Hiện đang là giai đoạn cao điểm của nắng nóng khô hanh, nguy cơ cháy rừng rất cao. Cơ quan Kiểm lâm và chính quyền các địa phương có rừng cần tiếp tục triển khai quyết liệt và đồng bộ các biện pháp đã triển khai từ đầu năm đến nay để ngăn cháy rừng.
Lực lượng kiểm lâm Liên Chiểu tuần tra canh trực phòng chống cháy rừng. |
Nếu như năm 2014, vào thời điểm này trên lâm phận Đà Nẵng xảy ra hơn 10 vụ cháy, gây thiệt hại khoảng 120ha rừng các loại thì năm nay chưa xảy ra vụ cháy rừng nào. Kết quả này cho thấy những giải pháp khả thi và quyết liệt của cơ quan Kiểm lâm cùng chính quyền các địa phương có rừng đã phát huy tác dụng.
Biện pháp đầu tiên phải kể đến là các vụ cháy rừng trong năm 2014 được điều tra, xử lý kịp thời và nghiêm minh, tạo sự răn đe cần thiết đối với những ai coi nhẹ công tác bảo vệ rừng. 6 đối tượng gây ra 2 vụ cháy rừng ở huyện Hòa Vang đã phải đứng trước vành móng ngựa và chịu hình phạt thích đáng của pháp luật, trong đó 3 đối tượng xử lý thực bì gây cháy hơn 100ha (trong đó có gần 50ha tại rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa) chịu hình phạt 10 năm tù và buộc bồi thường 1,152 tỷ đồng. Có thể nói đây là bản án nghiêm khắc nhất trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng ở Đà Nẵng từ trước đến nay.
Ông Võ Sơn, Trưởng thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú cho rằng, qua vụ án gây cháy rừng này, ai nấy đều thấm thía về cái giá phải trả cho sự lơ là trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Trước đây, việc xử lý thực bì của người dân còn khá tùy tiện, thường không lập đường ranh cản lửa; thậm chí có trường hợp không xin phép và xử lý cả những lúc cao điểm của nắng nóng.
Từ khi 3 đối tượng gây cháy rừng chịu hình phạt thích đáng của pháp luật đến nay, công tác PCCCR tại địa phương chuyển biến rất rõ nét. Nhận thức của người dân trong lĩnh vực này đã thay đổi đáng kể.
Biện pháp thứ hai được cơ quan Kiểm lâm triển khai rất quyết liệt là tăng cường tuần tra, cảnh giới lửa rừng trong những ngày nắng nóng. Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu là một trong những đơn vị làm tốt công tác này. Với 2.810,8ha đất lâm nghiệp, năm 2014 xảy ra 6 vụ, thiêu rụi 24,3ha.
Năm nay, mặc dù thời tiết nắng nóng gay gắt, nguy cơ cháy rừng cấp V (mức rất nguy hiểm), song đến nay rừng Liên Chiểu cơ bản giữ được an toàn. Ông Nguyễn Văn Truyền, Hạt trưởng Kiểm lâm cho biết, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyên, ký cam kết với 13 cơ quan, đơn vị và 23 tổ dân phố, 97 hộ dân, Hạt đặc biệt chú trọng công tác tuần tra, kiểm soát trên vùng rừng.
Thời điểm nắng nóng, Kiểm lâm địa bàn phối hợp với đội phản ứng nhanh và các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng tuần tra, canh trực thường xuyên. Nhờ vậy, các trường hợp sử dụng lửa sai quy định tại rừng, xử lý thực bì vào thời điểm nắng nóng, đốt vàng mã tại các am thờ đều được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Nghiêm cấm triệt để việc xử lý thực bì vào giai đoạn nắng nóng là biện pháp hữu hiệu ngăn chặn cháy rừng. Từ trước đến nay, đa số các vụ cháy rừng đều do con người gây ra, chủ yếu đốt xử lý thực bì. Năm nay, cơ quan Kiểm lâm và chính quyền các địa phương có rừng giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Việc xử lý thực bì chỉ được tiến hành khi chính quyền địa phương và Kiểm lâm địa bàn cho phép và phải chuẩn bị chu đáo các yếu tố bảo đảm an toàn như lập ranh cản lửa, có lực lượng canh trực... Ông Lê Mạnh Hùng, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Quyết liệt với tình trạng tùy tiện xử lý thực bì là cách ngăn chặn cháy rừng hiệu quả nhất.
Từ đầu năm đến nay, cơ quan Kiểm lâm đã phát hiện xử phạt 6 trường hợp đốt thực bì trồng rừng sai quy định. Xã Hòa Bắc làm tốt công tác này, với hơn 2.000ha rừng trồng, mỗi năm xử lý thực bì 500-600ha, song không xảy ra cháy rừng”.
Bằng nhiều hình thức, cơ quan Kiểm lâm đã triển khai công tác tuyên truyền về PCCCR trong cộng đồng dân cư, tác động tích cực đến ý thức trách nhiệm và hành vi của mỗi người dân. Đây là biện pháp được cơ quan Kiểm lâm chú trọng nhất trong thời gian qua.
Cùng với việc phát các bản tin về cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên đài truyền thanh các xã và báo, đài thành phố, Hạt Kiểm lâm Hòa Vang còn sử dụng ô-tô có gắn loa phóng thanh tuyên truyền lưu động trong các thôn xóm, nhất là tại các xã miền núi. Các buổi hội họp của khu dân cư, Kiểm lâm địa bàn đều phối hợp lồng ghép tuyên truyền về PCCCR. Hàng chục bảng “cấm lửa” gắn tại các vùng rừng nguy cơ cháy cao cũng góp phần nâng cao nhận thức của người dân và khách du lịch về lĩnh vực quan trọng này.
Hiện tại, đang là giai đoạn cao điểm của nắng nóng khô hanh, nguy cơ cháy rừng rất cao. Cơ quan Kiểm lâm và chính quyền các địa phương có rừng cần tiếp tục triển khai quyết liệt và đồng bộ các biện pháp đã triển khai từ đầu năm đến nay.
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU