.
Từ hành lang quyết thắng đến đường thắng lợi

Những chiến công xuất sắc

.

Truyền thống anh hùng

Tháng 5 năm 1965, do yêu cầu phục vụ chiến đấu, Hội đồng cung cấp tiền phương được thành lập và đến năm 1968, Ban giao vận Quảng Đà tiếp tục nhiệm vụ: Xoi, mở các tuyến giao thông, các tuyến đường thồ, các tuyến hành lang Quyết Thắng (từ Đại Lộc xuống Duy Xuyên, Điện Bàn, khu 3 Hòa Vang); hành lang cánh Bắc Hòa Vang xuống các vùng ven đô để vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược, lương thực…; chuyển quân, tải thương phục vụ các chiến dịch với quy mô ngày càng lớn, mức độ ác liệt, hy sinh ngày càng cao; xây dựng và bảo vệ hệ thống kho tàng, các bến đò ngang, dọc; chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi bị địch càn quét và phục kích nhằm bảo toàn lực lượng.

Những năm 1965 - 1968, chiến trường Quảng Đà đặt ra cho lực lượng cung cấp tiền phương phải xây dựng những “con đường giữa lòng dân”, những tuyến giao liên của những bà mẹ, em bé ngày làm ăn lam lũ, đêm đến thành chiến sĩ gan dạ, đưa cán bộ vào vùng địch tạm chiến, chuyển đi những mệnh lệnh của cấp trên và chuyển về những gùi vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc men…, tổ chức vận chuyển nhiều chuyến hàng quan trọng, trong đó chủ yếu là vũ khí bộ binh, đạn DKB… khiến quân thù khiếp sợ, cơ động tấn công các cứ điểm quan trọng của địch.

Khi bộ đội ta giải phóng nhà lao Hội An, dưới làn đạn gắt gao của địch, lực lượng cung cấp tiền phương đã chuẩn bị chu đáo, đón an toàn hơn 600 anh em tù chính trị, tổ chức vượt qua Xuyên Nghĩa về vùng giải phóng an toàn.

Nhiệm vụ đưa bộ đội sang sông, đưa các đoàn cán bộ tiếp cận các ấp chiến lược, đón các gùi hàng về căn cứ luôn căng thẳng nhất. Nhận nhiệm vụ chuẩn bị nhiều phương tiện phục vụ đánh vào quận lỵ Hiếu Nhơn, anh em đã tập kết nhiều thuyền để đưa bộ đội vượt Cẩm Thanh, đúng giờ G đồng loạt nổ súng; bị địch phát hiện, đã dũng cảm, khôn khéo dùng những thuyền máy lai dắt nhanh và rút về hậu cứ, địch không trở tay kịp.

Trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Ban Giao vận Quảng Đà đã huy động một lượng lớn phương tiện thủy bộ, vượt qua các cứ điểm của địch vận chuyển nhiều tấn vũ khí và hàng hóa các loại, huy động hơn 1.600 dân công làm đường, hơn 200 thanh niên bổ sung cho các hành lang, gần 350 thanh niên cho lực lượng vũ trang. Kiên cường và dũng cảm là tấm gương anh Bhnước Bhuếch, người dân tộc Cơtu bị mù hai mắt vẫn miệt mài tham gia vận chuyển vũ khí cho cách mạng. Các phương án tải thương, tải đạn được phối hợp nhịp nhàng, chuẩn bị đầy đủ, góp phần Tổng tấn công Tết Mậu Thân làm cho kẻ địch khiếp sợ.

Tháng 5-1968, Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà quyết định chuyển lực lượng nòng cốt của Hội đồng cung cấp tiền phương để thành lập Ban Giao vận Quảng Đà với yêu cầu cơ động hơn, tập trung củng cố các hành lang, các đội vận tải, các bến đò, các kho tàng, bến bãi, các trạm tải thương... Từ hành lang Quyết Thắng (A1) tại vùng núi Đại Lộc, mở rộng phục vụ ra Đông Nam và khu vực Hội An, tổ chức thêm hành lang Hòa Bình (A2) tại núi Hòn Tàu.

Những năm 1969-1970 là thời điểm ác liệt nhất của chiến trường Quảng Đà, địch tổ chức các trận càn đẫm máu, dồn dân vào các ấp chiến lược, thực hiện “tát nước, bắt cá” cách ly dân với cách mạng. Ở vùng giải phóng, Mỹ-ngụy thực hiện chính sách “tam quang”: “đốt sạch, giết sạch, phá sạch”, cày ủi thành vùng trắng, cắt các đường tiếp tế, thường xuyên phục kích đánh phá khiến cho các lực lượng của ta nói chung và giao vận nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Bom đạn, chất độc hóa học kèm theo đói và sốt rét rừng hoành hành dữ dội. Có lúc anh em vừa kiếm rau rừng, củ rừng để qua bữa, vừa sẵn sàng chiến đấu.

