.

Sẵn sàng dấn thân vì đại cuộc

.

Khi Thành ủy Đà Nẵng chủ trương nhấn mạnh yếu tố làm theo trong tiến trình triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì hoàn toàn không đồng nghĩa với việc coi nhẹ thậm chí bỏ qua yếu tố học tập các tấm gương đạo đức ngời sáng của Người.

Thực ra chỉ có thể làm theo một tấm gương cao đẹp nào đó sau khi đã hiểu biết tường tận - tức sau khi đã học tập thấu đáo - về tấm gương ấy. Có điều Thành ủy Đà Nẵng mong muốn cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố không dừng ở chỗ biết - mặc dầu chỉ biết thôi cũng có tác dụng tăng thêm lòng kính yêu tôn quý một vĩ nhân như Hồ Chủ tịch - mà còn phải làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Như vậy ở đây yếu tố làm theo đã bao hàm cả yếu tố học tập và có thể khẳng định làm theo là học tập ở mức độ cao, theo đúng nguyên lý học đi đôi với hành.

Chính vì thế mà trong tiến trình triển khai sinh hoạt chính trị quan trọng này ở Đà Nẵng, hầu như rất ít thậm chí không có trường hợp đứng trước công chúng để kể lại một hay một số ứng xử đạo đức mẫu mực của Bác Hồ - như là kết quả học tập, mà phổ biến là những trường hợp đứng trước công chúng kể lại một hay một số ứng xử đạo đức của bản thân được cho là noi gương cách ứng xử của Người - như là kết quả làm theo.   

Hoạt động tại Hội thi tuyên truyền về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2015 do Thành ủy Đà Nẵng tổ chức.
Hoạt động tại Hội thi tuyên truyền về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2015 do Thành ủy Đà Nẵng tổ chức.

Bản thân cụm từ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với hai chữ tấm gương đã hàm chứa một phương pháp rất căn bản để cuộc vận động chính trị này đạt kết quả như mong đợi: phương pháp nêu gương. Ở đây, người đầu tiên trở thành tấm gương và rất xứng đáng nêu gương về đạo đức chính là Bác Hồ, và theo lý thuyết thì khi học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, đảng viên phải nêu gương cho quần chúng ngoài Đảng, cấp ủy phải nêu gương cho đảng viên, bí thư cấp ủy phải nêu gương cho cấp ủy, cấp ủy cấp trên phải nêu gương cho cấp ủy cấp dưới.

Phương pháp nêu gương không mới, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã có câu nói mang màu sắc dân gian: Đảng viên đi trước làng nước theo sau, hoặc ngay trong trường học ngày nay cũng đề cao khẩu hiệu hành động: Mỗi thầy giáo/cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo, và cách nêu gương từ trên xuống càng không mới, bởi từ rất xa xưa ông cha ta đã khẳng định Thượng bất chính hạ tắc loạn, rồi nhắc nhở con cháu coi chừng Nhà dột từ nóc… Địa phương/cơ quan/đơn vị nào mà sinh hoạt chính trị này chuyển biến rõ nét, kết quả nhãn tiền thì chắc chắn ở đó cấp ủy và người đứng đầu đã thực sự nhập cuộc/mẫu mực nêu gương, và ngược lại…

Đạo đức Hồ Chí Minh chủ yếu là đạo đức cách mạng mà trọng tâm là các ứng xử đạo đức công vụ. Cho nên cái lớn lao nhất trong tấm gương đạo đức của Người là phẩm chất chí công vô tư, vì đại cuộc, vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta và của Đảng ta. Thế nhưng cái lớn lao ấy trong đạo đức Hồ Chí Minh bao giờ cũng bắt đầu từ những điều rất nhỏ, rất đời thường. Có một chị đảng viên người Đà Nẵng kể rằng hồi còn bé sống ở Hà Nội, chị may mắn gặp Bác Hồ mấy lần trong Phủ Chủ tịch do được tham gia đoàn thiếu nhi Thủ đô cùng Bác tiếp khách quốc tế. Lúc ra về lần nào Bác cũng đều cho mỗi cháu thiếu nhi một gói kẹo kèm theo lời dặn dò rằng về nhà phải chia kẹo cho các bạn hàng xóm hay cùng khu tập thể.

