Cách mạng Tháng Tám như một luồng gió cuốn vào nó cả một thế hệ thanh niên trí thức trẻ trung, tài ba và nồng nàn yêu nước.
Báo Cờ Giải phóng, số ngày 10-5-1973. Ảnh tư liệu |
Hồi ấy ở Điện Bàn xuất hiện nhiều ông tú tham gia cách mạng. Ông tú Kỵ ở Điện Quang, sau này là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Lê Đình Kỵ. Ông tú Vân ở Điện Bàn (hy sinh trong mùa xuân Mậu Thân ở Gò Nổi) em ruột ông Tám Nhĩ, nhà cách mạng kỳ cựu – đại biểu Quốc hội đủ tài kinh luân. Ông tú Lộc, ở Điện Tiến sau này có tên Hồ Xuân Sơn là Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam, trợ lý của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ. Ông tú Dưỡng, Hồ Dưỡng một chiến sĩ cách mạng – một nhà báo cách mạng.
Tôi rời Hà Nội đi chiến trường B cuối năm 1965 trong đội hình cán bộ giáo dục với tinh thần vào nhanh đi gấp, vùng giải phóng đang mở ra rất rộng, rất cần giáo viên chi viện. Nhưng rồi Mỹ đổ hơn 20 vạn quân vào miền Nam, chiến tranh cục bộ vô cùng ác liệt, không có đất cho hoạt động giáo dục. Chúng tôi được phân công về đủ các cơ quan, đơn vị. Tôi may mắn được về Báo Cờ Giải phóng, cơ quan của Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng Trung Trung bộ, thực chất là của Ban Tuyên huấn Khu ủy V, anh Hồ Dưỡng là Phó Ban thường trực. Thế là tôi được làm lính, làm học trò của anh.
Về cơ quan được đâu chừng nửa tháng, tôi đã làm được vài ba việc của người lính mới: lên rẫy nhổ sắn gùi về, đi xuống tận ngã ba Phước Hiệp cõng gạo, mấy lần họp cơ quan có 4, 5 người bàn về nội dung bài vở số báo tới và số sau đó, chỉ có tôi chẳng được giao việc gì vì là lính dự bị.
Xem chừng cũng đã quen công việc thì anh Dưỡng gọi lên. Chỗ anh làm việc và ăn nghỉ là một chòi tranh nhỏ gọn gàng có đủ bàn ghế ghép bằng cây rừng, cột dây mây vuông vức chắc chắn. Có một chiếc giường nhỏ, dát giường là những thanh lồ ô thẳng thớm. Nhưng có lẽ anh không nằm giường (sạp), phía trên giường có cột một chiếc võng dù.
Anh hỏi tôi ở Hà Nội học trường đại học nào, ra trường làm gì, quê quán ở đâu. Tôi báo cáo anh: học Đại học Sư phạm Văn, tốt nghiệp về lại cơ quan cũ, Sở Giáo dục Hà Nội, có dạy một số giờ ở mấy trường điểm, còn làm công tác chỉ đạo chuyên môn của sở.
Tôi cũng nói tôi chưa làm báo chuyên nghiệp; nhưng làm báo cho phong trào học sinh, sinh viên thì cả khi ở khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc và ở Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi đều tham gia tích cực. Anh cười “vậy phân công về Cờ Giải phóng là phù hợp chứ”, tôi cũng chỉ biết cười. Khi tôi nói tôi là dân Gò Nổi, cả cha mẹ đều người Điện Quang, anh nói anh có nhiều bạn học ở đó, khi anh kể tên mấy người tôi nhận ra có cậu Chín của mình.
Anh còn động viên tôi “mấy anh em nhà ấy thông minh và học giỏi lắm”; tôi lại nói “học trò trong Quảng ra Huế ai cũng chăm học, học giỏi”. Đây là điều tôi nghe mọi người nói với nhau chứ tôi còn nhỏ chưa biết thực tế những chuyện ấy, chưa một lần đến Huế. Cuối cùng anh nói đã đề nghị Báo Cờ Giải phóng có một chuyên mục “Những khó khăn của đế quốc Mỹ”, và anh đã bàn với anh Phò (Đặng Minh Phương) phân công tôi lo việc này là chính. Anh nói “Mỹ giàu Mỹ mạnh thì người ta nói nhiều, viết nhiều rồi.