Trước tình hình khó khăn đó, Đặc khu ủy Quảng Đà đặt ra nhiệm vụ: bằng mọi phương thức, Ban Giao vận và hậu cần Mặt trận 4 phải xoi thông đường, tổ chức vận chuyển gạo, mắm, muối … tiếp tế kịp thời cho lực lượng của ta. Để phá thế bao vây, Tổng đội Thanh niên xung phong Nguyễn Văn Trỗi ra đời với biên chế như một lực lượng bán vũ trang bổ sung những chiến sĩ trẻ đầy nhiệt huyết cho các tiểu đội, trung đội, tiểu đoàn để sẵn sàng chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ.

Ngày 27-1-1973, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris, lập lại hòa bình ở miền Nam. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Mỹ, ngụy quyền âm mưu phá hoại hiệp định, thực hiện kế hoạch tràn ngập lãnh thổ, giành dân xóa thế “da báo”, lấn chiếm vùng giải phóng… Lực lượng vũ trang của Ban Giao vận luôn ở tuyến trước vừa giữ vững mạch máu giao thông, vừa bạt núi, mở rộng đường thồ, đường ô-tô nối với đường Hồ Chí Minh, khôi phục đoạn đường 14 (Giằng, Thạnh Mỹ), tu sửa trên nhiều kilomet đường liên huyện, xã… đưa vũ khí, lương thực cất giấu ở các kho, chuẩn bị cho bộ đội đánh lớn.

Chiến trường ngày đêm khẩn trương và thúc giục, ngày 22-4-1973, Công trường Thắng Lợi mà nòng cốt là Tổng đội Thanh niên xung phong Nguyễn Văn Trỗi được giao nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và huy động mọi lực lượng mở nhanh các tuyến đường cơ giới chuẩn bị giải phóng Nông Sơn - Thượng Đức, tiến đến giải phóng Đà Nẵng. Lúc này, Ban Giao vận Quảng Đà được tăng cường; nhiều cán bộ ra miền Bắc chữa bệnh, học tập vượt Trường Sơn về tham gia chiến đấu; bổ sung những kỹ sư, kỹ thuật viên cầu đường được đào tạo ở miền Bắc XHCN trong số trí thức, sinh viên các trường đại học ở Hà Nội hưởng ứng phong trào “3 sẵn sàng”, “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu” và lực lượng cơ giới tăng cường của Ban Giao vận Khu 5. Giữa chiến trường ác liệt, khẩn trương đó, lực lượng cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên cầu đường mới ngày nào còn ngồi trên ghế giảng đường đại học đã nhanh chóng hòa mình vào cuộc chiến đấu, góp phần mở thông các tuyến đường, tổ chức vận chuyển, cất giấu an toàn súng đạn, lương thực... Ban Giao vận tiếp tục chuyển vũ khí, đạn dược và lương thực từ Thạnh Mỹ về khe Bàu (xã Đại Sơn), đào hầm cất giấu ngay trước mũi quân thù.

Trong 2 năm 1973-1974 và đầu năm 1975, vượt qua mọi gian khó, thiếu thốn, bằng ý chí và sức người là chính, Ban Giao vận Quảng Đà đã mở nhiều tuyến đường quan trọng để phục vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực. Từ chiến dịch giải phóng Nông Sơn, Thượng Đức đến chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, ở đâu khó khăn, nơi đó có lực lượng giao vận.

Những chiến công lặng thầm

Trải qua một chặng đường thử thách cam go, dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện “đói cơm, lạt muối” và những cơn sốt rét rừng, với truyền thống “chân đồng, vai sắt”, cán bộ, chiến sĩ cung cấp tiền phương, Ban Giao vận Quảng Đà mà phần đông là chiến sĩ nữ, đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ tại những thời điểm ác liệt, gian khổ, hy sinh nhất. Đó là:

Từ hành lang Quyết Thắng đến hành lang Hòa Bình, các tuyến giao liên ngang dọc…, lực lượng cung cấp tiền phương và sau này là Ban Giao vận đã huy động hàng trăm thuyền lớn nhỏ cùng với nhiều bến đò đã tổ chức vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược, lương thực…, đưa đón hàng nghìn thương-bệnh binh từ các chiến trường về căn cứ để chăm sóc, điều trị; dẫn đường hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, nhân dân qua lại các bến đò. Trong nhiều chảo lửa của chiến trường Quảng Đà lúc ấy, bến đò Phú Thuận (Đại Cường, Đại Lộc) do Tiểu ban giao thông đảm nhận luôn là một địa điểm thử thách ý chí kiên cường và bản lĩnh gan dạ, khôn khéo lúc ẩn, lúc hiện dù hy sinh không ngày nào rời bỏ vị trí chiến đấu.

