Trong căn nhà nhỏ mới xây nằm trên con hẻm của đường Trần Cao Vân, 4 mẹ con chị Trần Thị Xuân Phương (tổ 73, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) không giấu được niềm vui và hạnh phúc khi được ở trong căn nhà của riêng mình. Chị xúc động cho biết: “Có trong mơ cũng không khi nào dám nghĩ tới”.
Thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển quỹ nhà ở trên địa bàn quận Thanh Khê. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
An cư mới lạc nghiệp
Chị Phương nói như thế là bởi trước kia, khi chồng chị còn sống, hai vợ chồng cần mẫn làm ăn nhưng cũng chỉ đủ đồng ra, đồng vào nuôi ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học và sống trong một gian nhà tạm bố mẹ chồng cất cho. Mùa mưa nhà dột, nước ngập quá mắt cá chân, cả nhà phải thay nhau lấy thau để hứng nước, mùa nắng thì nóng như thiêu như đốt.
Khi chồng chị mất đi, để lại cho chị ba đứa con, đứa lớn nhất mới học lớp 9, đứa nhỏ đang học lớp 3, mọi gánh nặng đè lên vai chị, mơ ước có nhà càng trở nên xa vời vợi. Tuy nhiên, được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, năm 2014 chị là một trong 3 hộ được hỗ trợ xây mới nhà ở.
Chị tâm sự: “Có được căn nhà là có chỗ trú mưa trú nắng cho mấy mẹ con, thực sự mẹ con tôi rất cảm động vì nhờ sự tương thân tương ái, giúp đỡ của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm. Có nhà rồi, các cháu ở cũng thoải mái hơn, yên tâm học hành, còn tôi cũng được an cư lạc nghiệp, chỉ mong có sức khỏe để làm việc nuôi con”.
Không riêng gì gia đình chị Phương, cuối tháng 5-2015, gia đình ông Võ Sỹ, tổ 132, phường Chính Gián cũng được dọn về ở trong ngôi nhà mới. Thay thế cho căn nhà cấp 4 cũ nát, không có nhà vệ sinh, mùa mưa cả nhà phải sang trú nhờ nhà hàng xóm… là căn nhà mới khang trang, sạch sẽ hơn rất nhiều. Ông cho biết, nhờ có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, bà con lối xóm mà gia đình ông được ở trong căn nhà mới, yên tâm làm ăn, không lo trở trời lúc mưa, lúc nắng.
Vốn làm thợ sửa xe ở vỉa hè, trước kia, ngôi nhà nhỏ ở tổ 56, phường Tân Chính của gia đình anh Trần Văn Kỳ bị xuống cấp trầm trọng nhưng nhờ nguồn quỹ “Vì người nghèo” của phường, gia đình anh đã được hỗ trợ 10 triệu đồng để sửa nhà. Có chỗ ở ổn định, anh đưa tiệm sửa xe đạp, xe máy của mình về nhà, lượng khách ngày một đông hơn, giúp vợ chồng anh có thu nhập ổn định. Từ hộ nghèo, nhờ chăm chỉ làm ăn, đầu năm nay gia đình anh đã chính thức thoát nghèo.
Gần gũi để hiểu dân hơn
Trong những năm qua, các phường trên địa bàn quận Thanh Khê đã làm rất tốt công tác an sinh xã hội. Những hoạt động đầy ý nghĩa này tạo nguồn lực vật chất và động lực tinh thần giúp người nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, quỹ “Vì người nghèo” của quận đã không ngừng tăng qua các năm, tổng số tiền vận động được trong 5 năm (2010-2014) đạt 12,6 tỷ đồng, gấp 2 lần số tiền vận động 10 năm trước (2000-2009 là 6,2 tỷ đồng).
Hằng năm, quận và các phường đều vận động vượt chỉ tiêu đề ra, từ năm 2010-2014, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê liên tục được UBND thành phố tặng Bằng khen; các phường: Xuân Hà, An Khê, Chính Gián, Thạc Gián, Vĩnh Trung hằng năm có số tiền vận động quỹ cao nhất quận, nhiều năm liền được UBND thành phố tặng Bằng khen.
Ông Trần Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Giảm nghèo quận Thanh Khê cho biết, những năm qua, Ban Thường vụ Quận ủy rất quan tâm, coi trọng công tác an sinh xã hội. Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng và Chỉ thị 20-CT/QU của Quận ủy Thanh Khê, mục tiêu 3 giảm của Quận ủy (giảm hộ nghèo, giảm thất nghiệp, giảm tai nạn-tệ nạn xã hội) đã được đề ra và thực hiện rất tốt.
Công tác này đã được Quận ủy lãnh đạo, vận động cả hệ thống chính trị, các đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp cùng tham gia. Mặt khác, quận đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng các hình thức vận động xây dựng các quỹ giúp đỡ người nghèo.
Để thấu hiểu và chia sẻ với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, hằng năm, Quận ủy đã giao cho Ủy ban MTTQ Việt Nam quận phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận, các ngành liên quan cùng các phường tổ chức những đợt khảo sát, đối thoại trực tiếp với các hộ nghèo.
Chính từ những buổi đối thoại này giúp chính quyền địa phương lắng nghe, hiểu được hoàn cảnh cũng như khó khăn của các gia đình, từ đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ cụ thể đối với từng trường hợp như giúp sửa chữa nhà hay tạo phương tiện sinh kế để các hộ nghèo làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Do đó, 15 năm qua, từ nguồn quỹ vận động ở cấp quận, phường cộng với sự hỗ trợ của thành phố, quận đã hỗ trợ xây dựng 816 nhà đại đoàn kết, sửa chữa 1.069 nhà cấp 4 xuống cấp với tổng kinh phí trên 17,3 tỷ đồng; hỗ trợ vốn, phương tiện sinh kế cho 1.149 hộ với kinh phí gần 3 tỷ đồng.
Thoát nghèo bền vững
Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê, để phát huy nguồn lực to lớn trong các tầng lớp nhân dân, nhiều mô hình được triển khai tốt đã đem lại hiệu quả to lớn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Nhiều đơn vị, nhà tài trợ như Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Công thương, Hội Doanh nhân quận, Công ty TNHH KD Ân Điển… đã trở thành những người bạn đồng hành thân thuộc với những hoàn cảnh khó khăn.
Sự giúp đỡ kịp thời đã động viên, khích lệ nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, trong đó có nhiều hộ trở thành điển hình tiêu biểu sau khi thoát nghèo, từng bước vươn lên khá và giàu, đã biết cảm thông chia sẻ, hỗ trợ, giúp các hộ nghèo khác ở cộng đồng cùng vươn lên thoát khỏi đói nghèo, góp phần xây dựng khu dân cư ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Từ một chủ trương hợp lòng dân, các phong trào, các cuộc vận động không chỉ dừng lại ở việc giúp người nghèo về vật chất mà quan trọng là khơi dậy được tính cộng đồng, trách nhiệm, kêu gọi sức mạnh đoàn kết của mọi tấm lòng, cùng giúp người nghèo thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Công tác chăm lo cho người nghèo đã từng bước được xã hội hóa, phát huy được nguồn lực trong mỗi người dân, cơ sở, dòng họ, cộng đồng... cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước chăm lo cho người nghèo, góp phần thiết thực vào chủ trương “giảm nghèo” của quận.
THU HÀ