Nhưng nhảy vào miền Nam Việt Nam thì nó gặp nhiều khó khăn và không phải cứ đem sức mạnh Hoa Kỳ ra là giải quyết được. Ta phải biết những khó khăn đó để đánh Mỹ”. Tôi báo cáo “Ở đây chẳng có tài liệu, tư liệu gì viết, viết đề tài này khó lắm”. Anh động viên: “Chịu khó theo dõi Đài Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam. Báo mình đăng lại hay dựa vào bài vở của họ cũng tốt. Chỗ các anh còn được đọc bản tin tham khảo của Thông tấn xã do anh Sinh thu từ minh ngữ, đó cũng là một nguồn”.
Sau buổi trò chuyện làm việc đơn giản ấy tôi thấy thủ trưởng của mình bề ngoài có vẻ lạnh lùng nhưng ân cần quan tâm đến cán bộ cấp dưới và cách hướng dẫn công tác xem ra rất thiết thực.
Thế rồi một buổi đi làm rẫy, nhìn lên bầu trời tôi thấy một chiếc trực thăng Mỹ, loại Si-húc, bà con mình thường gọi là sâu đo đang bay ngang có treo tòng teng dưới bụng nó một cỗ đại pháo, chắc là đi lập một trận địa mới. Nhìn lại mình thấy mình đang sản xuất theo phương thức cổ lỗ thô sơ nhất, “phát-đốt-chọc-tỉa”, đem cái cổ lỗ thô sơ của nhân loại chống lại sức mạnh hiện đại của tên đế quốc siêu cường số 1, thế mà lại làm cho Mỹ bối rối khó khăn. Bởi quân đội Mỹ chính quy hiện đại không chỉ có nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân mà những nhu yếu phẩm của quân lính Mỹ theo chuẩn từng người cũng rất lớn.
Có nơi quân Mỹ đóng trên những cao điểm không có nước, trực thăng Mỹ còn phải chở nước sinh hoạt đến, có khi trực thăng đứng sựng trên không phun nước cho binh lính Mỹ tắm. Vì thế phá hủy các phương tiện chiến tranh, các cơ sở hậu cần, các con đường tiếp vận góp phần rất quan trọng làm sụp đổ sức mạnh quân sự của Mỹ. Thế là bài viết ngắn Cơn ác mộng hậu cần của Mỹ - bài đầu trong chuyên mục Những khó khăn của đế quốc Mỹ ra đời. Sau khi báo đăng bài này, anh cười bảo tôi: “Cứ thế mà làm là được đấy”.
Tôi có một kỷ niệm không bao giờ quên với anh Dưỡng. Một hôm, tất cả các cơ quan của khu ủy được lệnh di chuyển gấp, từ núi cao Trà My đến núi cao huyện Giằng, gần biên giới Việt – Lào và phải đi đường trên, dài hơn, nhiều dốc cao vực thẳm hơn. Tất cả đồ đạc tài sản gạo mắm dù không nhiều nhưng cũng rất nặng, phải chuyển cùng với người một chuyến vì không thể để đến chỗ mới rồi quay về chỗ cũ chuyển tiếp.
Tôi vừa ở Quảng Đà về được ít ngày, đi đường dưới, thấy cũng chẳng có vấn đề gì nên có ý kiến xin với mấy anh cho đi đường dưới ít dốc, đường êm hơn lại qua một vài nơi có dân, có thể mua bán đổi chác để cải thiện chút đỉnh. Đi đường này là tự lực hoàn toàn không qua trạm, không có giao liên dẫn đường. Anh Phò nói “hay là ta rủ anh Dưỡng đi cùng, anh ấy yếu lắm, vừa qua một trận sốt rét đi đường trên cực lắm”.
