.
90 năm ngày ra đời Báo Thanh Niên (21-6-1925 – 21-6-2015)

Báo Thanh Niên với cách mạng Việt Nam

.

Tháng 11-1924, sau gần 1,5 năm ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc được Bộ phương Đông của Quốc tế Cộng sản cử đến Quảng Châu - trung tâm của phong trào cách mạng dân chủ Trung Quốc.

Qua sự giúp đỡ của lãnh sự quán Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc, Người liên lạc với những người Việt đang sống lưu vong ở đây. Cuộc ném bom giết toàn quyền Đông Dương của Phạm Hồng Thái không thành, những thanh niên người Việt yêu nước trong tổ chức Tâm tâm xã lúng túng, không tìm ra phương hướng giải phóng dân tộc. Tiếp nhận tổ chức Tâm tâm xã của Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn những người ưu tú, rèn luyện, giáo dục để thành lập Hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí, trong đó có Cộng sản đoàn làm nòng cốt…

Cương lĩnh của Hội là: “Đoàn kết tất cả những người có thể đoàn kết ở trong nước Việt Nam, không phân biệt đảng phái, biết kiên quyết hy sinh lợi ích cá nhân và quan điểm riêng của mình, tất cả những người có thể hoạt động phục vụ cho công cuộc khôi phục chủ quyền của dân tộc Việt Nam…”.

Cùng với việc thành lập Hội, Người mở trường huấn luyện chính trị cho thanh niên Việt Nam yêu nước. Trong hồ sơ lưu trữ của Bộ thuộc địa Pháp còn lưu giữ một công văn khẩn như sau: “Hà Nội ngày 27-2-1925/ Tuyệt mật/ Sở cảnh sát Hà Nội nhận được nhiều tin tức nói rằng có một người An Nam vừa từ châu Âu đến Quảng Châu. Người này bắt liên lạc với bọn cách mạng. Người này sống với bọn Cộng sản Nga và lấy tên là Lý Thụy. Y rất am hiểu hoạt động của những tên cách mạng An Nam ở châu Âu cũng như phương pháp cách mạng Nga… Là một tên có nghị lực, Lý Thụy đã thiết lập một hội yêu nước mới và đào tạo bọn cộng sản trong khuôn khổ hội này, như một số tên di cư sang Hoa Nam. Chúng vừa in những truyền đơn bằng chữ Trung Quốc kêu gọi tham gia hội, một số truyền đơn đã vào Đông Dương” (dẫn theo E.Cabelev, Đồng chí Hồ Chí Minh, Nxb Thanh niên 1985, tr.10).

Người tâm đắc với luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, như Lênin đã nhấn mạnh: “Theo ý chúng tôi thì điểm xuất phát của hoạt động, bước thực tiễn đầu tiên (…) là việc thành lập tờ báo chính trị toàn Nga. Chúng ta cần trước hết là tờ báo. Không có nó thì không thể tiến hành được một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện. Đó là nhiệm vụ chủ yếu và thường xuyên của phong trào dân chủ - xã hội nói chung.

Và đó là nhiệm vụ cấp bách trong lúc này, lúc mà sự lưu ý đến chính trị, đến những vấn đề xã hội chủ nghĩa đã được nhóm lên trong các tầng lớp nhân dân rộng rãi nhất… Tuy nhiên, vai trò của tờ báo không phải chỉ đóng khung ở chỗ phổ biến tư tưởng, giáo dục chính trị và thu hút những bạn đồng minh chính trị. Tờ báo không những chỉ là người tuyên truyền tập thể và cổ động tập thể, mà còn là người tổ chức tập thể” (Lênin toàn tập, Nxb Sự thật 1975, tr.12).

Nguyễn Ái Quốc với một số đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V (tháng 7-1924). Ảnh tư liệu
Nguyễn Ái Quốc với một số đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V (tháng 7-1924). Ảnh tư liệu

Thực tế khách quan của cách mạng Việt Nam những năm 1925-1927 đòi hỏi có một tờ báo cách mạng giữ vai trò tổ chức và hướng dẫn phong trào. Báo Thanh Niên, “tờ báo bí mật đầu tiên của người cách mạng Việt Nam bằng chữ quốc ngữ” (Trần Văn Giàu), ra đời trong bối cảnh đó. Ngoài lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, người sáng lập và là linh hồn của tờ báo, những người tham gia sáng lập và đồng hành suốt chặng đường hơn 5 năm là Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điếm, Trương Vân Lĩnh.

Báo Thanh Niên ra được 202 số (số đầu ra ngày 21-6-1925, số cuối 202 ra ngày 14-2-1930), tuy là tuần báo nhưng không đều kỳ. Báo có 4 hoặc 5 trang, khổ 18 x 24cm, viết tay trên giấy sáp (stensil), in theo lối thủ công (roneo), mỗi số in 100 bản (không thể in nhiều hơn vì chữ sẽ mờ). Mỗi trang có hai cột, mỗi cột từ 23-26 dòng.

Trang nhất, phía trên đóng khung hình chữ nhật có tên báo viết bằng chữ quốc ngữ và chữ Hán. Bên trái có biểu tượng (vinhette) hình ngôi sao năm cánh, bên trong ngôi sao ghi số của tờ báo. Các chuyên mục và thể loại chủ yếu của báo là xã luận, bình luận, tân văn (tin tức), phụ nữ đàn (diễn đàn dành cho nữ giới), vấn đáp (phỏng vấn), trả lời bạn đọc. Ngoài ra còn có tranh minh họa, tranh châm biếm, khẩu hiệu hành động, thơ ca, từ điển cách mạng, nghiên cứu lý luận…

Báo Thanh Niên được hình thành trên nền tảng của tư tưởng Marx, của tổ chức Thanh niên Cộng sản đoàn, tuân thủ các nguyên tắc báo chí của giai cấp vô sản. Đây là ngọn cờ tiên phong của báo chí cách mạng, có sức vẫy gọi, tập hợp, chuẩn bị về tổ chức và tư tưởng để đưa đến việc thành lập một chính đảng của giai cấp, đủ sức lãnh đạo phong trào cách mạng nước ta.