Khi địch dùng B52 rải thảm vùng A, B Đại Lộc, Điện Bàn, lực lượng giao vận Quảng Đà bị tổn thất nặng nề, nhưng dù hy sinh, hàng tấn đạn DKB vẫn được vận chuyển về vùng ven đò để phục vụ các lực lượng vũ trang. Địch phát hiện hành lang đã tổ chức hơn 20 tiểu đoàn càn quét ngăn chặn. Các chiến sĩ giao vận đã khôn khéo bí mật chôn cất tại Điện Chính, Điện Tân và lợi dụng thời cơ chỉ sau 1 đêm đã mở đường máu vượt quốc lộ 1 đưa toàn bộ vũ khí, đạn dược về Điện Nam, Hòa Xuân, Hòa Hải để lực lượng pháo binh trút lửa vào sân bay Đà Nẵng, kho xăng Liên Chiểu tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Khi chuyển hàng từ hậu cứ xuống Điện Sơn, đến giáp Hòa Tiến bị địch phát hiện dùng máy bay trực thăng quần đảo, bắn phá, làm 40 chiến sĩ giao vận và dân công hy sinh. Dưới bom đạn của kẻ thù, lực lượng vận tải và dân công hỏa tuyến vẫn kiên cường, dũng cảm, tiếp tục đưa hàng đến vị trí tập kết.

Nòng cốt là đội dân công hỏa tuyến Điện Bàn cùng lực lượng giao vận dẫn đường đã âm thầm vận chuyển nhiều phiến đá quý Non Nước luồn qua các cứ điểm của địch, theo đường dây 559 để vận chuyển ra Bắc. Cùng lúc đó, với sự chỉ huy quyết đoán của ông Phạm Đức Nam, Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà, lực lượng Đội 3 mà hầu hết là anh em người dân tộc Cơtu và một số thợ xẻ gỗ huy động từ đồng bằng, khẩn trương mở đường, tổ chức khai thác nhiều khối gỗ quý ở rừng núi Nam Giang, Tây Giang, tập kết về ngầm A Vương để bộ đội vận tải Trường Sơn chuyển ra Bắc. Đá và gỗ quý mang theo tấm lòng của người dân đất Quảng góp phần cùng cả nước xây Lăng Bác Hồ. Đó cũng là ý chí và tình cảm của Giao vận Quảng Đà gửi gắm niềm thương yêu đến Bác Hồ kính yêu và hậu phương lớn miền Bắc.

Trong một chuyến đưa thương binh về căn cứ dọc sông Thu Bồn không kịp trước khi trời sáng, phải đưa vào vùng trắng thuộc xã Lộc Thành, Lộc Sơn (Đại Lộc) cất giấu, địch từ Đức Dục tràn qua, lực lượng giao vận lúc này đã được trang bị vũ khí phối hợp với du kích địa phương chiến đấu bảo vệ trọn vẹn thương binh và góp phần diệt nhiều tên địch, trong đó có chiến sĩ giao vận được thưởng Huy chương Giải phóng hạng nhì và danh hiệu “Dũng sĩ cấp ba”.

Trong chiến dịch Nông Sơn - Trung Phước (tháng 7-1974), chiến dịch Thượng Đức (tháng 8-1974), lực lượng giao vận luôn có mặt ở tuyến trước bảo đảm giao thông vận chuyển vũ khí, đưa bộ đội áp sát trận địa tấn công tiêu diệt và làm chủ hoàn toàn cứ điểm Thượng Đức mở cửa ngõ tiến về Đà Nẵng.
Với phương châm “bí mật, bất ngờ”, cùng nhiều lực lượng mà nòng cốt là giao vận hoàn thành nhiều nhiệm vụ, điển hình là: đường Thạnh Mỹ - Bến Giằng nối đường Trường Sơn đến vùng giải phóng Quảng-Đà; đường Thắng Lợi từ Đông Trường Sơn xuống dốc Vắt, băng qua Thọ Lâm xuống Đại Lộc nhằm vào Thượng Đức, đưa pháo hạng nặng vào các điểm cao và bộ binh áp sát trận địa giải phóng Thượng Đức; đường Quyết Thắng từ BloBền (Đông Giang), một nhánh vượt dốc Ngật nối Hà Tân, nhánh thứ hai vượt qua sông Côn, sông Vàng theo dốc Kiền thẳng tiến hướng về Đà Nẵng; đường Khe Hoa từ ngã ba Thắng Lợi xuống Khe Hoa thọc sâu vào sườn Tây Nam chi viện cho lực lượng giải phóng Thượng Đức.

 Những phần thưởng của Nhà nước dành cho Ban Giao vận Quảng Đà 

10 Huân chương Giải phóng, 2 Huân chương Quyết thắng, 2 Huân chương Chiến công và trên 500 Huân, Huy chương kháng chiến các loại cho cá nhân cùng  phần thưởng cao quý là danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tiếp tục và ghi nhận những chiến công đặc biệt xuất sắc của lớp lớp thế hệ Giao vận Quảng Đà.

Nguyễn Đăng Lâm

Trưởng Ban Liên lạc cán bộ, chiến sĩ Ban Giao vận Quảng Đà

 
;
.
.
.
.
.