LTS: Dịp kỷ niệm ngày 30-4 vừa qua, một vấn đề được các phương tiện truyền thông và dư luận xã hội rất quan tâm là hòa giải, hòa hợp dân tộc. Ông Vũ Ngọc Hoàng, phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương có cuộc trao đổi với báo Tuổi Trẻ về chủ đề trên (Tuổi Trẻ 23-4-2015). Ông cho biết, chủ trương hòa hợp dân tộc đã có từ trước ngày 30-4 và “rất tiếc là về sau có nơi, có lúc có việc thực hiện không nhất quán”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An có bài viết tiếp tục trao đổi về vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc. Báo Đà Nẵng xin giới thiệu với bạn đọc.
Cách mạng Việt Nam từ năm 1945 đến 1975 có đặc điểm là mỗi giai đoạn phát triển của cách mạng được ghi dấu bởi những thắng lợi có ý nghĩa bước ngoặt, bên chiến thắng trở thành lực lượng cầm quyền, kiểm soát lãnh thổ, triển khai pháp luật và các chính sách vì lợi ích của mình và của dân tộc.
Trong cơ hội ngàn năm có một, hồng quân Liên Xô chiến thắng phát-xít Đức, đè bẹp quân phiệt Nhật, cách mạng tháng Tám đã thành công. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tập hợp trong Mặt trận Việt Minh, nhân dân ta đã xóa bỏ chế độ thực dân đô hộ, quật nhào chế độ phong kiến nhà Nguyễn. Chỉ trong vòng 3 tuần lễ, chính quyền cách mạng được thiết lập trên toàn quốc hầu như không đổ imáu (chỉ có một vài nơi vì manh động tự phát đã có một số vụ hành quyết đáng tiếc).
Hồ Chủ tịch đã nhận xét: “có một điều chúng ta đáng mừng là cách mạng Việt Nam đã có một ưu điểm so với cách mạng các nước Nga, Tàu, Pháp. Cách mạng ở đâu cũng phải đổ máu nhiều, có nước phải chặt đầu vua, có nước đồng bào chia đảng phái, chém giết nhau trong bao nhiêu năm. Nước ta vua tự thoái vị, các đảng phái không có mấy. Trong một thời gian ngắn, các giai cấp đoàn kết thành một khối. Muôn dân đoàn kết để mưu hạnh phúc chung là nước được độc lập và chống được giặc xâm lăng, đuổi bọn thực dân tham ác ra ngoài bờ cõi” (8-10-1945).
Người đích thân mời hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn làm cố vấn cho chính quyền cách mạng. Sau một thời gian ở Hà Nội, được sự chăm sóc gần gũi của Hồ Chủ tịch, cố vấn Vĩnh Thụy viết thư về cho mẹ, bà Từ Cung, có khoe: “Được cụ Hồ thương yêu như con”. Sau này, ông Vĩnh Thụy trở lại làm tay sai cho Pháp thì đó là “do người phụ ta, chứ ta không hề phụ người”.
Người cũng đã mời nhiều quan lại cao cấp của nhà Nguyễn và nhiều nhân sĩ trí thức nổi tiếng như Khâm sai Phan Kế Toại, Thượng thư Bùi Bằng Đoàn, Thượng thư Đặng Văn Hướng…, các vị Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Tố, Phan Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên… ra nhận những trọng trách trong chính quyền cách mạng.
Với chiến thắng Điện Biên Phủ, kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Hiệp định Genève được ký kết. Đất nước tạm thời chia làm 2 miền. Hai bên thực hiện chuyển quân tập kết. Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Miền Nam trở thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Trong lúc miền Nam không ngớt tuyên truyền lấp sông Bến Hải, đẩy mạnh quốc sách tố cộng, diệt cộng thì Hồ Chủ tịch tuyên bố “Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình thống nhất, độc lập dân chủ thì dù người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ” (10-1-1955).
Tại Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Người lại khẳng định “chúng ta đoàn kết tất cả những người yêu Tổ quốc, yêu hòa bình, không phân biệt họ thuộc đảng phái nào, tôn giáo nào, tầng lớp nào, và quá khứ họ đã hợp tác với phe nào”.
Chính với tinh thần đó, hầu hết viên chức, binh sĩ, sĩ quan của chính quyền và quân đội thân Pháp ở Hà Nội, Hải Phòng và miền Bắc đã ở lại, tiếp tục làm việc và sinh sống với cách mạng.
Bác sĩ Trần Văn Lai được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Giáo sư tiến sĩ Vũ Như Canh, em ruột Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, người có mặt ở Dinh Độc Lập bên cạnh tướng Dương Văn Minh những giờ phút cuối cùng của chính quyền Sài Gòn là những minh chứng.
Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm do Mỹ tạo nên đã phá hoại Hiệp định Genève sau 2 năm không có hiệp thương, không có tổng tuyển cử như đã ký kết chỉ có giết chóc khủng bố.
Qua 5 đời tổng thống, Mỹ đã tiến hành nhiều chiến lược chiến tranh: chiến tranh một phía, chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, chiến tranh Việt Nam hóa. Chúng đã đưa vào miền Nam hơn nửa triệu quân, sử dụng một khối lượng khổng lồ những vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại nhất, thành tựu cao nhất của một nền kinh tế kỹ thuật hàng đầu thế giới, chúng đã dùng cả chất độc da cam và những thủ đoạn hủy diệt đầy tội ác. Chúng còn lợi dụng quan hệ với các nước lớn để gây áp lực buộc Việt Nam chấp nhận một hiệp định hòa bình với những điều kiện bất lợi. Nhưng tất cả vẫn không giúp chúng tìm ra lối thoát. Mỹ đã phải chấp nhận đàm phán ở Paris suốt 4 năm 8 tháng 16 ngày để có một sự rút lui trong danh dự.
Chiến tranh Việt Nam không kết thúc với Hiệp định Paris. Nhưng những nguyên tắc mà Hiệp định Paris long trọng thừa nhận: Mỹ tôn trọng độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Mỹ và các nước phe Mỹ rút hết quân trong thời hạn 30 ngày đã tạo thế và lực cho quân dân ta bền bỉ chiến đấu trong hơn 2 năm và cuối cùng tiến công và nổi dậy thần tốc chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Cuộc chống Mỹ cứu nước của chúng ta là cuộc chiến tranh chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc. Đúng như Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ “Nước Việt Nam ở cách xa nước Mỹ hàng ngàn dặm. Nhân dân Việt Nam không hề động chạm đến nước Mỹ. Nhưng trái với lời cam kết của đại diện chính phủ Mỹ tại Hội nghị Genève năm 1954, chính phủ Mỹ đã không ngừng can thiệp vào miền Nam Việt Nam, chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới. Từ hơn 2 năm nay, chính phủ Mỹ còn dùng hải quân và không quân đánh phá nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, một nước độc lập có chủ quyền”. Chúng ta ai cũng biết đây là cuộc chiến tranh kéo dài mấy thập kỷ, vô cùng khốc liệt, trải rộng hầu như khắp nước, cuốn vào guồng máy chiến tranh hàng triệu gia đình nếu không nói là tất cả, mấy thế hệ.
Mỹ đã phi Mỹ hóa, Việt Nam hóa chiến tranh, họ không che giấu những toan tính đáng lên án như thay màu da xác chết, cùng với sự trang bị một khối lượng lớn bom đạn vũ khí, tiền bạc họ đã có những âm mưu thủ đoạn tuyên truyền và chiến tranh tâm lý hiểm độc đối tượng chính là quân lực Việt Nam cộng hòa.
Chúng ta khẳng định các chiến sĩ lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam, miền Nam cũng như miền Bắc đã chiến đấu với lòng yêu nước nồng nàn và ý thức sâu sắc về trách nhiệm với dân, với nước. Nhưng chúng ta cũng không thể nói những sĩ quan, binh lính của chế độ Sài Gòn chỉ có não trạng của những người lính đánh thuê bị cưỡng bức, lường gạt. Có thể với họ lúc đầu phần nhiều là như thế, nhưng rồi được giáo dục và qua trải nghiệm thực tế họ cũng có chừng mực nào đó sự tự giác.
Chính vì thế, nhìn lại cuộc chiến đúng như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhận xét với nhiều trăn trở, tâm huyết “chiến thắng của chúng ta là vĩ đại nhưng chúng ta đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình, người dân Việt Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia. Ngay cả họ hàng nhà tôi cũng thế. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì làm nó thêm rỉ máu”.
Trong dịp kỷ 40 năm Ngày 30-4, khi trả lời phỏng vấn, bà Nguyễn Thị Bình cho là “chỉ có những người yêu tha thiết đất nước này, dân tộc này mới nói được như vậy. Và chỉ có những suy nghĩ như vậy mới có thể tập hợp được khối đại đoàn kết toàn dân hướng về một tương lai chung của đất nước”.
Sau ngày toàn thắng, chúng ta đều thống nhất việc lớn phải làm đầu tiên là hàn gắn vết thương chiến tranh. Chiến tranh lâu dài khốc liệt đã để lại những vết thương thực thể và những vết thương tinh thần. Với các vết thương thực thể, việc hàn gắn dù có khó khăn cũng không thể so với vết thương tinh thần. Vết thương trong lòng người, lòng dân tộc thì khó nói là đã nhiều phần lành lặn.
