Ngọc Hà, tổ kinh doanh dịch vụ số 2 tại bãi biển Mỹ Khê đón hàng trăm lượt khách dừng chân sử dụng các dịch vụ ghế ngồi, uống nước. “Với những người làm kinh doanh, chúng tôi ý thức được rằng phải có văn hóa, văn minh lịch sự trong kinh doanh, giao tiếp mới để lại ấn tượng tốt đẹp với du khách, có như vậy công việc kinh doanh thuận lợi và đông khách”, chị Hà chia sẻ. Ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Đà đánh giá, đa số những người làm du lịch hiện nay đã biết cách ngoại giao và cư xử đúng mực với du khách.

Bà Lê Thị Kim Chi, Giám đốc khối thị trường khách trong nước, Công ty CP Vietnam Travel Mart cho rằng, Đà Nẵng được du khách đánh giá là điểm đến mà người địa phương thân thiện, gần gũi. Văn minh ứng xử của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch đang ở mức chấp nhận được. Tuy mức độ chuyên nghiệp chưa cao nhưng cơ bản đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Bà Kim Chi nhận xét: “Đa số hướng dẫn viên đang hoạt động ở Đà Nẵng được đào tạo căn bản nhưng chưa tập trung nâng cao nghiệp vụ. Tùy vào thâm niên nghề, kinh nghiệm thực tế… mà khả năng chuyên môn của hướng dẫn viên có nhiều cấp độ, mang đến sự hài lòng cho khách khác nhau. Còn nhiều lái xe chưa được đào tạo căn bản, chất lượng và thái độ phục vụ phụ thuộc vào tính cách cá nhân là chủ yếu. Một số điểm bán hàng tự phát có những ứng xử chưa thực sự văn hóa với khách… Tình trạng “ăn xổi ở thì” vẫn còn”.

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho hay, hưởng ứng “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, ngành du lịch thành phố đã xây dựng và trình bộ quy tắc ứng xử du lịch dành cho ba đối tượng, gồm người dân Đà Nẵng, những người phục vụ và hoạt động trong lĩnh vực du lịch và du khách. Đây sẽ là tiền đề để xây dựng Đà Nẵng thực sự là một thành phố an toàn, văn minh, hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Nhiều đơn vị lữ hành trên địa bàn thành phố cho rằng, việc ban hành quy tắc ứng xử của ngành du lịch thành phố là rất tốt, phù hợp, nhằm bảo đảm việc quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch địa phương. Tuy nhiên, các quy tắc này nên xuất phát từ thực tế, cụ thể, hợp lý, khả năng thực hiện cao và “không quá lý thuyết”. Bà Kim Chi đề xuất, để quy tắc này khả thi khi ban hành, các chương trình đào tạo, nâng cao cần được quan tâm và triển khai đồng bộ. Việc ban hành cũng cần song song với việc kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Bài và ảnh: THU HÀ

;
.
.
.
.
.