Chẳng biết các anh bàn luận thế nào, anh Dưỡng đồng ý đi với bộ phận Báo. Đoàn đi rất gọn nhẹ, anh Dưỡng và chú Cường cần vụ của anh, tôi và anh Phò, cô Thạnh chị nuôi và một chú nữa của Văn phòng. Theo lộ trình từ vùng núi cao Trà My chúng tôi đi đến Tý, Sé vào buổi chiều, nghỉ đêm ở đây, sớm mai đi qua Khe Rinh theo đường trâu kéo gỗ ngày trước rồi bật lên ngã ba sông Thanh, sau đó đi hơn một buổi nữa sẽ về đến điểm đóng cơ quan mới ở đầu nguồn sông Thanh.
Chúng tôi đến Sé lúc chiều muộn. Làng có chừng mươi lăm nóc nhà. Tôi vào một căn nhà nhìn rộng rãi xin nghỉ lại. Anh chủ nhà có lẽ đã quá quen hay đã ngán cảnh này nói “Ngủ à, được thôi, nhưng nhà chỉ có một cái hầm với ván đủ cho ba mẹ con nó. Tôi cũng cột võng bậy bạ quanh hầm, các anh cũng thế, trong nhà hết chỗ thì ra ngoài vườn”.
Như thế là đã đạt yêu cầu, chúng tôi trút gùi, ba lô chuẩn bị nấu cơm. Lúc này tôi mới nhận ra trên chiếc chõng tre ở góc nhà có một thằng nhỏ chừng 5, 6 tuổi. Anh chủ nhà chỉ vào nó, thằng bé đang nhăn nhó “Không biết ăn phải cái chi mà trúng thực nó khó chịu lắm”.
Tôi nhớ trong gùi của mình có một gói Bi-cac-bô-nac đờ-xut, hôm anh bạn Triều Phương dẫn đi chợ Bà, mua ở một sạp tạp hóa. Gói thuốc này có tên chữ Hán là Tô Tả phấn (đọc theo âm Hán Việt, còn theo âm Bắc Kinh thì đúng là xútđơ), bèn lấy ra chừng hơn một hạt ngô gói vào một miếng giấy quyến, giấy quấn thuốc lá, đưa cho nó, nói: “Cháu nuốt đi”. Đúng là thần dược, ít lâu sau thằng nhỏ xổ ngay và tươi tỉnh lại.
Cảm kích vì được cho thứ thuốc quý vào lúc bệnh ngặt nghèo, chị vợ anh chủ ra vườn nhổ vào một mớ cải tươi xanh “để nấu canh mấy chú ăn cho mát ruột”.
Lúc này trời đã nhá nhem, một tốp anh em ta ghé vào định xin ngủ. Thì ra đó là mấy anh ở bộ phận điện ảnh, các anh cũng sè sẹ đi đường dưới, thấy chúng tôi, họ biết chỗ họ là ở ngoài vườn.
Chiều ở thôn làng vùng núi ven sông nơi đầu nguồn có những nét đẹp quê rất lạ mà rất quen. Trong nhà ánh lửa hồng ấm áp, trên nóc tỏa những làn khói lam mỏng nhẹ, tiếng lợn ụt ịt về chuồng đòi ăn, tiếng gà con chiếp chiếp theo mẹ về ổ. Lắng nghe còn như thấy có tiếng sóng vỗ nhẹ. Với những người lâu nay sống giữa rừng già cây cao suối lớn thì nó gợi lên bao nỗi niềm về quê hương, gia đình.
Ăn uống xong, chú Cường khéo léo mắc chiếc võng cho anh Dưỡng dưới hầm, còn mình mắc võng ở ngay miệng hầm. Anh Phò, tôi, chị Thạnh treo võng quanh hầm. Các bạn điện ảnh thì ở dưới những gốc keo, thầu đâu ngoài vườn. Đi cả ngày ai cũng mệt lừ và ngủ ngon, im ắng chỉ có tiếng đài đọc truyện đêm khuya của radio ai đó quên tắt.
