.

Những công nhân tận tụy với nghề

.

Gắn bó, tận tụy với nghề, những cán bộ, công nhân kỹ thuật đang làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do chính quyền và Công đoàn các cấp phát động.

Anh Ngọc (thứ 6, trái qua) nhận khen thưởng tại Hội nghị điển hình tiên tiến năm 2015.
Anh Ngọc (thứ 6, trái qua) nhận khen thưởng tại Hội nghị điển hình tiên tiến năm 2015.

Kết quả từ phong trào với những đề tài, sáng kiến, cải tiến được nghiên cứu và ứng dụng thành công đã mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.

Gương sáng Sức Trẻ

Với nhiệm vụ được giao là bảo trì, sửa chữa máy móc phục vụ sản xuất nên anh Nguyễn Thiện Ngọc, Tổ trưởng Tổ cơ điện, Công ty TNHH Sức Trẻ hiểu rất rõ những khó khăn của doanh nghiệp khi máy móc gặp sự cố. Do đó, trong quá trình làm việc phát hiện thấy những lô cao su của công ty khi bị hư hỏng phải gia công tại thành phố Hồ Chí Minh tốn rất nhiều chi phí và thời gian làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của cả dây chuyền, anh Ngọc đã tự tìm tòi, nghiên cứu và xây dựng ý tưởng chế tạo hệ thống mài lô tự động ngay tại công ty.

Được sự đồng thuận của Ban lãnh đạo công ty, sau hơn một tháng gia công, chế tạo, hệ thống máy mài lô tự động đã được nghiệm thu và đưa vào hoạt động, các lô cao su của công ty đã được gia công ngay tại chỗ giúp giảm chi phí gia công, chi phí vận chuyển, các vấn đề gặp phải khi thay thế thiết bị đã được khắc phục đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp. Chỉ tính riêng trong hai năm 2013, 2014 hệ thống máy mài lô do anh Ngọc chế tạo đã làm lợi cho công ty trên 450 triệu đồng.

Với những hiệu quả mà công trình mang lại, anh Ngọc đã được Ban lãnh đạo công ty, Công đoàn các cấp khen thưởng và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2014. Đây chính là động lực để bản thân anh Ngọc cũng như các công nhân, lao động đang làm việc tại Công ty TNHH Sức Trẻ tiếp tục thi đua sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển.

Gắn bó với 29-3

Sau khi tốt nghiệp Trường Công nhân kỹ thuật Nguyễn Văn Trỗi, năm 2002, anh Ngô Đình Tám về làm việc tại Công ty CP Dệt-may 29-3 với nhiệm vụ được phân công là làm cử, gá lắp cho các xí nghiệp may. Thời điểm bắt đầu công việc cũng là lúc công ty đang phát triển các đơn hàng mới với những đòi hỏi rất cao về kỹ thuật, nhất là chi tiết lưng quần của mặt hàng quần kaki. Được sự quan tâm hỗ trợ của Ban lãnh đạo và đồng nghiệp, anh Tám đã tìm tòi, nghiên cứu tự chế tạo và cùng tham gia chế tạo các loại cử lắp để hỗ trợ phục vụ sản xuất cho các xí nghiệp may, góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Tính bình quân mỗi năm anh Tám và đồng nghiệp đã chế tạo hơn 100 loại cử khác nhau, trong đó nhiều loại cử có độ phức tạp cao về kỹ thuật, với giá trị làm lợi ước tính khoảng 300 triệu đồng/năm. Nổi bật như: Giải pháp “Cụm cử 6 chi tiết cho đơn hàng Merona”, giải pháp “Cử dẫn lưng dùng cho đơn hàng New Merona”, giải pháp “Cụm cử 2 chi tiết dùng cho đơn hàng MOCS” (công trình đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2009).

Ngoài ra, hằng năm anh Tám còn có nhiều sáng kiến, chế tạo, cải tiến kỹ thuật mang lại hiệu quả cao cho các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp như: Chế tạo bàn đếm nút cho kho phụ liệu phục vụ sản xuất cho các xí nghiệp, làm tăng năng suất, giảm sức lao động cho nhân viên kho; thiết kế, chế tạo máy đục lỗ giấy cuộn để phục vụ cho máy cắt vải tự động tại xí nghiệp veston…

Một điều rất đáng quý ở anh Tám, đó là ngoài việc tự học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ tay nghề của bản thân, anh luôn mang kiến thức đã được đào tạo và những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình lao động thực tế tại đơn vị để giúp đỡ những đồng nghiệp nâng cao trình độ chuyên môn, phát triển các ý tưởng, sáng kiến nhằm nâng cao hiệu suất công việc.

Anh Tám tâm niệm: “Việc tăng năng suất bằng sức lao động hay bằng việc cải tiến thao tác người thợ chỉ ở giới hạn, muốn có sản phẩm chất lượng cao, chất lượng tốt để người lao động đỡ hao phí sức, để giá thành sản phẩm cạnh tranh được thì chỉ có con đường cải tiến máy móc, chế tạo nên một số loại cử tiêu biểu, có hàm lượng kỹ thuật chất lượng cao. Vì thế, trong suốt 13 năm gắn bó với Công ty CP Dệt may 29-3,  bản thân tôi luôn nỗ lực, vận dụng hết khả năng hiện có, biến những kiến thức mà bản thân đã tích lũy trở thành những sản phẩm hữu ích, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp”.

Bằng sự tận tụy, những công nhân kỹ thuật như anh Ngọc, anh Tám đã và đang tạo ra những lợi ích thiết thực cho đơn vị, doanh nghiệp, đồng thời góp phần tạo nên một “làn sóng” thi đua lao động sáng tạo trong CNVCLĐ toàn thành phố. Hy vọng, phong trào này sẽ được chính quyền và Công đoàn các cấp tiếp tục đẩy mạnh để ngày càng có nhiều hơn những “cây sáng kiến”, những tấm gương lao động sáng tạo.

NGHI XUÂN

;
.
.
.
.
.