Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đề xuất quy định Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong 4 trường hợp.
Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu không tín nhiệm có thể xin từ chức.
Theo chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII, sáng 21-5, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Theo dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn là một trong 7 hoạt động giám sát của Quốc hội (Điều 12).
Nhận quá nửa số phiếu không tín nhiệm có thể xin từ chức
Cụ thể hóa quy định trên, Điều 19, dự thảo quy định Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.
Thời hạn, thời điểm, trình tự lấy phiếu tín nhiệm đối với người được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm do Quốc hội quy định.
Về bỏ phiếu tín nhiệm, Điều 20 dự thảo quy định Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong 4 trường hợp: Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị; Có kiến nghị của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội tổng hợp trình Quốc hội; Có kiến nghị của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội; Người được lấy phiếu tín nhiệm mà có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá tín nhiệm thấp.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định: Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu không tín nhiệm có thể xin từ chức.
Trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội tín nhiệm.
Thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm
Về trình tự, thủ tục trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, Điều 36 dự thảo quy định hai trường hợp.
Thứ nhất, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm trong trường hợp người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định việc trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm theo trình tự, thủ tục sau đây: Thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội trình bày đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm; Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận; Cơ quan, tổ chức, cá nhân được mời tham dự phiên họp phát biểu ý kiến; Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn khi có ít nhất hai phần ba thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành.
Thứ hai, khi nhận được kiến nghị của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội hoặc kiến nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội về việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn hoặc người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.
Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét việc trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm theo trình tự, thủ tục sau đây: Đại diện cơ quan được Ủy ban thường vụ Quốc hội phân công báo cáo kết quả tổng hợp kiến nghị của đại biểu Quốc hội, kết quả lấy phiếu tín nhiệm hoặc đại diện Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có kiến nghị trình bày tờ trình; Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận về bảo đảm quy định của pháp luật trong việc thực hiện trình tự, thủ tục kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm; Cơ quan, tổ chức, cá nhân được mời tham dự phiên họp phát biểu ý kiến; Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua tờ trình Quốc hội về việc bỏ phiếu tín nhiệm.
HĐND bỏ phiếu tín nhiệm khi có kiến nghị của MTTQ
Bên cạnh đó, Điều 63 Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây: Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân; Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân.
Thời hạn, thời điểm, trình tự lấy phiếu tín nhiệm đối với người được Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm do Quốc hội quy định.
Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu trong các trường hợp sau đây (Điều 64): Có kiến nghị của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân; Có kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp; Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp”.
Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân bỏ phiếu không tín nhiệm có thể xin từ chức.
Trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người đã giới thiệu để Hội đồng nhân dân bầu chức vụ đó có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm người không được Hội đồng nhân dân tín nhiệm.
UBTVQH cho rằng với quy định như trên vừa đảm bảo tính hiệu lực đối với hoạt động lập pháp của Quốc hội khi vẫn duy trì hiệu lực của Nghị quyết số 85/2014/QH13 và vừa bảo đảm tính thống nhất của các quy định pháp luật đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Theo Chinhphu.vn