Quá nửa đêm, một loạt tiếng nổ chát chúa, tôi bừng tỉnh thấy ngôi nhà trống hoác một mảng, tranh tre lả tả. Anh chủ nhà khi biết tất cả chúng tôi đều không hề hấn gì nói một câu gọn băng “dọn dẹp chi cũng để đến sớm mai” rồi tiếp tục ngủ như không có chuyện gì xảy ra. Anh có cho chúng tôi thêm một thông tin “lâu lâu pháo Nông Sơn lại làm mấy loạt cầm canh chớ có chi đâu”.
Gần sáng, chị Thạnh dậy sớm nấu cơm. Khi níu đầu võng của anh Phò tính mượn hộp quẹt chị kêu lên “võng chú Phò bị pháo làm thủng một lỗ”. Anh Phò thức dậy và phát hiện ra võng mình bị mảnh pháo chém thủng 2 lỗ bằng cái trôn chén ở hai đầu.
Thật may mắn, do anh Phò quen ngủ cong, cuộn người tròn lại trong khúc giữa của chiếc võng.
Nếu như tối hôm ấy anh Dưỡng hoặc anh Phò, hay ai đó dính pháo tôi thật không biết tình hình sẽ thế nào. Tôi không chỉ mang tội vô kỷ luật mà còn ân hận chắc cả một đời.
Tôi được cử đi Quảng Đà làm phóng viên thường trú của Báo Cờ Giải phóng ở đó. Một buổi chiều chớm thu 1967, anh Dưỡng cho gọi tôi đến dặn dò trao đổi trước lúc lên đường.
Trước hết, anh đưa cho tôi thư anh viết cho anh Hồ Nghinh – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà kiêm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, gửi gắm tôi và mong có sự quan tâm giúp đỡ.
Ở các cơ quan của khu, người đi công tác thường được cấp một giấy giới thiệu. Đó là miếng giấy nhỏ, chữ đánh máy với nhiều mật danh có chữ ký nhưng không có dấu, tôi chẳng những có giấy giới thiệu đó mà còn có một lá thư không chỉ năm, bảy dòng, chữ gần kín một trang pơ-luya. Thế là ưu ái lắm.
Anh nói với tôi: “Chiến trường này sẽ là chiến trường chính và ngày càng ác liệt, phải bám sát địa phương để làm việc và bảo vệ mình”. Anh nói vui: “Dũng cảm không phải là liều mạng, phải biết giữ mình để làm việc lâu dài”. Anh còn dặn: “Nên nhớ rằng anh không chỉ là phóng viên thường trú của báo mà là cán bộ Ban Tuyên huấn. Anh biết rõ việc gì Ban cần thì chủ động làm và gửi báo cáo về”. Anh đã làm việc với anh Nghinh (chắc là trong cuộc họp khu ủy) khi cần thiết anh ấy sẽ cho cơ yếu dịch để gửi bằng điện mật về Ban.
Ở các cơ quan khu hồi này ai cũng ham đi Quảng Đà, chiến trường nóng bỏng, nhiều thử thách sinh tử. Đã có gan đi B, đi chiến trường mà lại chỉ ở trên núi cao ngó xuống thì buồn lắm, thà làm anh B “quay”.
Được phân công đi tới nơi mọi người đang muốn tới, lại được thủ trưởng tin cậy giao phó nhiều việc, tôi hăm hở đi Quảng Đà.
Ông Năm Công, Bí thư Khu ủy V, người lãnh đạo ở tầm chiến lược, cũng là một người chỉn chu, sâu sát trong chỉ đạo các cơ quan giúp việc. Ông không nói ra nhưng nhiều người đều biết ông rất tin cậy anh Dưỡng. Ông hoàn toàn yên tâm khi giao những công việc viết thư, thảo hịch và nói chung công tác tư tưởng cho anh Dưỡng. Trong con mắt mình, ông chưa tìm thấy người nào ở đây có thể thay thế. Chính vì vậy, anh lâm vào thế kẹt. Những người vào chiến trường cùng thời với anh phần lớn đã ra Bắc chữa bệnh, điều dưỡng. Có người đã vào ra mấy lần.