Những kẻ cầm đầu của chính quyền thuộc địa phải thừa nhận rằng, những khẩu hiệu hành động, những lời kêu gọi nồng nhiệt đấu tranh cho giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước và vạch trần tội ác của bọn thực dân và triều đình, đã làm tờ báo nhanh chóng phổ cập trong đời sống tinh thần nhân dân và những người yêu nước, tiến bộ ở nước ngoài.

Chánh mật thám Đông Dương Louis Marty thừa nhận: “Cần phải nói ngay rằng, tờ báo của Nguyễn Ái Quốc được tất cả đảng viên ở nước ngoài, ở trong nước và đông đảo người có cảm tình đọc, những người này chẳng những tự mình đọc báo mà còn chép đi chép lại nhiều lần để cho người khác đọc”. Do số lượng bản in quá ít, nhiều địa phương đã tổ chức chép lại báo để chuyền đến tay nhiều người đọc.

Chẳng hạn, tại Hà Nội, Nguyễn Danh Đới, Bí thư Tỉnh bộ thanh niên đã phân công cho Nguyễn Đức Cảnh và một số đồng chí khác tổ chức ấn loát ở số nhà 92 phố Chợ Duỗi: “Vì là học sinh - Nguyễn Đức Cảnh kể lại - lại có chữ đẹp, tôi được phân công chép lại và in lại bằng thạch cuốn Đường cách mệnh, một tác phẩm lý luận cách mạng đầu tiên và Báo Thanh Niên, một tờ báo cách mạng đầu tiên bằng tiếng Việt do Bác Hồ sáng lập” (Nhiều tác giả, Vô sản hóa, Nxb Thanh niên 1972, tr,189).

Thanh Niên số 61 còn có một khẩu hiệu như một dòng tít lớn chạy ngang hết cả trang nhất: “Chỉ có Đảng Cộng sản mới có thể đem lại cho nhân dân Việt Nam tự do, hạnh phúc”, làm cho bọn mật thám thuộc địa hốt hoảng đến hoang mang.

Ở nước ta, vào đầu thế kỷ XX, báo chí vẫn là một hiện tượng mới. Báo chí chống thực dân theo khuynh hướng cộng sản lại càng hiếm hoi. Hai tờ báo chống thực dân có khuynh hướng thân cộng là La clôche fêlée (Tiếng chuông rè) của Nguyễn An Ninh, số 1 ra ngày 10-12-1923 cho đến số 62 ngày 3-5-1926 thì đình bản.

Tiếp đó là tờ L An Nam của luật sư Phan Văn Trường ra số đầu (ghi số 63 như là sự tiếp tục của La clôche fêlée) ra ngày 6-5-1926, số cuối 182 ngày 2-2-1928. Cả hai tờ đều đăng nhiều bài theo quan điểm chủ nghĩa Marx, đăng lại một số bài viết của Nguyễn Ái Quốc trên Báo Người cùng khổ, đăng nguyên văn cả Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của Marx và Engels…

Ngay cả trên báo L’An Nam số 169 ra ngày 16-6-1927 đã có những dòng giới thiệu hoạt động của Nguyễn Ái Quốc một cách trang trọng: “Tờ báo nói rằng từ ít lâu nay người Việt Nam chú ý đến Trung Quốc, đặc biệt chú ý đến Quảng Châu như chú ý đến vầng sao bắc đẩu của cuộc giải phóng Á châu khỏi ách đế quốc Tây phương.

Ở đó có một người Việt Nam yêu nước tên là Nguyễn Ái Quốc, 35 tuổi, tỉnh Nghệ An. Theo tin của tòa Thượng thẩm Hà Nội, khi tòa xử vụ 17 người Việt Nam bí mật đi Trung Quốc thì Nguyễn Ái Quốc đã mở trường huấn luyện chính trị, quân sự ở Quảng Châu và Mạc Tư Khoa nữa cho nhiều thanh niên trong nước ta”... Nhưng cả hai tờ báo này viết bằng tiếng Pháp chứ không phải là báo chí quốc ngữ.

Ngoài tờ Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Hội, Tổng bộ còn xuất bản 3 tờ báo định kỳ khác là tuần báo Công nông, bán nguyệt san Lính cách mệnh và nguyệt san Việt Nam tiền phong cho những đối tượng hẹp hơn. Chẳng hạn, tuần báo Công nông xuất bản từ tháng 12-1926 đến đầu năm 1928, nhắm vào đối tượng công nhân và nông dân, bán nguyệt san Lính cách mệnh xuất bản từ đầu năm 1927 đến đầu năm 1928, nhằm vào binh sĩ người Việt trong quân đội Pháp ở Đông Dương làm đối tượng tuyên truyền…

Song song với quá trình vận động để tiến tới thành lập một chính đảng của giai cấp vô sản ở nước ta, báo chí cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xây dựng và trực tiếp chỉ đạo luôn đóng vai trò tiên phong trong phong trào cách mạng của dân tộc/giai cấp.

Những kinh nghiệm quý báu và đặc biệt là một kiểu nhà báo mới do Người đào tạo đã trở thành vốn quý của sự nghiệp báo chí nước ta. Lịch sử báo chí nước ta vẫn ghi đậm nét vai trò tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể và tổ chức tập thể của Báo Thanh Niên đối với lịch sử cách mạng và đất nước.

PHẠM PHÚ PHONG

;
.
.
.
.
.