.

Tìm giải pháp cho mái che

.

Sau 4 tháng triển khai “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” người dân đồng thuận tháo dỡ dù bạt, mái che trên các tuyến đường trọng điểm, đem lại bộ mặt đô thị thoáng đãng, sạch, đẹp. Nhưng cũng từ đây phát sinh một thực tế khác...

Mặt phố chuyên doanh Lê Duẩn đang xuất hiện nhiều kiểu che nắng nhếch nhác.
Mặt phố chuyên doanh Lê Duẩn đang xuất hiện nhiều kiểu che nắng nhếch nhác.

Tái diễn những hình ảnh không đẹp

Trước đây, trên nhiều tuyến đường trung tâm thành phố, các hộ kinh doanh lắp đặt đủ loại mái che bằng bạt trước nhà, làm mất mỹ quan đô thị, tạo những hình ảnh không đẹp. Vì vậy, theo chủ trương của thành phố, các địa phương đã vận động người dân tháo dỡ dù bạt, mái che trên nhiều tuyến đường trọng điểm. Riêng quận Hải Châu đã tháo dỡ hơn 1.700 dù bạt, mái hiên ở 10 tuyến đường. Đáng ghi nhận là phần lớn người dân tự nguyện tháo dỡ.

Thế nhưng, thời gian gần đây, khi thời tiết nắng nóng kéo dài, trên các tuyến đường này lại xuất hiện nhiều cảnh không đẹp mắt. Người dân tìm cách che chắn, “né” cái nóng cho các gian hàng bằng những tấm bạt, ni-lon, vải nhếch nhác, tạm bợ. Anh Minh Lộc, chủ tiệm kinh doanh đồ sành sứ trên đường Lê Duẩn, cho biết gia đình anh kinh doanh ở đây đã gần 30 năm.

“Từ ngày tháo dỡ mái che, cứ tầm từ 13-15 giờ thì ở đây nắng chịu không nổi. Nắng len sâu trong quầy, cả người lẫn hàng hóa không biết “trốn” đi đâu. Mấy mặt hàng sành sứ này coi vậy mà kém chịu nắng mưa lắm. Nhìn sơ sơ không thấy nhưng người trong nghề thì nhận ra ngay. Nào là bạc màu, cốt sành sứ dễ giòn vỡ hơn trước... Người mua cũng ngại ghé quầy vì nắng nóng, chỗ để xe bất tiện”, anh Minh Lộc nói.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều khu vực không có cây xanh che mát, nắng nóng kéo dài cả ngày, việc kinh doanh của người dân đều ít nhiều bị ảnh hưởng. Vào mùa mưa, việc kinh doanh của các hộ dân cũng sẽ không khác mấy. Chị Thục Quyên, chủ tiệm kinh doanh quần áo trên đường Lê Duẩn, cho biết: “Nắng lo chạy nắng, mưa có nỗi khổ của mưa. Nhất là những ngày mưa to, chúng tôi có che chắn kiểu gì thì nước mưa cũng tạt tung tóe khắp cửa hàng. Hàng nhiều, sấy không hết, chuyển ẩm mốc, hư hỏng là không tránh khỏi”.

Khó chọn giải pháp tối ưu

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Anh - Chủ tịch UBND quận Hải Châu - cho rằng quy hoạch lại bạt che đồng bộ trên từng tuyến đường là giải pháp cần thiết tại thời điểm này. Tuy nhiên, để đưa ra một phương án tối ưu cho tất cả các tuyến đường là chuyện không dễ.

Quận Hải Châu đang vận động người dân tự khắc phục (cần bảo đảm làm sao cho đẹp mắt), nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. “Rất cần một giải pháp hợp lý, kịp thời cho hệ thống mái che tại các tuyến đường chính, trước khi nhiều mái che “đủ kiểu” mọc lên tràn lan và việc lập lại trật tự khó khăn hơn”, ông Lê Anh nói.

Trong khi đó, đại diện Viện Quy hoạch thành phố (Sở Xây dựng) - đơn vị được giao tham mưu cho thành phố mô hình mái che phù hợp cho biết, họ cũng đang “đau đầu” tìm kiếm những mô hình mái che tiên tiến trong, ngoài nước. “Nhưng mỗi nơi mỗi khác, mỗi con đường có một mục đích sử dụng khác nhau nên rất khó để đưa ra một đáp số chung”, vị đại diện này phân tích.

Câu chuyện lập lại trật tự mỹ quan đô thị, trong đó chấn chỉnh tình trạng nhếch nhác từ dù bạt, mái che được đánh giá là cách làm quyết liệt, hiệu quả của thành phố Đà Nẵng. Trong đó, phải kể đến sự đồng thuận của nhân dân. Thực tế, khi vấn đề cũ được giải quyết, trật tự mới được thiết lập thì vấn đề khác lại nảy sinh. Ngay lúc này, người dân thành phố đang trông chờ một giải pháp tối ưu, kịp thời từ cơ quan quản lý Nhà nước.

Bài và ảnh: THANH TÂN

;
.
.
.
.
.