Chính vì thế, trong dịp kỷ niệm 30-4 năm nay, từ nhiều phía, nhiều người đã bày tỏ ước nguyện về hòa giải, hòa hợp dân tộc. Chúng ta có may mắn được thừa hưởng di sản quý báu tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh với những trải nghiệm về thật thà đoàn kết, với những người trước đây chống lại chúng ta, đoàn kết với những người dù quá khứ đã hợp tác với phe nào. Nhưng cuộc chiến 1945-1975 rất lâu dài, cực kỳ khốc liệt, nhiều lúc vang rền tiếng súng, nhiều khi im lặng kinh khủng đã kết thúc vô cùng hoành tráng mà rất gọn yên không tiền khoáng hậu… nhưng luôn đau đớn ray rứt bởi sự đối đầu giữa người Việt từ hai phía là nóng bỏng, quyết liệt. Vì thế mới có, mới cần có hòa giải, hòa hợp dân tộc cao hơn, sâu hơn, rộng thoáng hơn, đặc biệt hơn, những chính sách, quốc sách đã có.
Đúng như ông Vũ Ngọc Hoàng đã trao đổi “chủ trương hòa hợp dân tộc đã có từ trước ngày 30-4-1975”. Tôi nhớ rõ, hè thu 1972 ở vùng ranh núi Duy Xuyên, chúng tôi được học về hòa giải, hòa hợp dân tộc do thường vụ đặc khu ủy Quảng Đà tổ chức cho cán bộ chủ chốt.
Binh vận là mũi tiến công chiến lược đã được xác định trước đó rất lâu ngay khi kháng chiến chống Pháp, trên cơ sở nhận định âm mưu lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt của kẻ thù ngoại xâm. Nhận định đó cũng chỉ rõ phần lớn binh sĩ và cả một số sĩ quan cầm súng chống lại cách mạng là vì bị lừa gạt, cưỡng ép.
Nhưng những ý tưởng, những nhận thức mới mẻ sâu sắc như… lấy chính nghĩa để thuyết phục, lấy nhân nghĩa để cảm hóa, lấy khoan hồng để đối xử, tuyệt đối không được báo oán trả thù, không được đặt vấn đề truy tróc lý lịch vì lý do liên quan… xóa bỏ mặc cảm, định kiến, hận thù, những ai thấy được lỗi lầm đoạn tuyệt với quá khứ quay về với đường ngay lẽ phải đều có chỗ đứng trong lòng dân tộc…
Thì đây là lần đầu tiên chúng tôi được nghe với rất nhiều xúc động.
Giờ giải lao, anh Hồ Nghinh (Bí thư đặc khu ủy) chủ trì hội nghị chỉ về phía anh Bắc (Chánh văn phòng đặc khu ủy kiêm trưởng ban giao bưu đặc khu) gương mặt xúc động đến đờ đẫn, nước mắt như ứa trào nói với tôi: “Ông thấy ông Ba Duẩn có giỏi không? Ông ấy ở đâu đâu mà nói thấu gan ruột những người ở đây”.
Anh Bắc, một thanh niên trí thức người Huế có bằng tú tài, tham gia cách mạng ở Đà Nẵng rất sớm. Anh đã có vợ. Sau Hiệp định Genève vợ chồng mỗi người một nơi không có tin tức chi, anh rất lo đứa con đầu lòng mà anh chưa biết mặt, chưa biết là trai hay gái đang (hoặc sẽ) sống như thế nào, đứng ở bên nào. Rồi anh Nghinh đưa cho tôi một xấp khoảng 7 - 8 tờ giấy pơ-luya, chữ đánh máy hơi mờ “đây là chỉ thị của ông Ba Duẩn về hòa giải, hòa hợp dân tộc”.
Tối hôm đó, tôi xin anh cho mượn đọc tài liệu. Tôi thấy những điều cơ bản thần thái của chỉ thị. Anh Nghinh đã truyền đạt đầy đủ có hồn cốt.
Chỉ có một điều trong tài liệu không có mà anh Nghinh lại đưa ra như một chứng cứ lịch sử điển hình. Đó là chuyện vua Trần Thánh Tông, sau chiến thắng đã cho đốt tất cả những thư tịch giấy tờ có ghi chép về những người từng cộng tác với quân Nguyên, xem như một đoạn tuyệt với những việc ấy. Điều này đã không cho ai có cớ mà gây khó dễ cho những người từng có quan hệ với đối phương.
