Việt Nam bước vào thế kỷ XX trong hoàn cảnh phức tạp: Bị biến thành thuộc địa, mất định hướng phát triển, bị thực dân Pháp đàn áp và bóc lột một cách trắng trợn...
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lịch sử Vladimir Kolotov. (Ảnh: Phương Linh) |
Ở nước Nga xa xôi, đại diện của lực lượng yêu nước là Nguyễn Ái Quốc lại tìm được những người bạn chân thành và con đường giải phóng dân tộc. Với sự giúp đỡ tinh thần và vật chất, cũng như công nghệ của Comintern (Quốc tế Cộng sản) mà nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã vùng lên và đánh bại các đối thủ nước ngoài xa và gần.
Từ khi quân viễn chinh Pháp đánh vào Việt Nam năm 1858 đến Chiến thắng 30-4-1975, kết thúc “cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước” là chặng đường 117 năm của cuộc đấu tranh chính nghĩa nhằm giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975 có giá trị đặc biệt trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Đó là ngày kết thúc cuộc chiến tranh ác liệt chống ngoại xâm.
Việt Nam đã phải trả giá rất đắt vì độc lập, chủ quyền, tự do. Trong suốt thế kỷ XX, Việt Nam đã nổi tiếng trên thế giới như là một quốc gia sẵn sàng chiến đấu đến cùng để chống bất cứ cường quốc nào xâm lược Việt Nam. Đây là một bài học lịch sử, tất cả các đối thủ xâm lược Việt Nam từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XX đều bị thua, đều bị đánh bại. Đó là bài học lớn mà bất cứ kẻ xâm lược nào cũng phải nhớ trước khi thực hiện bất cứ mưu đồ và hành động nào ngoài phạm vi luật pháp quốc tế. Đây là uy tín mà Việt Nam đã giành được trong mấy nghìn năm lịch sử của mình.
Thế kỷ XX cũng chứng minh rất rõ ràng là vũ khí của Liên Xô-Nga trong tay chiến sĩ Việt Nam là sức mạnh phá vỡ bất kỳ mưu đồ quỷ quyệt nào của địch. Vũ khí của Liên Xô đã góp phần đập tan “pháo đài không thể công phá được” tại Điện Biên Phủ, hệ thống phòng không bảo vệ bầu trời miền Bắc, tiêu diệt những chiếc B-52 của Mỹ và những chiếc xe tăng đã công phá, tiến vào cổng dinh Độc lập.
Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng, các vị tướng tài ba, trung kiên đã bao nhiêu lần cứu nước bằng nghệ thuật quân sự của mình luôn có uy tín rất cao trong lòng dân. Không phải là ngẫu nhiên mà lực lượng vũ trang Việt Nam mang tên là: “Quân đội nhân dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên này với ý nghĩa sâu sắc là “Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ”.
Chính vì thế ở Việt Nam có quan hệ đặc biệt giữa nhân dân và quân đội. Những người lính Việt Nam, ở bất cứ thế hệ nào, cũng luôn tâm huyết với lời dạy của Bác: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Năm 1975 đánh dấu giai đoạn quan trọng trong công cuộc thống nhất và xây dựng đất nước theo con đường mới.
Việt Nam bước vào thế kỷ XXI trong hoàn cảnh hoàn toàn khác so với thế kỷ XX. Việt Nam lần lượt đã giải quyết được những vấn đề cơ bản như: Chủ quyền, xây dựng chế độ chính trị ổn định, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, bảo đảm mức tăng trưởng kinh tế bền vững. Đó là tiềm năng vững chắc để tiếp tục công cuộc “Đổi mới” và tiếp tục phát triển đất nước giàu mạnh.
Việt Nam hiện nay đã trải qua rất nhiều thử thách, đã được tôi luyện trong chiến tranh. Việt Nam “đã tôi thế đấy”!
Theo Giáo sư Vladimir Kolotov (*)
Quân đội Nhân dân
(* GS, Tiến sĩ khoa học Lịch sử, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, Đại học Tổng hợp Quốc gia St. Peterburg, Ủy viên Ủy ban Quốc gia Nga của Hội đồng Hợp tác An ninh Châu Á-Thái Bình Dương (CSCAP)