Trước đây, việc đặt bao cao su (BCS) trong nhà nghỉ, khách sạn được xem là tiếp tay cho gái mại dâm.
Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú hiện nay đều công khai đặt BCS, bởi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm giảm hại trong dự phòng lây nhiễm HIV của ngành y tế Đà Nẵng.
Tại các khách sạn 3 sao trở lên, dịch vụ cung cấp BCS cho khách đã không còn xa lạ. Tuy vậy, theo các cơ quan chức năng, quy định cho phép đặt BCS tại cơ sở lưu trú có vai trò đặc biệt quan trọng tại các nhà nghỉ nhỏ lẻ.
Không giấu diếm
Với chiều dài khoảng 12km, lâu nay, đường Nguyễn Tất Thành được người dân gọi vui là “con đường nhà nghỉ” bởi hơn trăm nhà nghỉ lớn, nhỏ san sát nhau. Tại nhà nghỉ bình dân M.Y, thay vì có thái độ dè chừng, bà chủ tên X. tỏ vẻ dễ chịu khi biết chúng tôi hỏi về BCS. Theo bà X., những người kinh doanh nhà nghỉ như bà không ai không trữ sẵn BCS nhưng đều phải giấu diếm, canh chừng “như phạm tội” vì sợ cơ quan chức năng phạt. Gần 3 năm trở lại đây, kể từ khi được thông báo cho phép đặt công khai BCS tại các cơ sở lưu trú, bà X. thở phào. “Cứ hết BCS thì tôi ra tiệm thuốc mua. Loại nào cũng có nhưng nói chung giá khá “mềm” vì khách đều là giới bình dân”, nói rồi bà X. mở tủ kính lấy ra một hộp khoảng 50 hộp BCS các loại.
Vào nhà nghỉ K.T cũng trên đoạn đường Nguyễn Tất Thành, dễ dàng thấy những hộp BCS được đặt ở quầy tiếp tân, bên ngoài ghi rõ 15.000 đồng/hộp. Anh T., nhân viên nhà nghỉ, cho biết ngoài đặt tại quầy, nhà nghỉ còn đặt BCS tại phòng nghỉ, phòng trường hợp khách quên mua.
Còn tại nhà nghỉ S.B (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), bên cạnh quầy lễ tân là Công văn số 2382/UBND-VX của UBND thành phố về việc thực hiện Thông tư liên tịch số 29/2013 giữa các bộ: Y tế, VH-TT&DL, Công an và LĐ-TB&XH, hướng dẫn thực hiện các biện pháp can thiệp giảm hại trong dự phòng lây nhiễm HIV bằng BCS tại các cơ sở, được ép plastic cẩn thận, gắn trên tường. Ông V.T, chủ nhà nghỉ, cho hay với công văn này, ông hoàn toàn yên tâm bởi đây là “bằng chứng” với các cơ quan chức năng.
“Lá chắn” ngăn chặn HIV
Trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 19 người bán dâm, trong đó có hồ sơ quản lý 8 người. Có tổng cộng 948 cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, cắt tóc…, với hơn 4.000 nhân viên nữ đang làm việc trong khu vực này. Năm 2014, toàn thành phố phát hiện 121 ca nhiễm HIV mới, 53 bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS, 8 trường hợp tử vong do AIDS. So với năm trước đó, tăng 3 trường hợp nhiễm HIV mới (tăng 2,54%), tăng 18 trường hợp bệnh nhân chuyển sang AIDS (tăng 51,4%) và giảm 4 trường hợp tử vong do AIDS (giảm 33,3%). Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng ghi nhận 1.788 trường hợp nhiễm HIV lũy tích (985 trường hợp là người Đà Nẵng). Trong đó, lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không an toàn - đường lây truyền chủ yếu - chiếm tới 62%.
Dựa theo Thông tư liên tịch số 29/2013, Đà Nẵng đã và đang tiến hành kế hoạch can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020. Trong đó, xác định BCS phải được các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú cung cấp cho khách hàng như một công cụ vệ sinh thông thường, tính vào đơn giá sử dụng dịch vụ hoặc bán cho khách hàng với hình thức, giá cả phù hợp, nhằm tạo sự thuận tiện và tế nhị cho khách hàng có nhu cầu sử dụng BCS.
Bà Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS (Sở Y tế), cho biết giai đoạn 2012-2013, Trung tâm đã thực hiện việc cấp phát BCS miễn phí cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn dưới sự tài trợ của các dự án phi chính phủ. Kể từ năm 2014 trở đi, các dự án ngừng triển khai.
Trong thời gian qua, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với Sở VH-TT&DL, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH) tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội nghị triển khai các quy định của Thông tư liên tịch đến lãnh đạo các quận, huyện, chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú. Được biết, trong thời gian đến, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS cùng Sở VH-TT&DL sẽ tổ chức hội nghị đánh giá tình hình và kết quả triển khai Thông tư liên tịch trên địa bàn.
BÌNH AN