Tôi không rõ khi tiếp thu chỉ thị này ở Khu ủy, chuyện lịch sử đó anh có được trang bị không, hay là từ vốn kiến thức rất uyên bác của mình anh đã có một minh họa rất đắt giá cho một chủ trương lớn của cách mạng.
Tôi còn nhớ lúc này Nguyễn Khắc Phục, một cán bộ văn nghệ của khu đang công tác ở Quảng Đà, được học về chủ trương hòa giải, hòa hợp dân tộc, anh rất phấn khích và bắt tay vào sáng tác một diễn ca về chủ đề này. Tôi không nhớ rõ tác phẩm ấy được hoàn thành chưa nhưng tôi còn nhớ mãi đến tận bây giờ một câu của diễn ca Ngày đại thắng sẽ là ngày đại xá.
Năm 1985, Thư vào Nam của đồng chí Lê Duẩn được xuất bản. Tôi có tham khảo tác phẩm này và thấy tập giấy pơ-luya chữ đánh máy hơi mờ mà anh Nghinh bảo là chỉ thị của anh Ba về hòa giải, hòa hợp dân tộc mà chúng tôi học ngày ấy ở Duy Xuyên đúng là Thư gửi Trung ương Cục miền Nam Khu ủy Khu 5, Khu ủy Trị Thiên của đồng chí Lê Duẩn. Đầu lá thư có ghi chú: Các đồng chí thân mến. Nhân dịp làm việc với các đồng chí Khu 5, tôi có phát biểu một số ý kiến. Văn phòng Trung ương có ghi lại tôi đã xem và sửa chữa. Nay gửi vào các đồng chí nghiên cứu vận dụng trong tình hình mới. Tháng 8-1972.
Tài liệu này đề cập nhiều chủ trương lớn về quân sự chính trị ngoại giao của ta thời gian đấy. Mỹ đã thực hiện việc Việt Nam hóa được hơn 3 năm, thay màu da xác chết đã len lỏi vào từng nhà, nhiều nhà. Đàm phán ở Paris đã bước vào hồi quyết định. Cuộc chiến ở Thành cổ Quảng Trị đang diễn ra cực kỳ quyết liệt. Nhưng ở Quảng Đà dường như chúng tôi chỉ tập trung học nghiên cứu về hòa giải, hòa hợp dân tộc. Có thể những vấn đề chung về tình hình nhiệm vụ chúng tôi đã được học tập nghiên cứu nhiều lần ở các cuộc sinh hoạt khác rồi. Theo ký ức của mình, tôi nghĩ tinh thần và lời văn Thư vào Nam tháng 8-1972 đúng là tài liệu tôi được đọc, được học ngày ấy.
Toàn thắng 30-4 diễn ra quá thần tốc, ngỡ trong mơ. Trong ngày 30-4 và những ngày sau đó, chúng ta vui mừng nhận thấy trên đất nước này không ở đâu diễn ra trả thù tắm máu. Mọi người đều nhớ lời của tướng Trần Văn Trà nói với tướng Dương Văn Minh “giữa chúng ta không có người thắng, kẻ bại chỉ có dân tộc Việt Nam chiến thắng”.
Nhưng như ông Vũ Ngọc Hoàng nhận xét: “Tiếc là về sau có nơi, có lúc có việc thực hiện không nhất quán”. Tôi có cảm tưởng là nhiều việc còn xa cách với những đạo lý, những nguyên lý về hòa giải, hòa hợp dân tộc đã được minh định, sáng tỏ từ năm 1972.
Giờ đây Việt Nam đang đứng trước những thử thách lớn. Độc lập chủ quyền bị đe dọa bởi âm mưu thâm độc của thế lực bành trướng bá quyền phương Bắc. Chúng ta đang hội nhập sâu cùng thế giới hiện đại, nhưng sức cạnh tranh kinh tế và năng suất lao động còn thấp thua xa nhiều nước trong khu vực.
Chúng ta chỉ có thể giữ vững độc lập chủ quyền và bứt phá đi lên khi thực hiện được hòa giải, hòa hợp dân tộc, tập hợp và phát huy mọi sức mạnh của toàn dân tộc.
Chúng ta luôn khẳng định mục tiêu cao nhất của cách mạng là hạnh phúc của nhân dân, hạnh phúc cho mỗi con người và cho mọi nhà. Nếu không thực hiện được hòa giải, hòa hợp dân tộc thì còn biết bao nhà, biết bao người Việt Nam chìm đắm vướng mắc trong đau khổ, sân hận, oán hờn, không thể có cuộc sống bình thường, nhẹ nhàng dễ chịu (chữ của đồng chí Lê Duẩn trong Thư vào Nam).
NGUYỄN ĐÌNH AN