Chẳng cần bệnh án, cứ nhìn nước da cũng là đủ hồ sơ đi Bắc. Hồi đó ở căn cứ khu có câu vè “Seiko, Sony, PhiPhi, radi” (Seiko là loại đồng hồ tốt của Nhật, phổ biến ở miền Nam, tất nhiên không bằng đồng hồ Thụy Sỹ Movado, Omega; Sony là thương hiệu của một hãng điện tử số 1 của Nhật, ở đây là chiếc radio bán dẫn hiệu Sony); Phi Phi là tên chị bác sĩ phụ trách bệnh xá của khu (nay là Giáo sư, Tiến sĩ Phi Phi). Tất nhiên có những người thối chí, tìm cách có chữ ký của bác sĩ Phi Phi, nhưng chắc là hơn 90% những người đến xin duyệt hồ sơ đi Bắc chữa bệnh có bệnh thật, cần điều trị thật.
Anh Dưỡng không thuộc loại đó, Anh biết rõ vị trí của mình, biết chiến trường đang cần mình – con người cụ thể của mình. Anh cũng rất tin ở chị, một người con gái Đà Nẵng sớm đi theo cách mạng và đã là Thành ủy viên từ những năm chống Pháp.
Tôi không rõ việc bố trí cho vợ một số đồng chí cán bộ cấp cao của Khu ủy V vào chiến trường công tác cùng chồng là do yêu cầu “hợp lý hóa” gia đình và đáp ứng nhu cầu cuộc chiến đấu hay là do một phán đoán chủ quan: Chúng ta sẽ toàn thắng với xuân Mậu Thân, có thể là do cả hai (?). Trước xuân Mậu Thân có hàng loạt chị đã vào căn cứ khu V, bà Nễ vợ ông Năm Công, bà Hòa vợ ông Tư Thuận, rồi vợ các ông Đoàn Khuê, Trần Kiên, Tám Nhĩ…, trong đội hình đó có cả chị Lãnh, vợ anh Dưỡng.
Chúng ta đều biết xuân Mậu Thân không kết thúc thắng lợi như ta mong đợi, dù nó có tác dụng rất mạnh, làm suy sụp ý chí xâm lược của Mỹ.
Sau Mậu Thân, chiến trường lại càng ác liệt hơn và chuyện các chị vào với các anh, chính sách hợp lý hóa tạo điều kiện sống hạnh phúc trở thành thất sách. Ai đã sống những ngày sau Mậu Thân ở căn cứ Khu V đều thấy đó là những ngày gian nan cơ cực đến tột cùng. Là phu nhân của các cán bộ cao cấp dù có được ưu đãi nhưng đi một bước là phải trèo đèo lội suối, công vụ có cõng được gạo mắm về nhưng ngoài những nhu cầu thiết yếu còn thiếu bao nhiêu thứ cho sinh hoạt của phụ nữ, rồi những cơn sốt rét hành hạ, rồi những tự vấn: chỗ đứng của mình lúc này có phải là ở đây; hay chỉ vì mình ở đây mà làm khó cho nhiều người?
Có lẽ mọi người đều thấy những nghịch lý và thất sách đó nên tất cả các chị hầu như đã sớm trở lại nhiệm vụ rất đời thường và cũng rất vẻ vang ở hậu phương. Riêng bà Hòa vợ ông Tư Thuận thì nằm lại mãi mãi ở chiến trường.
Sau ngày toàn thắng, non sông liền một dải, mọi gia đình đều đoàn tụ thì gia đình anh Dưỡng lại như đi ngược với chiều thuận ấy. Hồi chiến tranh đất nước chia cắt, chồng Nam vợ Bắc là một lẽ, bây giờ hòa bình rồi mà chồng Bắc vợ Nam là nghịch lý. Anh Dưỡng được điều ra Hà Nội giữ chức Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, cơ quan báo to nhất nước. Rồi với những phẩm chất vốn có anh lại trở thành người khó thay thế, hay là khó tìm một vị trí tương xứng cho anh ở Đà Nẵng. Còn chị, chị được bầu là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Thật cám cảnh chồng Bắc vợ Nam của anh chị.
