Chính trị - Xã hội
Bắt buộc ghi âm ghi hình khi hỏi cung: Tốn kém cũng phải làm
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết phải quy định bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung...
Đại biểu Lê Thị Nga. |
Thảo luận về dự án Luật Tố tụng hình sự tại Quốc hội sáng 17-6, nhiều ý kiến đại biểu đều nhấn mạnh sự cần thiết phải quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can.
Trước đó, kết quả phiên thảo luận tổ cho thấy bên cạnh đa số ý kiến tán thành quy định này thì cũng còn có vị không tán thành vì sẽ gây tốn kém.
Ủng hộ quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phân tích, quy định này nhằm đảm bảo minh bạch quá trình hỏi cung, ghi nhận khách quan hoạt động nghiệp vụ của điều tra viên, kiểm sát viên, luật sư, là bằng chứng khách quan để bảo vệ điều tra viên nếu bị nghi can vu cáo bức cung, nhục hình và bảo vệ nghi can nếu việc bức cung, nhục hình là có thật, bảo vệ luật sư nếu bị nghi ngờ là xui cho bị can chối tội.
Bà Nga cũng nhắc lại trả lời của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang tại phiên chất vấn ngày 21-11-2013, trước đề nghị “lắp camera giám sát tất cả các cuộc hỏi cung” rằng : “Đây là một giải pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn và tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động hỏi cung. Bộ Công an cũng đã lựa chọn giải pháp này và đang từng bước lắp đặt và mới đặt được ở một số địa bàn trọng điểm do còn khó khăn về kinh phí. Để triển khai toàn bộ kế hoạch này, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội tăng thêm kinh phí đầu tư cho điều tra hình sự”.
Và trong báo cáo giám sát oan sai vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã kiến nghị “Chính phủ đầu tư kinh phí cho thiết bị ghi âm, ghi hình để ghi nhận chứng cứ, chống bức cung nhục hình”.
Theo đại biểu Nga, như vậy cho đến nay, ý kiến chính thức của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao là thống nhất, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí, Uỷ ban thẩm tra cơ bản đồng tình.
“Tôi cho rằng sự đồng thuận đó đã đủ cho chúng ta luật hóa quy định này như đề xuất của ban soạn thảo. Nếu có ý kiến phản biện rằng không đủ kinh phí thì cũng cần đưa ra con số cụ thể cần bao nhiêu tiền để Quốc hội biết và phân bổ ngân sách cho hoạt động điều tra, bởi đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất cho các hoạt động này là một yêu cầu quan trọng trong Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp”, bà Nga phát biểu.
Đánh giá bắt buộc ghi âm ghi hình là quy định mang tính tiến bộ, sẽ công khai khai minh bạch để khắc phục bức cung nhục hình, đại biểu Nguyễn Thái Học nhấn mạnh nếu bảo vệ được quyền con người thì có tốn kém cũng nên làm.
Đại biểu Học đề nghị nên khảo sát xem cụ thể kinh phí dành cho việc này là bao nhiêu. Khi thảo luận tổ thì có đồng chí lãnh đạo địa phương bảo sẵn sàng trang bị thiết bị ghi âm, ghi hình, ông Học nói.
Cũng nhấn mạnh mục đích chống bức cung, nhục hình, đại biểu Vũ Xuân Trường cho rằng cần ghi âm ghi hình tất cả mọi trường hợp vì đều trang bị máy móc như nhau cả.
Việc bắt buộc ghi âm ghi hình, theo đại biểu Trường bảo vệ cho chính người tố tụng và cơ quan điều tra, vì trong thực tế đã có nhiều người phản cung.
Không ai thích thú gì khi làm việc có cái máy theo dõi chặt chẽ như vậy, nhưng vì những lý do trên thì tuy rằng tốn kém vẫn có thể đầu tư, ông Trường bày tỏ quan điểm.
Một nền tư pháp vì con người thì tốn kém cũng phải làm, đại biểu Trần Ngọc Vinh đồng tình.
Theo VnEconomy