.
Ngày Quốc tế chữ thập đỏ (8-5)

"Cứu người thôi, không đòi hỏi chi hết!"

.

Trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 12 điểm sơ cấp cứu an toàn giao thông do các tình nguyện viên (TNV) Chữ thập đỏ “cắm chốt”.

Các tình nguyện viên tham gia tập huấn xử lý người bị nạn.
Các tình nguyện viên tham gia tập huấn xử lý người bị nạn.

Những TNV này có thể là cán bộ hội hoặc anh xe ôm. Địa điểm hoạt động có khi là văn phòng, nhà riêng hoặc ngã tư đường. Tuy nhiên, điểm chung của các đội là: Cứu người thôi, không đòi hỏi chi hết!

Thấy người bị nạn, không thể làm ngơ

Tham gia công tác chữ thập đỏ 4 năm, bà Phạm Thị Tính (54 tuổi), Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Chính Gián (quận Thanh Khê), cũng có từng đó năm đảm nhận vai trò TNV sơ cấp cứu an toàn giao thông tại ngã tư Điện Biên Phủ - Lê Độ. Đồng hành với bà Tính trong việc cứu người gặp tai nạn giao thông trên trục đường này là ông Tạ Bảy (67 tuổi), Chủ tịch phường Hội.

Dù tuổi cao nhưng sự nhanh nhẹn ứng phó với các tình huống tai nạn của nhóm cô chú không thua kém 11 đội sơ cấp cứu còn lại. Thường ngày, từ sáng đến tối, bà Tính và ông Bảy có mặt tại văn phòng Hội ở số 70 Điện Biên Phủ. Ngoài các công việc chung của Hội, hễ gặp hoặc nhận thông tin tai nạn giao thông trên đường thì cô chú lập tức có mặt. “Đầu tiên phải nhanh chóng quan sát xung quanh xem người bị nạn ngã ra sao, đau chỗ nào, sử dụng dụng cụ sơ cấp cứu gì phù hợp; đồng thời nếu là vụ ngã nặng phải gọi cấp cứu 115”, bà Tính chia sẻ các kỹ năng cơ bản của một người làm sơ cấp cứu an toàn giao thông.

Một kỷ niệm đáng nhớ của bà Tính và ông Bảy là từng gặp một người bị ngã xe gãy chân. “Thấy chân người đó đong đưa, tôi có đôi chút sợ, nhưng lập tức lấy lại bình tĩnh dùng nẹp bó chân rồi gọi cấp cứu đến”, bà Tính kể. Nhiều trường hợp người buôn bán hàng rong bị choáng ngất cũng được các cô chú tại đây giúp đỡ. Dù làm việc không có trợ cấp, không nhận hỗ trợ vật chất, nhưng đó là nhiệm vụ cơ bản của người làm công tác chữ thập đỏ.

Những bác tài an toàn

Các đội sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng thuộc Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng ra đời từ nhiều năm trước trên tinh thần tự nguyện. Đến năm 2014, 12 điểm sơ cấp cứu của Hội được Bộ Y tế công nhận và cấp giấy phép hoạt động.

Nói đến sự sôi động của các nhóm sơ cấp cứu, phải kể đến vai trò của các bác xe ôm - những TNV chữ thập đỏ. Sự nhanh nhẹn, am hiểu địa bàn và nhiệt tình của các bác tài đã góp phần cứu sống nhiều người đi đường. Đội xe ôm an toàn trên quốc lộ 1A từ cầu Nam Ô đến đèo Hải Vân thuộc phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) là một ví dụ.

Sau vài năm hoạt động, đội gồm 10 người chia thành 3 nhóm đã cấp cứu hơn 176 vụ tai nạn, trong đó có 19 ca chuyển viện, 32 ca sơ cấp cứu và chở đến trạm y tế, 125 ca bị thương nhẹ. Các anh cũng góp phần cùng công an bảo vệ hiện trường và tài sản người bị nạn, tham gia phân luồng xe, giúp cơ quan chức năng giải quyết nhanh các vụ có quy mô lớn. Có những trường hợp khi đang đón khách trên đường, gặp tai nạn, các anh cũng lập tức dừng lại sơ cấp cứu ban đầu cho nạn nhân và gọi xe cứu thương.

Anh Nguyễn Văn Lưu, Giám đốc Trung tâm huấn luyện sơ cấp cứu chữ thập đỏ Đà Nẵng cho biết, ghi nhận vai trò đóng góp của các đội sơ cấp cứu, trong 3 năm qua, Ban An toàn giao thông thành phố đã hỗ trợ huấn luyện sơ cấp cứu, trang bị túi sơ cứu cho TNV, dụng cụ y tế cho các tài xế xe ôm, xe taxi. Tiến tới xây dựng Thành phố an toàn - Đội lái xe an toàn, Hội Chữ thập đỏ cùng Ban An toàn giao thông thành phố bước đầu đã huấn luyện cho 25 tài xế của các hãng taxi Mai Linh và Tiên Sa về kỹ năng sơ cấp cứu cũng như cung cấp phương tiện xử lý các tình huống tai nạn trên đường.

Bài và ảnh: TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.