Đối với chị, đó là bài học đầu tiên về đạo đức Hồ Chí Minh mà chị hồn nhiên thu hoạch được: sống phải biết vì cái chung, không nên tự tư tự lợi chỉ biết có phần mình, và với bài học đầu tiên được Bác trực tiếp bảo ban như vậy, chị đã làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mấy chục năm nay - từ thuở ấu thơ cho đến tận bây giờ. Trong ứng xử đạo đức công vụ, hiện tượng chạy theo lợi ích nhóm, lợi mình hại người, làm ảnh hưởng tới sự phát triển của địa phương/cơ quan/đơn vị thực chất là làm trái với tấm gương chí công vô tư của Bác Hồ.

Như vậy có thể nhận ra hai trở lực lớn khiến việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chưa đạt kết quả như mong đợi: một là có nơi có lúc cấp ủy và người đứng đầu không thực sự nhập cuộc, tự cho mình cái quyền đứng trên/đứng ngoài cuộc vận động chính trị này và nguy hiểm hơn là thiếu mẫu mực nêu gương; hai là có nơi có lúc còn có hiện tượng làm trái tấm gương đạo đức của Bác Hồ, nghiêm trọng đến mức Trung ương phải xem đấy là một trong những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...” (Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, tháng 1 năm 2012).

Nhận định rất trung thực về chính trị nêu trong nghị quyết đã cụ thể hóa cả hai trở lực nêu trên. Và khi đã có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý không những không nêu gương tốt mà còn nêu gương xấu thì việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác chưa đạt kết quả như mong đợi cũng là điều dễ hiểu.   

Đó là chưa kể biểu hiện mê tín dị đoan ngay trong khi chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị… -  chẳng hạn đến chùa không phải để giảm stress trong công vụ mà là để cầu xin cái mà nhà Phật không bao giờ có và vì thế chẳng thể nào cho, như là giàu sang/quyền chức… - không chỉ xa lạ với đạo đức Hồ Chí Minh mà còn xa lạ với Phật giáo chính tín. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đề ra giải pháp đầu tiên trong nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị/tư tưởng là tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW, tháng 5 năm 2011 của Bộ Chính trị, tập trung lãnh đạo/chỉ đạo việc làm theo gương Bác (đúng như chủ trương nhấn mạnh yếu tố này của Thành ủy Đà Nẵng) một cách thiết thực hiệu quả.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà Chỉ thị số 36-CT/TW, tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng lại yêu cầu: “Báo cáo chính trị của đảng bộ phải (…) gắn kiểm điểm việc lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đảng bộ với thực hiện (…) Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng và việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…

Với yêu cầu không thể khác ấy, Trung ương muốn kết nối nội dung nghị sự với công tác nhân sự của Đại hội Đảng bộ các cấp và của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nói cách khác, kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và kết quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ là những câu chữ có cánh nhằm nâng cao độ hùng hồn và tính trung thực trong báo cáo chính trị, mà còn là và chủ yếu là tiêu chí để đánh giá năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy đương nhiệm, cũng như để lựa chọn bầu người tài đức vào cấp ủy khóa tới.

Cấp ủy viên khóa tới từ Trung ương đến cơ sở phải là những người đi đầu trong việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, luôn chí công vô tư, sẵn sàng dấn thân vì đại cuộc, sẵn sàng lao tâm khổ tứ vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta và của Đảng ta. Lựa chọn cho đúng những người thực sự tài đức trong Đại hội Đảng bộ các cấp kể cả cấp Trung ương cũng chính là làm theo tấm gương đạo đức của Người, hết sức tránh tình trạng đáng buồn trong công tác cán bộ là người được làm thì làm không được, còn người làm được thì không được làm. Lãng phí người tài đức - để cho những người làm được lại không được làm - là loại lãng phí xa lạ hơn cả với đạo đức Hồ Chí Minh!

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.