.

10 luật có hiệu lực thi hành từ tháng 7-2015

.

(Tiếp theo)

Đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp

Luật Giáo dục nghề nghiệp gồm 8 chương, 79 điều, mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh đến trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng. Theo đó, trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp bao gồm: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp và trường cao đẳng. Trường cao đẳng được tách ra khỏi giáo dục đại học, trở thành một cơ sở của giáo dục nghề nghiệp.

Chính phủ thống nhất quản lý giáo dục nghề nghiệp và sẽ quy định cụ thể về cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương. Cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Quy định rõ quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp được bố cục thành 10 chương gồm 66 điều. Luật quy định việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và giám sát việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Đối tượng áp dụng của luật gồm 4 nhóm là: Đại diện chủ sở hữu Nhà nước; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; người đại diện phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà luật không cấm

Luật Doanh nghiệp có 10 chương, 172 điều. Thay đổi có tính đột phá của Luật Doanh nghiệp là thể chế hóa một cách đầy đủ quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo Hiến pháp: Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà luật không cấm. Luật có nhiều cải cách quan trọng trong việc giảm chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho quá trình gia nhập thị trường.

Những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng nhất của luật gồm: thể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp năm 2013; giảm rủi ro, tăng tính chủ động, nhanh nhạy trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thuận lợi hóa quá trình gia nhập thị trường; giảm bớt thời gian và chi phí trong thủ tục thành lập doanh nghiệp. Giảm chi phí, tạo cơ chế vận hành linh hoạt, hiệu quả cho tổ chức quản trị doanh nghiệp, cơ cấu lại doanh nghiệp, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên công ty.

Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho các bên có liên quan tham gia vào giám sát hoạt động của doanh nghiệp.

Bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư trong nước

Luật Đầu tư có 7 chương, 76 điều, quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài. Luật bảo đảm thực hiện nguyên tắc hiến định về quyền tự do đầu tư kinh doanh của công dân trong các ngành nghề mà luật không cấm.

Một trong những điểm mới quan trọng được sửa đổi, bổ sung trong Luật Đầu tư là bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả các dự án đầu tư trong nước; đơn giản hóa hồ sơ, trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà thầu nước ngoài (từ 45 ngày theo Luật Đầu tư 2005 xuống còn 15 ngày). Cùng với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, Luật đã bổ sung, hoàn thiện một số quy định nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dự án đầu tư.

Khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến trong vận chuyển hàng không dân dụng

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định Nhà nước định giá đối với các dịch vụ hàng không và một số dịch vụ, một số dịch vụ phi hàng không thiết yếu. Giá các dịch vụ, hàng hóa thông thường khác vẫn được điều tiết theo cơ chế thị trường do doanh nghiệp quyết định nhưng phải thực hiện niêm yết công khai. Vai trò quản lý của Nhà nước được thể hiện qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của doanh nghiệp.

Luật bổ sung quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hành không, nghĩa vụ duy trì các điều kiện và chất lượng tối thiểu dịch vụ vận chuyển; bổ sung trách nhiệm của người vận chuyển trong trường hợp chuyến bay bị chậm kéo dài mà không được thông báo trước; giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về thời gian chuyến bay bị chậm kéo dài và chất lượng dịch vụ tối thiểu cho hành khách tại cảng hàng không, sân bay.

H.H tổng hợp

;
.
.
.
.
.