Có lần được đi cùng xe với chị ra Hà Nội dự một hội nghị, khi qua cầu phao Ghép, trời đã về chiều, có mấy người đứng bên đường giơ ra những xâu cua biển mời mua, chị nói xe dừng lại và bảo tôi: “Mua một ít để bồi dưỡng cho ông Dưỡng”. Tôi biết anh Dưỡng ở 71 Hàng Trống, ngay trong cơ quan Báo Nhân Dân, trong căn phòng chừng hơn 10m2 có một cái bếp dầu nơi góc khuất, đêm nay chị sẽ chăm sóc đặc biệt cho anh, chuyện thường ngày với mọi gia đình.
Bất cứ một gia đình nào cũng cần sum họp, đoàn tụ; mọi sự chia tách, thiếu đầy vẹn dù với lý do gì đều để lại những hệ lụy khôn lường. Phải chăng vì thế, người con trai đầu của anh chị nay đã ngoài 60 mắc một chứng tâm thần (may là lành hiền), vẫn chưa vợ con gì. Khi chừng 10 tuổi cháu đã phải sống xa mẹ vì mẹ đi chiến trường. Trẻ cậy cha, già cậy con, đạo lý của người Việt mình là vậy mà anh chị khi đã bước vào cõi đại thọ vẫn cứ là chỗ dựa của cháu. Những hậu quả chiến tranh như thế này chúng ta ít nói đến, tính đến, đau xót lắm chứ.
Vào những năm cuối đời - cũng có đến hơn 10 năm – anh Dưỡng bị tai biến. Thời gian đầu chị còn dìu anh đi bộ tập thể dục. Nhưng rồi anh nằm một chỗ sống đời thực vật. Khi anh nhập viện chị cũng nhập viện, tất nhiên để chăm sóc anh là chính và chị cũng đầy bệnh trong mình. Lương hưu của một cán bộ cao cấp, một đồng chí tham gia tiền khởi nghĩa đủ để trả cho một người giúp việc, chăm sóc anh. Chị còn lấy làm mừng, chị nói với tôi “mấy năm nay nhờ có chị giúp việc tin cậy được, tôi mới có một chút thời gian và cũng khỏe hơn một chút”.
Cuộc đời anh Hồ Dưỡng, thủ trưởng của tôi, người thầy của tôi như tôi đã biết (chắc là chưa biết hết, biết đủ) thật có bao điều đáng nghĩ suy.
Khôi ngô tuấn tú, có tri thức, có đức độ, ông tú Dưỡng đã hòa vào dòng thác cách mạng của dân tộc từ những ngày mùa thu ấy, rồi trở thành một cán bộ cao cấp của Đảng. Anh là một trong những người vào chiến trường sớm nhất, trụ bám lâu dài nhất. Cả anh và chị đều tận tụy hết mình vì đại cuộc. Trong thời buổi này, hiếm trường hợp như anh và chị, cả đôi được bạn bè đồng chí tin yêu quý mến, xem là một mẫu người, một tấm gương liêm chính trong sáng.
Ai có thể ngờ là khi bước vào buổi xế chiều của cuộc đời anh chị lại gặp nhiều cảnh đau đớn éo le.
Cứ mỗi lần vào thăm anh, thấy anh sống đời thực vật có vẻ lóng ngóng ngây dại đến thê thảm, tôi lại thầm đọc hai câu thơ của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều:
Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán,
Chết đuối người trên cạn
mà chơi.
Và tôi như muốn gào lên với cái gọi là trẻ tạo hóa, với con tạo: Tại sao lại như thế này? Một người tử tế nhân hậu như thế, hy sinh cống hiến như thế sao cuối đời lại buồn thảm như thế này.
Nhưng rồi tôi hiểu ra con tạo ấy, trẻ tạo hóa ấy, biết hỏi ai ai biết mà hỏi đây; để rồi tôi ngộ ra cuối cùng vẫn là việc của mình, của chính mình.
Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi viết những dòng hồi ức này như những điều tâm sự như một lời tri ân người thủ trưởng, người thầy của tôi – nhà báo Hồ Dưỡng.
Nguyễn Đình An