Mô hình phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc của doanh nghiệp nhằm góp phần thay đổi cách nhìn và hành vi của cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Tuyên truyền phòng, chống HIV qua đường tình dục cho người lao động. |
Đó là một trong những hoạt động phối hợp của Liên đoàn Lao động và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng thời gian qua.
Khắc phục tâm lý e ngại
Tham gia những buổi truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, chị N.T.T.H (27 tuổi, quê Quảng Nam), công nhân Công ty TNHH điện tử Foster (gọi tắt là Công ty Foster) nói: “Lâu nay, tụi mình thường rất ngại khi nói đến chuyện “phòng the” nên nhiều lúc chưa có những biện pháp phù hợp trong quan hệ, nhưng bây giờ mình hiểu cần phải quan hệ tình dục an toàn và sử dụng bao cao su đúng cách để bảo vệ cho mình cũng như cho người yêu”.
Công ty Foster là đơn vị thí điểm triển khai chương trình truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc. Riêng trong năm qua, đã có 250 công nhân lao động của công ty tham gia các buổi truyền thông về vấn đề này. “Truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc góp phần xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, bảo vệ sức khỏe của người lao động, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”, ông Lê Duy Lương, Giám đốc nhân sự Công ty Foster cho biết.
Năm qua, Liên đoàn Lao động và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng đã tổ chức 3 lớp tập huấn về phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc cho cán bộ Công đoàn và cán bộ chuyên trách phòng chống HIV/AIDS ở các doanh nghiệp. Không chỉ vậy, hai đơn vị còn lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động trong việc thực hiện Đề án Xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn khu công nghiệp và khu chế xuất Đà Nẵng, với hơn 20 lớp tuyên truyền cho 5.000 lượt công nhân lao động.
Xây dựng môi trường làm việc lành mạnh
Tính đến tháng 2-2015, Đà Nẵng có khoảng 1.800 người nhiễm HIV, chiếm hơn 70% tổng số người nhiễm trên địa bàn thành phố trong độ tuổi lao động từ 20-39 tuổi. Bà Phạm Hoa Lê, Trưởng ban Tuyên giáo nữ công (Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng), cho biết mục đích chính của hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc là tuyên truyền để các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố không phân biệt đối xử, không kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS, không xét nghiệm HIV/AIDS bắt buộc khi tuyển dụng hoặc trong quá trình người lao động đang làm việc.
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện, cung cấp thông tin, giáo dục truyền thông HIV cho người lao động khi mới tuyển dụng cũng như định kỳ và lồng ghép các hoạt động văn hóa, thể thao, giáo dục sức khỏe. Đồng thời, các doanh nghiệp cần có chính sách hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, người sau cai nghiện ma túy tại nơi làm việc như chế độ ốm, điều trị, thăm hỏi...
Theo bà Lê, qua 3 năm triển khai công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố đã góp phần xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, bảo vệ sức khỏe của người lao động tại doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. “Kinh phí dành cho chương trình còn hạn chế nên số lượng các hoạt động tổ chức trong công nhân lao động chưa nhiều, chưa phong phú. Bên cạnh đó, các buổi truyền thông chủ yếu được tổ chức sau khi công nhân tan ca, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động. Việc tổ chức tuyên truyền hoàn toàn phụ thuộc vào thời gian sản xuất của công ty nên khá bị động. Điều đó dẫn đến việc huy động công nhân tham gia dự tuyên truyền ở nhiều nơi còn khó khăn”, bà Lê nói.
Làm sao để nhân rộng mô hình này khi các nguồn lực hỗ trợ từ dự án quốc tế cho điều trị HIV trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chấm dứt là vấn đề cần quan tâm. Bởi vậy, thời gian đến, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để ngày càng có nhiều hơn các đơn vị thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực hơn.
Bài và ảnh: P.TRÀ